Sách tham khảo có cần nhập khẩu? - Tạp chí Đẹp

Sách tham khảo có cần nhập khẩu?

Tin Tức

 

Nhân viên NXB Dân trí thu hồi sách dính lỗi (Ảnh Tiền phong)

Trí tuệ Việt đi đâu?

Trước thông tin “nhập khẩu” sách tham khảo – nhiều độc giả đặt câu hỏi: một lực lượng đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, GS, TS của đất nước ta chẳng lẽ không thể viết được những cuốn sách chất lượng và phù hợp dành cho học sinh lớp 1, mà lại phải đi mua của nước ngoài? Độc giả Ngọc Long thể hiện sự thất vọng vì ‘nếu là sách về vũ trụ, công nghệ… phải đi mua có thể là hợp lý, đằng này chỉ là sách cho học sinh lớp 1 cũng chẳng soạn nổi’.

“Hết sức phi lý, tại sao phải mua bản quyền sách của Trung Quốc để giáo dục con em chúng ta?” – bạn đọc Vũ Hoàng đặt vấn đề.

Độc giả Nam Ân phân tích: Tiến sĩ của ta thuộc dạng nhiều nhất Đông Nam Á, GS và PGS thì tràn lan, chẵng lẽ với lực lượng hùng hậu trí thức như vậy không đủ năng lực để viết sách cho mầm non?…

Anh Nguyễn Đình Phúc thì cho rằng Bộ GD-ĐT chính là cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc phải đi nhập khẩu sách nước ngoài cho các cháu mầm non. “Chúng ta vẫn luôn tự hào người Việt nam thông minh, vậy mà cả Bộ GD và các bộ ngành sao không tư duy nổi một cuốn sách cho phù hợp với nhu cầu phát triển và trí tuệ của các cháu” – bạn đọc Thanh Lương nhận xét.

Nhập nhèm về bản quyền

Trong khi chờ phân giải của phía cơ quan chức năng – không ít độc giả cùng quan điểm: Cần phải làm rõ gian dối lập lờ coi sách dịch là sách của mình. Như vậy là một hành động ăn cắp. “Hãy làm rõ vấn đề chính là hành động ăn cắp bản quyền” – một độc giả bức xúc.

Bà Ngô Thị Hợp – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ÐT) cũng đã khẳng định: Cách làm của Nhà xuất bản Dân trí là không minh bạch. Bà cho rằng, lời giới thiệu cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” là biên soạn theo chương trình của giáo dục mầm non của Bộ là không minh bạch. Cần phải nói rõ biên soạn theo chương trình của Trung Quốc hay của Việt Nam.

Trao đổi với báo Sài Gòn giải phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, cần phân biệt rõ từng vấn đề.

“Nếu cuốn sách đó mua bản quyền để dịch và họ không cho phép sửa đổi thì người làm sách phải tôn trọng bản quyền. Trong trường hợp này, nếu 2 nước có quan hệ ngoại giao thì hiển nhiên phải tôn trọng quốc kỳ của nhau, vì vậy nếu chúng ta có thái độ kỳ thị quốc kỳ của bất cứ quốc gia nào đều không nên. Đó là chưa kể, trong quá trình dạy dỗ trẻ nhỏ chúng ta cũng có thể dạy cho các cháu cách phân biệt quốc kỳ của các nước…. Nhưng nếu cuốn sách do tác giả Việt Nam viết nhưng lại sai về quốc kỳ thì không thể chấp nhận được.

Trong trường hợp này, nếu đối tác cho phép điều chỉnh nội dung cho phù hợp thì NXB Dân trí nên sửa” – lời ông Thi.

Vẫn theo ông Thi: “Cái sai của cuốn sách này khiến dư luận bất bình đó là sự thiếu minh bạch, nhập nhèm trong giới thiệu nội dung. Nếu đã tuân theo bản quyền, nhà xuất bản phải nói rõ cuốn sách dựa trên nội dung của Bộ GD-ĐT Trung Quốc, được giới thiệu bởi các tác giả Trung Quốc, như thế mới sòng phẳng…”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa liên tiếp phát đi công văn gửi các đơn vị chức năng yêu cầu thu hồi, đồng thời làm rõ sai phạm…

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

14/03/2013, 08:42