LTS: Chúng tôi xin tiếp tục chủ đề về phát triển của thành phố HCM, thông qua cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, người nhậm chức phó chủ tịch thành phố từ tháng 8/2011.
Nếu như ông Trần Du Lịch đã phần nào giúp độc giả nhìn lại thành phố HCM sau 20 năm vừa qua, với những thành công và tồn tại, thì ông Lê Mạnh Hà, qua phần trả lời của mình hy vọng sẽ giúp độc giả hiểu thêm về những thách thức mà trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam này đang phải đối mặt.
Có điều, bên cạnh những nhận định riêng của mình, ông Lê Mạnh Hà lại gián tiếp nêu những thách thức đó thông qua những gì mà ông và các cộng sự đang tập trung nỗ lực vượt qua.
– Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghiệp thành phố trong thời gian vừa qua?
– Thành phố HCM vẫn dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Nhưng tôi vẫn phải thừa nhận rằng sản xuất công nghiệp của thành phố nói riêng, và cả nước nói chung, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng còn thấp.
Theo tôi, cái “không cao” đó có nguyên nhân chính là trình độ khoa học – công nghệ thấp, khiến nền công nghiệp của chúng ta vẫn ở mức độ gia công là chủ yếu.
– Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng này?
– Phải tập trung phát triển những ngành có hàm lượng chất xám cao và là lợi thế của người Việt. Có lẽ ai cũng nói thế cả và chúng ta cũng đã đưa ra nhiều ngành và cảm giác như chưa có lựa chọn nào mang tính đột phá.
– Vậy phải là ngành nào?
– Theo tôi, phải là công nghệ thông tin (CNTT). CNTT có hàm lượng khoa học rất cao, và quan trọng hơn, đây là ngành mà từ khoa học đến ứng dụng rất ngắn, tính khả thi cao.
Khác với nhiều ngành mang tính truyền thống và phải dựa trên nền tảng cơ sở vật chất mạnh cũng như khoa học phát triển cao, CNTT dựa chủ yếu vào bộ não, là khai thác tài nguyên vô tận, đó là chất xám. Việt Nam có dân số đông, tỷ lệ lao động trẻ rất cao và đặc biệt rất thông minh, giỏi tính toán.
Chúng ta phải tập trung toàn lực cho phát triển ngành này, Việt Nam nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
– Xin hỏi ông, riêng thành phố HCM đã làm những gì để phát triển ngành này?
– Thành phố đã làm nhiều việc, nhưng tôi muốn nói đến Công viên phần mềm Quang Trung. Cách đây hơn 10 năm lãnh đạo thành phố HCM đã quyết tâm làm CNTT, và đã quyết định đầu tư một công viên phần mềm.
Đó công việc mạo hiểm, tư nhân chắc chắn không thể làm. Lúc đó có thể nói là khó khăn chồng chất, gánh nặng đè lên vai các đồng chí lãnh đạo, lên vai những người trực tiếp làm công viên phần mềm. Tất cả mọi thứ đều quá mới đối với chúng ta, với thành phố nói riêng và với Việt Nam nói chung.
Thế nhưng, đến hôm nay đây, sau hơn 10 năm từ ngày đó chúng ta có thể khẳng định Dự án trọng điểm xây dựng công viên phần mềm Quang Trung đã thành công.
Công viên phần mềm Quang Trung
– Thế nhưng, theo báo chí đưa tin, trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố, có những đại biểu cũng chất vấn lãnh đạo về tính hiệu quả của dự án này. Ông nghĩ sao?
– Tôi cũng lấy làm lạ là người ta có thể dành hàng chục ngàn héc ta để xây dựng các sân gôn, hay các khu đô thị mới, nhưng lại tiếc khi chỉ có 40 héc ta thôi để làm một công viên phần mềm. Nhà nước đầu tư vào đây cũng chỉ bằng số lẻ của chi phí bù lỗ cho xe buýt một năm, thế mà có người vẫn cho rằng không hiệu quả.
