Saigon Love Story: 4 chàng ngự lâm “Tê Tê” - Tạp chí Đẹp

Saigon Love Story: 4 chàng ngự lâm “Tê Tê”

Sống

4 thành viên sáng lập nên Tê Tê Craft Beer (Từ trái qua): Mike, Tobias, Luis và Rubén

Trai Tây nấu bia cho người Việt

Câu chuyện Tê Tê bắt đầu từ Luis (Tây Ban Nha) khi anh chàng luôn ấp ủ được làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất bia. Loay hoay vật lộn với đủ mọi thứ liên quan đến bia tại quê nhà cho đến khi ông anh Rubén, vốn đang sống và làm việc tại Việt Nam, rủ rê sang bên này… bán bia, Luis bị kích thích quyết định xách ba lô và bay đến vùng đất mới lạ này. Tại đây anh nhập hội với hai người bạn khác của anh mình là Mike đến từ Mỹ cùng Tobias đến từ đảo Malta và bắt đầu từ đấy họ lên kế hoạch cho ra đời loại bia của riêng mình. Với 3,4 tỷ lít bia sản xuất và tiêu thụ trong năm 2015 (Báo cáo của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam) thì Việt Nam quả là thị trường béo bở cho bất kỳ thương hiệu bia nào và dĩ nhiên cũng là với 4 thanh niên người nước ngoài có cùng tham vọng sản xuất ra một loại bia tươi đầy khác biệt dành riêng cho người Việt. 

Vì sao lại là bia và là bia tươi? “Trước hết đó là từ ý tưởng của Luis tiếp theo nữa là chúng tôi cũng rất thích bia. Hẳn bạn biết cảm giác cùng bạn bè quây quần bên bàn nhậu, uống vài ngụm bia mát lạnh sau một ngày bức bối trong văn phòng “sướng” như thế nào! Chúng tôi đã uống nhiều loại bia khác nhau cũng như quan sát tìm hiểu văn hóa bia tại Việt Nam và nhận ra rằng, phần lớn mọi người ở đây chỉ đang uống chứ không phải đang thưởng thức. Cứ vài ba bận là “dzô dzô dzô”, liên tục kêu bia kêu “mồi” mà hiếm khi quan tâm rằng mình đang uống loại bia nào, mùi vị ra sao và có phù hợp với mình hay không. Thế rồi chúng tôi nghĩ sẽ như thế nào nếu có một loại bia tươi dành cho người Việt? Nghĩa là loại bia đó được thực hiện dành cho khí hậu, thổ nhưỡng và con người Việt. Không quá khó uống, không dễ say và đặc biệt là không giống với bất kỳ loại bia nào đang có mặt trên thị trường nhưng vẫn đem lại một cảm giác thật “đã”, thật “phê như con tê tê”. Tóm lại mọi thứ phải “rất” Việt Nam và đó là cách Tê Tê của chúng tôi “chào đời” – Rubén chia sẻ.

Sản xuất bia thì người Việt Nam cũng tự làm được nhưng đối với 4 “trai Tây” này thì đó hoàn toàn là… nhiệm vụ bất khả thi. Mike nói rằng cái khó đầu tiên là cả bọn đều không biết tiếng Việt, đều lạ lẫm với nơi này nên việc tìm kiếm nguyên liệu, trang thiết bị, mặt bằng, giấy tờ… đều không biết làm như thế nào cả “Tại Mỹ họ có một danh sách những nhà cung cấp mọi thứ cần thiết nếu bạn muốn làm bia, chỉ việc nhấc điện thoại lên và bạn có tất cả. Còn tại đây chẳng có gì! Bia tươi lại là loại bia mới hầu như chẳng ai biết nên lúc ấy chúng tôi phải tự thân vận động cùng sự giúp đỡ của bạn bè để chuẩn bị mọi thứ” – Mike nhớ lại những ngày đầu tiên khi bắt tay vào công việc sản xuất bia. Trong khi Mike thao thao bất tuyệt về hàng đống thử thách mà nhóm phải đối mặt thì Rubén hùng hổ “xách” đến một chiếc nồi inox khá to và nói người viết rằng mẻ bia đầu tiên họ nấu bằng cái này. Trước khi đủ tiền để mua các loại máy chuyên dụng để làm bia tất cả những gì họ có chỉ là vài cái nồi, tủ lạnh và nguyên vật liệu. Hết!

