Sài Gòn, where’s the toilet?

Sài Gòn! Chúng ta đang sống ở Sài Gòn, thành phố đông dân, kinh tế năng động nhất của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Nếu trong một quán ăn ở xứ khác, bạn hỏi, “toilet ở đâu?” thì đó là câu hỏi bình thường, bình đẳng như những hỏi “khăn ăn ở đâu?” hay “bàn tôi ở đâu?”.

Bạn không nhận ra sự thẹn thùng, chút mảy may ngượng ngùng của người phục vụ hay chính bản thân bạn. Còn ở Sài Gòn, trừ nhà hàng sang trọng, thì các quán ăn vỉa hè, các địa điểm công cộng, toilet vẫn là câu chuyện “hỏi ra đỏ mặt”…

Sài Gòn sở hữu một không gian ẩm thực bình dân vỉa hè khá hấp dẫn. Quán xá vỉa hè làm cho cái ăn được đặt ở cự li gần với đời sống nhất. Khiến người ăn có thể vừa thưởng thức món ngon vừa hít thở không khí đường phố, nhìn ngắm sự sinh động của đời sống bên cạnh.

Bạn là người của vỉa hè, sáng sáng ngồi lê la một quán cóc uống cà phê đá tán chuyện công việc hay đọc nhật báo, tối cuối tuần, rủ bạn bè ra ngồi bờ kè làm vài ve giải tỏa căng thẳng trong công việc, cũng có khi đơn giản là mua hai quả dừa tươi, cùng người yêu ra ngồi ghế đá công viên lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà tương lai…

Ở quán bia bờ kè, trong cái náo loạn ngổn ngang của thế giới bia bọt, những chiến hữu thường chọn bờ kè nước đen, gió mát trăng thanh làm chuyện “xả nước cứu thân”.

 Còn bạn, sĩ diện là người văn minh, nên bạn sẽ được chủ quán chỉ đi tạt vào cái hốc tối mò, khai khẳn, những vật dụng đều vàng khè, nhầy nhặng kia… để giải quyết nhu cầu chất thải của nhà máy nước trong cơ thể đang báo động.

Bạn ngước mắt lên trời để mặc cho sĩ diện trôi theo tiết tấu vội vàng của trận giải tỏa bí bách. Bạn thở phào nhẹ nhõm như bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Nhưng như những người đi trước, bạn không dám chạm vào một vật dụng gì trong đó cả.

Bạn cảm giác mọi thứ đều nhầy nhụa dơ dáy. Bạn tảng lờ cái bảng “Nhớ dội nước” to chần dần bằng sơn đỏ trước mặt. Bạn lạnh lùng trở lại chỗ ngồi. Lại tự tin lắc lắc li đá, vắt chân thảnh thơi, nốc bia. Chiến hữu trong bàn lần lượt từng người cũng sẽ làm như bạn.

Những quán bia vỉa hè hỗn tạp và ồn ào đều có chung một hình ảnh: Toilet sát với chỗ rửa chén bát, muỗng đũa và đôi khi còn để rau sống trong bồn rửa mặt vàng khè mà thực khách có thấy cũng cố làm lơ để nuôi cái suy nghĩ AQ rằng, ấy còn… sạch chán, thể nào mà chả được rửa sạch trước khi dọn lên bàn. Có khi ngồi xoay mặt ra đường, giả bộ hờ hững chút có khi uống bia gắp mồi lại nhiệt tình.

Người Sài Gòn vùng ngoại vi ngày nay phần nào thoát khỏi kiểu “Hello toilet” (vừa ngồi xổm trên cầu ao gió mát làm việc sạch ruột vừa í ới chào hàng xóm vừa “tăng gia sản xuất thực phẩm hữu cơ” cho đàn cá nghịch ngợm dưới mặt ao) vốn đặc sản của miền sông nước Nam Bộ.

