Sài Gòn có khi là một phần thanh xuân của người này nhưng lại gắn cả cuộc đời của người khác, và mỗi người nhìn Sài Gòn qua lăng kính khác nhau. Trần Thành (75 tuổi – Cựu huấn luyện bơi lội) Hơn 70 năm sống cùng gia đình mình trong căn nhà được Pháp xây từ thế kỉ trước, mà ông khoe “chưa từng sửa một lần” đến lúc hẻm 53 Nguyễn Huệ sắp bị giải tỏa. Ông hiểu muốn phát triển thì phải đánh mất những gì đã cũ, “chấp nhận nhưng vẫn buồn”. Đặng Ngọc Côn (80 tuổi – Chủ quán cà phê Vợt) Hỏi ông mở Vợt từ năm nào, ông ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu không nhớ. Chỉ biết có gia đình cả ba thế hệ đều là khách quen nhà ông. Dù thời gian làm ông quên nhiều thứ, duy cách pha cà phê đúng vị gia truyền là không lẫn đi đâu được. Nguyễn Văn Chúc (60 tuổi – Chở hàng, đánh cá) Mấy chục năm neo thuyền làm nhà ở bờ sông Sài Gòn gần cầu Bình Lợi, cũng là chừng ấy thời gian chú Ba Chúc cứu người tự tử hay vớt xác chết trôi. Có một lần chú về quê thăm người thân đúng hôm có người nhảy cầu nhưng không ai cứu kịp, chú cứ day dứt mãi. Vợ chú kể lại: “Ông ấy cứ buồn, đổ bệnh mấy hôm.” Cương Trần (43 tuổi – IT) Anh không nhận mình là nhiếp ảnh gia, chỉ gọi mình là người thích chụp ảnh. “Tôi bắt đầu chụp vợ, chụp con rồi chụp nơi mình sống”. Kể cả khi, nhiều bộ ảnh của anh như “Sài Gòn nhìn từ bên kia sông” truyền cảm hứng được cho rất nhiều người. Hai mươi lăm năm sống ở thành phố này cũng từng dọc ngang nhiều nơi trên thế giới, trong mắt anh “Sài Gòn không đẹp nhưng dễ thương, dễ thương từ cách con người đối xử với nhau.” Phan Khắc Huy (30 tuôi – sáng lập Thư Quán Cội Việt) Tốt nghiệp Đại học Y dược nhưng anh lại trở thành người kể chuyện, với Thư quán Cội Việt có các lớp học về lịch sử, ẩm thực và văn hóa cùng mức phí tượng trưng. Nhờ đó mà tình yêu Sài Gòn được nhen nhóm trong lòng nhiều người. Và điều trăn trở nhất của anh: “Chúng ta chỉ nhìn được vẻ đẹp bề ngoài của những công trình, mà không hiểu được giá trị của chúng. Những di sản Pháp ở Sài Gòn dần mất đi mà không cách gì can thiệp được.” Dương Minh Tuấn (26 tuổi – Bác sĩ) Quyết định rời Hà Nội sau những biến cố lớn đời mình, khi đặt chân xuống sân bay, điều duy nhất Tuấn cảm thấy là buồn. Nhưng hai năm ở Sài Gòn, những mối duyên đưa chàng bác sĩ trẻ đến với nhiều người và một quyển sách được xuất bản. Tuấn chia sẻ: “Sài Gòn với mình là trường học, dạy mình phải nghĩ xa và sống cởi mở hơn. Những nỗi buồn mình tưởng rằng to nhờ vậy mà nhỏ lại.” Lê Công Tiến (30 tuổi – Bán hủ tiếu) Như nhiều người khác, Tiến rời quê Phan Thiết chọn Sài Gòn làm nơi nương đậu. Hơn mười năm “lông bông” đủ thứ nghề đến tuổi 30, Tiến mới bắt dầu “làm cái gì đó cho mình để có mảnh tình vắt vai”. Anh tự học cách nấu rồi mỗi ngày tất bật với cái xe hủ tiếu ở hẻm 332 Phan Văn Trị bằng niềm tin “Sài Gòn không làm khó những người biết cố gắng.” Bài: Mỹ Khánh (TTVH & Đàn Ông số 138 – 4/2017) Tác giả: Đặng Trung Hiếu Đăng vào ngày: 24/04/2019 - 09:00 Chia sẻ bài viết này
Women Empower Women 31/12/2024 Nhà lãnh đạo AMD – Lisa Su: “Nhà lãnh đạo giỏi không tự nhiên mà có, họ trưởng thành qua học hỏi và rèn luyện”
Sao 29/12/2024 “Anh trai” Nicky: “Dù vai trò nào đi chăng nữa thì việc được khán giả yêu thương cũng là một điều hạnh phúc!”
Women Empower Women 31/12/2024 Nhà lãnh đạo AMD – Lisa Su: “Nhà lãnh đạo giỏi không tự nhiên mà có, họ trưởng thành qua học hỏi và rèn luyện”
Sống 20/12/2024 Nâng tầm bữa ăn ngày lễ với thực phẩm nhập khẩu cao cấp từ Classic Fine Foods Việt Nam