Mẻ bia Tê Tê đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 16 lít sau đó thì tăng dần đều lên từ 25 lít đến 50 lít và bây giờ trung bình mỗi tuần sẽ có 300 lít. Tất cả mọi công đoạn từ sản xuất, mua bán, vận chuyển, marketing đều chỉ do 4 người thực hiện. Khi được hỏi liệu bán bia có kiếm được nhiều tiền không thì cả bốn đều đồng thanh “Không hề!!!”. Tobias cho biết sản xuất bia đã rất tốn kém lại thêm các chi phí khác nhiều không kể xiết nên hầu như họ phải chẳng thu về được bao nhiêu. “Vậy nếu đã không có tiền nhiều thì các anh còn nấu bia làm gì?” “Vì thích” – Rubén cười trả lời, “Tiền không phải là điều quan trọng khi bọn tôi làm bia mà trước hết là vì đam mê, vì sở thích. Tôi, Tobias, Mike và Luis hoàn toàn có thể ngồi phòng máy lạnh làm “cổ cồn trắng” nhưng như thế thì tay chân sẽ không được hoạt động và chán chết được…” Ngoài ra một lý do khác khiến bộ tứ Tê Tê quyết định “đâm đầu” vào làm bia tươi là bởi họ muốn thay đổi quan niệm uống bia của người Việt. Theo Rubén, dân số Việt Nam là dân số trẻ là những người sẵn sàng đón nhận sự mới mẻ và thay đổi do đó Tê Tê nhắm đến đối tượng này để mở rộng thị trường đồng thời tin tưởng rằng trong tương lai bia tươi sẽ không là một trào lưu “sớm nở tối tàn” mà là một phong cách uống mới của người Việt.

Chiến hữu, bia và hơn thế nữa

Bia không phải là thứ duy nhất kết nối Mike, Luis, Rubén và Tobias “Tôi nghĩ có lẽ là phong cách sống hoặc có thể nói là chúng tôi hợp ‘gu’” – Mike nói. Thật ra trước khi có Tê Tê, họ đã có Astropig – một công ty marketing do Mike, Rubén và Tobias đồng sáng lập “Nhưng trước đó nữa thì chúng tôi là những người bạn. Tôi gặp Mike trong một chuyến du lịch đến California. Sau đó thì làm việc chung với Tobias tại Việt Nam rồi Luis nhập hội sau này. Bây giờ thì bọn tôi lại sống ở nơi không phải là quê hương của bất kỳ ai trong nhóm và làm công việc mà ngay cả trong mơ cũng chưa từng nghĩ đến” – Rubén chia sẻ về quá trình gặp gỡ của 4 con người đến từ những vùng đất khác nhau nhưng rốt cuộc lại chọn Việt Nam làm điểm dừng chân.

“Bọn tôi khá hợp gout” – Mike

Đều còn trẻ, lại năng động, tràn đầy nhiệt huyết và cá tính nên dĩ nhiên không tránh khỏi những xích mích va chạm trong lúc làm việc nhưng may mắn là chưa bao giờ cả nhóm đối mặt với sự chia rẽ “Mâu thuẫn là tất nhiên. Mỗi ngày chúng tôi đều có chuyện để cãi nhau, để bảo vệ cho cái được-cho-là đúng của mình và cái được-cho-là sai của người khác. Quan trọng là ai cũng đều hiểu tính cách nhau nên khi có khúc mắc gì trầm trọng thì tự động mỗi người đều gạt cái tôi sang một bên và cùng ngồi lại lắng nghe nhiều hơn nhằm tìm hướng giải quyết tốt nhất trong bất kỳ trường hợp nào,” Mike nói về cách họ đối mặt và giải quyết mâu thuẫn nội bộ.

Nguyên nhân quan trọng khiến đội ngũ Tê Tê ít khi gặp phải vấn đề rắc rối “trong nhà” theo Luis có lẽ là do họ những người bạn trước khi là những đồng nghiệp. Biết rõ cá tính của từng người, hợp “cạ” nhau, cùng độ tuổi, lại chung chí hướng nên dù trong cuộc sống hay trong công việc họ đều rất ăn ý. Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi trong suốt buổi phỏng vấn cả Mike, Tobias, Luis hay Rubén đều tung hứng rất nhịp nhàng. Khi người này nêu ra một quan điểm hay suy nghĩ nào đó ngay lập tức đều nhận được sự đồng thuận của các thành viên còn lại. Họ gần như không chỉ “đi guốc trong bụng nhau” mà còn có thể “đọc” trước những gì mà người khác định nói. Đó hoàn toàn được xem như là sự kỳ diệu của tình bạn mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

“Việt Nam là điểm dừng cuối cùng? Không!”

