Chỉ có thể là samurai
Trước đó, trong tháng 8, bộ phim stop-motion “Kubo And The Two Strings” khai thác hình tượng và tinh thần samurai cùng những màn hành động độc đáo, ngoạn mục hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và khác lạ hơn những gì họ thường thấy trên màn ảnh. Tuy chưa bao giờ được coi là một thể loại riêng, chưa kiến tạo được một thế giới riêng như phim võ hiệp của xứ Hương Cảng, nhưng phim về tinh thần võ đạo Nhật Bản, mà tiêu biểu là giới samurai – lại đặt được nhiều dấu ấn, tạo ra vô số ảnh hưởng lên điện ảnh thế giới, nhất là Hollywood.
Một bộ phim samurai tiêu chuẩn luôn là sự kết hợp giữa hai yếu tố: chanbara – tạm hiểu là dàn dựng võ thuật theo phong cách phương Đông và jidaigeiki – tức bối cảnh lịch sử, thường nằm trong giai đoạn từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19. Trong đó, quãng thời gian dưới thời Mạc Phủ Tokugawa (1600 – 1868) được khai thác nhiều nhất với vô số tác phẩm xuất sắc về sự suy tàn của giới võ sĩ đạo trước bối cảnh xã hội thay đổi, cách họ đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, và các ronin – tức samurai vô chủ – luôn là những nhân vật được công chúng yêu thích. Bộ phim samurai đầu tiên được ghi nhận là “Orochi” của đạo diễn Buntaro Futagawa ra đời năm 1925, còn “The 47 Ronin” của đạo diễn Kenzi Mizoguchi, khởi chiếu năm 1941 chính là tác phẩm đưa thể loại này đến với khán giả phương Tây.
Nhưng cũng phải đến khi đạo diễn vĩ đại Akira Kurosawa trình làng tuyệt tác “Rashomon” vào năm 1950 và bộ phim này giành giải Sư tử vàng năm 1951 tại LHP Venice, cả thế giới mới thực sự nhận ra sức hấp dẫn đặc biệt của dòng phim này. Nối tiếp bằng “Seven Samurai” (1954), “Throne Of Blood” (1957), “The Hidden Fortress” (1958) và “Yojimbo” (1961), mỗi tác phẩm của Akira Kurosawa như một pho sử thi về muôn mặt đời sống của những võ sĩ đạo trong dòng chảy lịch sử, khắc họa sinh động đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Cũng từ giai đoạn này, dòng phim samurai thay vì chỉ tập trung vào các màn đả đấu như trước kia, đã bắt đầu đề cao những tính cách đặc trưng của người võ sĩ đạo, bao gồm lòng trung thành, thái độ tôn trọng danh dự và phẩm giá, đồng thời nhấn mạnh yếu tố hiệp nghĩa bên cạnh những cuộc trả thù đẫm máu và nghi thức harakiri (mổ bụng tự sát) quả cảm. Sự xuất hiện của một loạt đạo diễn tài danh bên cạnh Akira Kurosawa, bao gồm Hiroshi Inagaki, Hideo Gosha, Kihachi Okamoto, Masaki Kobayashi… đã mang đến cho công chúng những tác phẩm điện ảnh để đời về giới võ sĩ đạo, như loạt ba phim về “Kiếm thánh” Musashi Miyamoto gọi chung là “Samurai Trilogy”, “Three Outlaw Samurai”, “Samurai Assassin”, “Red Lion”, “Zatoichi Meet Yojimbo”, “The Sword Of Doom”, “Kill!”, “Kwaidan”, “Samurai Rebellion”…
“Harakiri – Death Of A Samurai”
“Của người, phúc ta”
Dòng phim võ sĩ đạo Nhật Bản đã sớm có ảnh hưởng lên Hollywood từ trước Thế chiến thứ 2 và kéo dài cho tới tận hôm nay. Một dòng chảy liên tục và chưa hề đứt đoạn, nhưng không phải ai cũng nhận thấy. Những dấu ấn đậm nét nhất được lưu lại ở dòng phim Viễn Tây – với “Magnificent Seven” là một ví dụ điển hình. Không phải ai cũng biết chàng cao bồi vô danh (do Clint Eastwood đóng) trong series 3 phim kinh điển “Dollar Trilogy” của đạo diễn Sergio Leone chính là bản sao hoàn hảo từ nhân vật Yojimbo của Akira Kurosawa, mà sau này, đến năm 1996, “Last Man Standing” với sự tham gia của Bruce Willis lại là một bản re-make xuất sắc, với bối cảnh xã hội hiện đại.
Người kiến tạo ra “Star Wars”, loạt phim viễn tưởng ăn khách nhất mọi thời chưa bao giờ che giấu việc ông “mắc nợ” Akira Kurosawa nhiều đến mức nào. Nội dung của 3 tập đầu tiên ít nhiều chịu ảnh hưởng từ “The Hidden Fortress”, các hiệp sĩ Jedi chính là những samurai hoạt động ngoài vũ trụ bao la. Tạo hình và phục trang của các nhân vật trong “Star Wars” cũng đã cho thấy những dấu ấn quen thuộc từ nền văn hóa Nhật Bản cổ đại – khán giả có thể dễ dàng nhận ra qua hình tượng Dart Vader, nữ hoàng Amidala hay những bộ áo choàng và kiếm laze của hiệp sĩ Jedi.
– “Samurai Fiction” – 1998
– “The Twilight Samurai” – 2002
– “Zatoichi” – 2003
– “Azumi” – 2003
– “Aragami” – 2003
– “The Hidden Blade” – 2004
– “The Samurai I Love” – 2005
– “13 Assassins” – 2011
– “Harakiri – Death Of A Samurai” – 2011
– “Rurouni Kenshin” – 2012
Bài: Hoài Điệp