Sách và tương lai – Ebook biến mất trước? - Tạp chí Đẹp

Sách và tương lai – Ebook biến mất trước?

Review

Tương lai là ngày mai, là 5 năm, 10 năm, 20 hoặc 100 năm nữa. Ai cũng biết tương lai… ở đó, nhưng phác thảo về nó, không hề đơn giản. Bởi song hành cùng những háo hức, thú vị về tương lai, người ta không tránh khỏi  trăn trở.

Nhưng tại sao cứ phải nghĩ về tương lai? Vì có lẽ A.Einstein nói đúng: “Đôi khi tưởng tượng còn quan trọng hơn cả hiểu biết” (Imagination is more important than knowledge). Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!

Đó là lý do, đầu năm mới, Đẹp mời bạn đọc cùng du hành trên những chuyến tàu đến tương lai.


 

Đã đến lúc gạt bỏ một quá khứ ngồn ngộn giấy?

Trong các tiểu thuyết của Patrick Modiano, ta hay thấy một nhân vật còn trẻ tuổi lang thang ở khu La tinh, Paris, để bán những quyển sách cũ. Chàng thanh niên ấy như bị mắc kẹt trong cuộc sống hiện tại và thường xuyên mơ thấy một tương lai được rời khỏi đó, lên đường đi xa.

Nhưng cũng Modiano thường xuyên lưu ý chúng ta rằng thời gian chuyển động giống như theo vòng tròn, có những thời điểm tương lai, quá khứ, hiện tại chập lại làm một, không thể tách rời, và những gì xưa cũ hình như lúc nào cũng hiện diện ở đó, dẫu cho mọi biến thiên và sự xuất hiện của rất nhiều điều mới mẻ.

Sách là một thứ thực sự xưa cũ trong đời sống con người, và thời gian gần đây không chỉ những người hào hứng với tiến bộ công nghệ, thực sự đặt niềm tin vào những thay đổi, mà thậm chí không ít người có nhiều gắn bó với sách cũng cảm thấy đang có một sự biến động lớn lao. Dường như Kindle hay các loại “thiết bị đọc sách điện tử” khác đang ầm ĩ chiến thắng sách giấy cổ điển, đẩy sách giấy vào một sự hiểm nghèo. Nhiều hiệu sách lâu đời không tồn tại được nữa, và câu chuyện càng có lý hơn khi mà báo chí thực sự bị những phương thức truyền đạt thông tin mới lấn lướt với một tốc độ dễ gây chóng mặt.

Đã đến lúc có thể tuyên bố sự cáo chung của sách giấy, đến lúc nhân loại đã có thể thoải mái gạt bỏ một quá khứ ngồn ngộn giấy, những thư viện phủ đầy bụi và những cửa hàng sách ngột ngạt chật chội đến khó thở, để gắn bó với những chiếc máy có bộ nhớ vô biên và thậm chí còn tạo ra được tiếng “soạt” khe khẽ đầy gợi cảm giống như khi lật trang của “sách truyền thống”? Nếu mọi sự trên đời đều có thể quy về mục đích tối hậu là “tiện dụng”, thì có vẻ như sự thật đúng là như vậy.

Nhưng cuộc sống phiền nhiễu hơn là ta có thể nghĩ, sự chuyển từ cái này sang cái khác, từ phương thức này sang phương thức khác, chưa bao giờ diễn ra một cách gọn gàng, chóng vánh, và có những thứ tưởng đã biến mất hoàn toàn thật ra vẫn tồn tại vô cùng dai dẳng.

Chẳng hề có thay đổi nào là tuyệt đối

Đã đến lúc có thể tuyên bố sự cáo chung của sách giấy, đến lúc nhân loại đã có thể thoải mái gạt bỏ một quá khứ ngồn ngộn giấy? Nếu mọi sự trên đời đều có thể quy về mục đích tối hậu là “tiện dụng”, thì có vẻ như sự thật đúng là như vậy.
Tôi từng rất kinh ngạc khi nhiều năm trước đây phát hiện ra có rất nhiều người vẫn chăm chỉ nghe đài phát thanh, những chiếc radio cũ rích, phải vặn nút hết sức tinh tế mới bắt đúng được tần số, và âm thanh thì vô cùng lạo xạo, gây bực mình cho những ai đã quen với những loại âm thanh được tạo ra theo lối tân kỳ. Thời đại bùng nổ của các kỹ thuật âm thanh lại cũng làm bùng nổ, ở chiều ngược lại – có thể gọi là “âm bản” – của những chiếc đĩa than cũ mòn; máy ảnh số có phát triển thêm bao nhiêu lần nữa thì máy ảnh kiểu cũ càng có thêm cơ may trở thành một “môn thể thao nghệ thuật độc đáo”.