Mỗi người đều có lý do riêng để quyết định sống tại Việt Nam. Đầu tiên là du lịch sau đó được rủ rê tham gia vài dự án thế là ở lại lúc nào không hay. Mike nằm trong số này. Riêng Tobias thì từ chối lời đề nghị hấp dẫn làm việc tại Singapore để “trải nghiệm những điều mới lạ, thú vị từ một quốc gia mình chưa đến bao giờ”. Còn với Rubén cuộc sống hoàn hảo nơi đây khiến anh chẳng buồn nghĩ đến chuyện quay về Tây Ban Nha hay lập nghiệp ở một nơi nào khác, thậm chí anh còn khuyến khích cậu em ruột Luis đến đây. Cũng như bao người nước ngoài đã đang và sinh sống tại Việt Nam, họ bị ấn tượng bởi sự giản dị, thân thiện, hiền hòa của đất nước, con người nơi đây để rồi chọn lựa Việt Nam là chốn dừng chân lâu dài cho những ước mơ những ấp ủ trong tương lai.

Các chàng trai “Tê Tê” đều cho rằng Việt Nam là nơi rất lý tưởng để hiện thực hóa những dự định dang dở và đầy ắp các cơ hội tiềm năng “Đối với tôi Việt Nam như miền viễn Tây hoang dã chứa đựng mọi thứ mang tính kích thích, phiêu lưu và cả sự nguy hiểm. Nhưng tôi thích vậy vì từ đó tôi tìm được những điều thật sự dành cho bản thân mình” – Mike hồ hởi nói về lý do anh chọn ở lại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Đồng quan điểm với Mike là Rubén. Chàng trai người Tây Ban Nha cho rằng nếu muốn khởi nghiệp hãy đến Việt Nam bởi đất nước này đang có sự thay đổi chóng mặt với nền kinh tế phát triển từng ngày kéo theo hàng loạt cơ hội cho bất kỳ ai muốn làm giàu.

Dĩ nhiên họ vẫn có một số “khúc mắc” nho nhỏ về Việt Nam như Mike từng bị “tổn thương” sâu sắc khi gần như không thể giao tiếp được với người Việt. Thế là anh quyết định đăng ký một lớp học tiếng Việt cùng với các thành viên khác của Tê Tê. Bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm cũng là điều mà cả bốn người bọn họ đều cảm thấy đáng tiếc cho Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung “So với lần đầu tiên tôi đến Việt Nam cách đây 4 năm thì số lượng xe hơi đã tăng lên một cách chóng mặt và điều này không ổn một chút nào. Vì nó sẽ khiến không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề, tạo thêm căng thẳng cho người dân và tôi không chắc vẻ đẹp, sự năng động, trẻ trung của Sài Gòn liệu có giữ được trong một “màng bụi dày đặc” như thế hay không”, Tobias nuối tiếc chia sẻ. Thế nhưng cũng như bao người nước ngoài khác đã chọn Việt Nam là nơi để sinh sống thì họ chấp nhận những điều này như một lẽ tất nhiên và thoải mái xem như đây là những gia vị khác nhau giúp cho cuộc sống thêm muôn màu muôn vẻ.

Đang có sự ổn định tại thành phố nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam cùng những dự án khởi nghiệp đầy tiềm năng nhưng khi được hỏi liệu rằng Việt Nam có phải là trạm dừng chân cuối cùng của cả bốn người không thì ngay lập tức câu trả lời mà TTVH & Đàn Ông nhận được là cái lắc đầu đầy kiên định “Chúng tôi đều còn trẻ và là những người ưa dịch chuyển nên chắc chắn đây không phải là vùng đất cuối cùng mà chúng tôi khám phá. Dĩ nhiên không thể phủ nhận nơi đây rất lý tưởng cho nhiều điều mới mẻ vì vậy tôi luôn khuyên tất cả bạn bè mình nếu có điều kiện hãy đến Việt Nam”, Mike nói về dự định tương lai của mình. Còn với Rubén thì anh muốn mở rộng thêm thị phần Tê Tê với Việt Nam là trung tâm “Chắc chắn trong thời gian tới Tê Tê sẽ không chỉ có ở Việt Nam mà phát triển sang những quốc gia lân cận. Hãy tưởng tượng Việt Nam ở giữa và từ đó chúng tôi sẽ vẽ thật nhiều những mũi tên ra xung quanh. Đó là đích đến của chúng tôi”.

Album


Saigon Love Story

Bài: Dĩ Tường
Ảnh: Phan Võ

Thực hiện: depweb

13/04/2016, 15:10