Thời nhà phố, “Hello toilet” biến mất thay bằng cái tâm lý chỗ thải ra thì chẳng cần chăm sóc. Mọi không gian- kể cả nơi giải quyết cái nhu cầu tối thiểu kia cũng được tận dụng đến từng xăng-ti-mét!

Hôm trước, VTV còn làm phóng sự về một gia đình bình dân ở quận 7 Sài Gòn sống trong ngôi nhà ba mét vuông, cầu thang bắt lên một gác lửng. Hai mươi năm nay, cả gia đình ăn ngủ và đi lại sinh hoạt, nấu nướng… tất thảy, diễn ra  trên cái bồn cầu “xí bệt” lồ lộ.

Nghe nói, bà chủ nhà đang vay vốn ngân hàng người nghèo để đổi đời cái toilet và thiết kế lại không gian sống. Một kết thúc có hậu như cổ tích phố phường!

Lúc bấy giờ, bạn đang ôm người yêu ở công viên, nói về căn nhà có hai trái tim vàng trong tương lai. Căn nhà có cái toilet bồn cầu kiểu Ý, bồn tắm kiểu Nhật và đá lát hoa văn kiểu phục hưng châu Âu, kính ốp tường kiểu Mỹ hiện đại.

 Một toilet tích hợp đa văn hóa. Bạn và nàng có thể gặp văn sỹ, triết gia, nhạc sỹ lừng danh, doanh nhân mỗi sáng ở đó trong khi đang làm cái công việc sạch ruột. Và bây giờ, bạn đang ngồi trong không gian lãng mạn của công viên.

Hai trái dừa tươi sau khi giúp cho câu chuyện thêm vị ngọt thì cũng đang làm chứng minh quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng. Bạn thấy người yêu mình nhấp nhổm, đổi thế ngồi và ít nói hẳn. Sắc mặt nàng đổi từ hồ hởi sang bí ẩn, không hẳn lạnh lùng không hẳn thi sỹ mơ màng về ngôi nhà ngày mai.

Khuôn mặt bạn cũng chuyển từ sự bay bổng suy tính tưởng tượng về ngôi nhà có cái toilet sang trọng tương lai đến vẻ đau đáu như thể triết gia đang ưu thời mẫn thế (thực ra, là bạn đang dâng cứng và muốn nứt vỡ bàng quang vì “niềm riêng làm sao ai biết”!).

Bạn quyết định chấm dứt sự lãng mạn ở đây, chuyển tình huống một cách nhanh gọn và đầy sĩ diện: đề nghị nàng tiếp tục đi… hóng mát. Bạn chạy xe vèo vèo trong cái ôm xiết giữa những thời khắc lãng mạn tình yêu nhưng trong đầu mơ về những cái xe toilet công cộng bên đường.

 Bạn nhận ra thành phố có quá nhiều những gốc cây, những bức tường ghi “Cấm đái bậy” nhưng thiếu toilet công cộng. Đã thế, những toilet công cộng, nếu có cũng im lìm làm việc theo… giờ hành chính.

Trong cơn thôi thúc tột cùng, chẳng lẽ bạn dừng lại và bàn với nàng chiến lược nhập vai ra vẻ sang trọng trí thức bước vào Diamond Plaza, nhà sách Nguyễn Huệ để lần lượt giải quyết cơn bí bách đang dâng đầy trong bàng quang?

Nước không tự nhiên sinh ra cũng chẳng tự động mất đi, nước chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác hay từ chỗ này sang chỗ khác! Định luật bảo toàn năng lượng nói thế.

***
Dưới một gốc cây, hẻm phố có bảng “Cam Dai Bay” tôi ngượng ngùng ấm ớ khi có du khách nước ngoài nào đó hỏi thăm: “Where’s the toilet?”… Chẳng lẽ tôi chỉ anh ta đi thẳng vào khoa thận của bệnh viện gần nhất?!

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Ảnh: ĐQT

 


From the same category