Như tôi đã từng trả lời tại phiên họp HĐND, nếu 40 héc ta này chúng ta kinh doanh địa ốc, xây một khu đô thị nho nhỏ thì có lẽ chỉ vài ngàn, hay cùng lắm là vài chục ngàn người, ở trong nước biết đến. Nhưng khi chúng ta làm phần mềm thì miếng đất này có thương hiệu quốc tế, và mọi người biết Việt Nam có công nghiệp phần mềm.
Nhiều người biết thành phố Hồ Chí Minh có công nghiệp phần mềm, bởi vì họ biết có công viên phần mềm Quang Trung. Cũng như vậy, nhiều người biết Việt Nam làm công nghệ thông tin, và họ biết đến thương hiệu công viên phần mềm Quang Trung.
– Tức là lợi ích của khu phần mềm Quang Trung, còn là sự quảng bá cho bên ngoài là người Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào những ngành sáng tạo, chứ không chỉ cung cúc làm gia công?
– Đúng vậy.
– Kế hoạch của thành phố sắp tới sẽ là gì?
– Từ thành công của Công viên phần mềm Quang Trung, thành phố HCM sẽ xây dựng Công viên phần mềm Quang trung 2 và phát triển thành chuỗi “Công viên Phần mềm Quang trung” ở các tỉnh thành khác.
Tại sao có chuỗi siêu thị Coopmart, có chuỗi phở 24, mà lại không có chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung? Các tỉnh như Nam Định, Lâm Đồng và một số tỉnh khác rất hoan nghênh, và sẵn sàng cùng thành phố xây dựng chuỗi. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ủng hộ ý tưởng này.
– Thế nhưng hiện nay chủ yếu chúng ta vẫn là gia công phần mềm?
– Lúc đầu luôn là như vậy, ngay cả với ngành đơn giản hơn như may mặc. Trước đây Việt Nam chỉ yếu gia công quần áo xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta đã tự thiết kế và may quần áo phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu. Phần mềm cũng như vậy, phải tiến từng bước thôi.
Có một điều mừng là, thực tế hiện nay chỉ có các phần mềm do các công ty nhà nước mới đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.
Sắp tới thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp và đưa vào nội tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh. Đây là thị trường rất lớn cho phát triển phần mềm. Tất nhiên, trước mắt là tập trung nhiều hơn vào khu vực doanh nghiệp quốc doanh.
– Không có sự phân biệt đối xử ở đây chứ?
– (Cười) Không dám đâu.
– Thứ nhất, khu vực này thực sự cần phải quan tâm hơn, bởi nó kém năng động và kém hiệu quả hơn.
Thứ hai, cũng dễ làm hơn bởi nó nằm trong tầm tác động trực tiếp của thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố là chủ sở hữu mà. Thành phố sẽ bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghê và công nghệ thông tin.
Ông Lê Mạnh Hà – phó Chủ tịch Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Huỳnh Phan
– Tách riêng câu chuyện phần mềm ra, tôi muốn hỏi ông là thành phố làm thế nào để nâng hàm lượng chất xám, hay hàm lượng giá trị gia tăng, đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực còn lại?
– Theo luật, các doanh nghiệp được trích 10% doanh thu trước thuế để lập Quỹ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải lập quỹ này. Nếu vận hành tốt quỹ này, việc nghiên cứu & phát triển sẽ giúp đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo và đưa những công nghệ mới vào.
Hơn nữa, cái quỹ này cũng tạo điều kiện tăng sự kết nối giữa giới khoa học ở các viện và các trường với doanh nghiệp. Từ trước đến nay, nếu bên Sở Khoa học & Công nghệ đặt hàng nhà khoa học các viện, các trường nghiên cứu một đề tài khoa học – công nghệ nào đó, thường nó ít gắn với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tức là chi tiền ra đặt hàng, nghiệm thu, rồi cất ngăn kéo?