Có thể kể ra hàng loạt điều tương tự như vậy, chúng như thể muốn nói lên rằng hình như chẳng hề có sự thay thế nào là tuyệt đối, và thật ra thế giới đủ rộng cho những cuộc cộng sinh tưởng chừng không bao giờ là khả dĩ. Một cái mới ra đời ban đầu gây hốt hoảng cho cái đang tồn tại, nhưng ở rất nhiều trường hợp, sau đó “hai bên” sẽ tìm ra cách sống chung với nhau, nếu không phải trong hòa bình thì ít nhất cũng là trong một sự cạnh tranh nhưng không phủ nhận nhau hoàn toàn. Vì chặt cây thì dễ chứ rất khó nhổ hết rễ ngầm. Khi truyền hình trở nên phổ biến, điện ảnh không hề chết đi mặc dù người ta đã có thể dễ dàng ở nhà bật ti vi, ăn pizza và xem phim mà không cần ra rạp. Thế nhưng, cũng có những thay đổi: cho đến thập niên sáu mươi, các rạp phim vẫn giữ thói quen chiếu cả các bản tin thời sự, dần dà cho đến lúc điều này không còn ý nghĩa gì nữa với ti vi xuất hiện ở mọi ngôi nhà thì “tục lệ” này cũng biến mất.

Một cái mới hoàn toàn có thể giúp điều chỉnh một phương thức cũ cho tối ưu hơn. Truyền hình đã đảm nhiệm chức năng đưa tin tức và thế là ở ngoài rạp ta chỉ còn thuần túy xem phim nữa mà thôi. Internet và ebook cũng vậy, nếu nhìn nhận với một con mắt không hốt hoảng quá, đã làm giảm bớt lãng phí đặc thù trước đây: phải tốn quá nhiều giấy để in những thứ có thể vứt đi ngay sau khi đọc. Một cách còn “lạc quan” hơn: bởi phạm vi tồn tại thực sự có bị thu hẹp lại, nên người ta sẽ cân nhắc nhiều hơn mỗi khi in một cuốn sách, và do vậy, nhiều thứ lẽ ra trước đây đã được in thành sách thì bây giờ, bởi sự sàng lọc đã nghiệt ngã hơn, sẽ không có sự tồn tại trên mặt giấy nữa. Nhiều hiệu sách phải đóng cửa, nhưng cũng có những hiệu sách tận dụng được ưu thế của internet để tiếp tục tồn tại, thậm chí còn phát triển.

Và số phận của những “đồ vật tối ưu”

Khi được hỏi về tương lai của sách giấy, nhà văn Umberto Eco đã có một câu trả lời vô cùng sắc sảo: theo ông, sách cũng giống như cái thìa, thuộc vào những “đồ vật tối ưu” mà lịch sử nhân loại mất rất nhiều thời gian mới có thể tạo ra, về cơ bản là không thể cải tiến được nữa, và sẽ còn tồn tại cùng loài người.

“Nhưng, sách cũng giống như cái thìa, thuộc vào những ‘đồ vật tối ưu’ mà lịch sử nhân loại mất rất nhiều thời gian mới có thể tạo ra, về cơ bản là không thể cải tiến được nữa, và sẽ còn tồn tại cùng loài người.” (Nhà văn Umberto Eco)
Ta có thể thêm vào đây những lý do “duy cảm” hơn để tin rằng trong tương lai, sách giấy vẫn sẽ cứ tồn tại cho dù Kindle có được cải tiến thêm nhiều nữa, trở nên giống một “cuốn sách thật” đến mức không còn gì để chê trách: chỉ sách giấy, chứ không phải ebook, mới có một số khả năng nhất định. Quyển sách không chỉ chứa chữ nghĩa, mà còn chứa những thứ vô hình hơn: bên trong nó có không gian (nơi ta tìm thấy quyển sách lần đầu tiên, những nơi ta đọc nó, nơi ta để quên nó tưởng chừng đã mất rồi tìm thấy lại…) và có cả thời gian (dòng chữ mà ta ghi vào đúng lúc mua nó, nhiều khi là kỷ niệm liên quan đến một người nào đó đã xa xôi, rồi những ý nghĩ vụn vặt nảy đến trong lúc đọc được ghi vội lên một khoảng trang trắng…).

Sách có ý nghĩa biểu tượng, nên một số chế độ đã để lại vết nhơ không thể gột rửa khi tổ chức đốt sách: Tần Thủy Hoàng, Hitler hay Franco… Đã từ lâu ta biết rằng tình ái không chỉ để sinh con duy trì nòi giống và ta cũng biết rằng đọc sách không chỉ nhằm mục đích thu lượm thông tin. Đấy là chưa kể một số lợi ích vụn vặt hơn: một cô gái sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi chụp ảnh bên cạnh một giá sách đẹp, một cuộc trò chuyện giữa hai người mới quen có thể trở nên vô cùng hưng phấn khi đề cập một cuốn sách chung… Mặc dù việc tiên tri có nguy hiểm và nhìn chung không phải một việc nên làm, giữa ebook và sách giấy, rất nhiều khả năng ebook mới là thứ sẽ biến mất trước.

Trong khi đó, giống như nhân vật của Patrick Modiano, hẳn giờ đây vẫn có nhiều người trẻ tuổi gắn bó với sách vở, và chúng sẽ mở ra tương lai cho họ, một tương lai được đặt nền móng bằng những cuốn sách.

Bài: Nhị Linh

logo

Thực hiện: depweb

30/12/2014, 14:04