– Cũng gần như vậy. Lãng phí tiền nhà nước, cũng như thời gian, công sức của giới nghiên cứu.
Tôi cho rằng với doanh nghiệp thì khác hẳn, một khi có lợi họ mới chịu móc hầu bao.
– Cho tới nay đã có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp đã lập quỹ khoa học – công nghệ?
– Ít lắm, chỉ hai-ba chục doanh nghiệp thôi, cả quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh.
Tôi tính rằng nếu nhiều doanh nghiệp tham gia, tổng quỹ khoa học công nghệ có thể lên tới vài ngàn tỷ. Ví dụ, chỉ riêng Quỹ của Tổng Công ty Công nghiệp đã lên tới 100 tỷ đồng. Thế là cả trăm lần so với vài chục tỷ mà nhà nước hàng năm vẫn bỏ ra cho công tác nghiên cứu của cái thành phố 10 triệu dân này.
Tuy nhiên, bên tài chính vẫn quy định về những khoản được chi còn rất hẹp. Tiền của doanh nghiệp mà can thiệp quá sâu như thế là rào cản.
– Họ sợ doanh nghiệp trốn thuế?
– Chắc là thế. Nhưng tại sao mình cứ phải sợ? Chúng ta vẫn cứ mắc cái bệnh là thiếu lòng tin vào con người, vào doanh nghiệp. Không thể chỉ vì một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp vi phạm mà không tin tất cả doanh nghiệp rồi cấm đoán tất cả. Một xã hội không thể phát triển nếu thiếu lòng tin.
– Một trong những lý do mà doanh nghiệp chưa hào hứng lập quỹ khoa học – công nghệ có phải là do khó khăn về vốn của họ không? Với nhiều doanh nghiệp tồn tại được đã là may rồi, làm sao nghĩ được đến phát triển?
– Khó khăn chính là do họ chưa tin các nhà khoa học có thể giúp gì cho họ. Thứ hai là ông tài chính chưa tin họ, bắt họ chỉ được chi theo ý chủ quan của các vị này.
Ngành tài chính kiểm soát từng khoản chi của nghiên cứu khoa học và buộc các nhà khoa học phải nói dối là cái bệnh ai cũng biết từ lâu nay nhưng chưa chữa được. Tôi vẫn nói, quyền lực về tài chính của bộ trưởng Khoa học Công nghệ còn nhỏ hơn một chuyên viên cụ thể của Bộ Tài chính.
– Thành phố đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
– Tôi đã chỉ đạo Sở KHCN thí điểm việc mua sản phẩm khoa học. Nghĩa là với một đề tài nghiên cứu, thành phố mua sản phẩm cuối cùng, giống như một hình thức khoán.
Tức là các nhà khoa học sẽ không phải nộp chứng từ về từng cuộc hội thảo, về từng chi phí nhỏ tí tẹo của từng đề tài. Giống như mua một chiếc ô tô thì chỉ cần hóa đơn của chiếu ô tô, không phải nộp chứng từ mua lốp ở đâu, mua động cơ của ai, mua kính chiếu hậu ở đâu và bao nhiêu tiền.
Hài hước là ở chỗ hiện nay các nhà khoa học phải nộp chứng từ cho từng món như vậy đấy. Họ lo nói dối thì còn đầu óc nào cho sáng tạo nữa.
Nói một cách nôm na, tôi mua sản phẩm khoa học như mua một cái ô tô, một cái máy tính. Nghe nói Luật KHCN mới cũng đi theo hướng này.
Lòng tin quan trọng lắm. Khoán 10 là tin nông dân và chúng ta xuất khẩu gạo thuộc loại hàng đầu thế giới. Nếu tin nhà khoa học thì chúng ta chắc sẽ có xuất khẩu chất xám cũng phải tầm cỡ thế giới.
(Còn tiếp)
Theo Vietnamnet