Khởi sinh của cô độc
Tác giả: Paul Auster
Phương Huyên dịch
NXB Trẻ, tủ sách
“Cánh cửa mở rộng”
Bẵng đi một thời gian, sau khi được khai thác khá mạnh mẽ (với “Trần trụi với văn chương”, “Moon Palace”, “Nhạc đời may rủi” và “Người trong bóng tối”), Paul Auster, nhà văn “hấp dẫn” hạng nhất của văn chương Mỹ hiện nay, đã trở lại. “Khởi sinh của cô độc” là tác phẩm đầu tay của ông, mở ra một sự nghiệp văn chương lừng lẫy kéo dài suốt nhiều thập niên. “Khởi sinh của cô độc” là một dạng pha trộn rất tinh vi và khéo léo của tiểu thuyết, hồi ký và tiểu luận, với nét đặc biệt hiếm có là nó rút chất liệu từ các tác phẩm văn chương khác từng tồn tại trong lịch sử để tự tạo ra bản thân mình. Câu chuyện mở ra với cái chết của người cha: đứa con trai bắt đầu đối diện với cuộc sống của người cha, ký ức về người cha và nội tâm của chính anh ta; theo một cách nào đó, chỉ từ biến cố ấy anh ta mới khởi sự sống cuộc đời mình, vì cái chết, theo một cách nào đó, đã mở ra cuộc sống.
Cuốn sách là 1 trong 3 tác phẩm mới nhất được giới thiệu bởi Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” – dự án hợp tác giữa GS. Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt và NXB Trẻ.
Một ngày của bố
Thụ Nho (viết lời) và Thái Mỹ Phương (minh họa)
Nhã Nam & NXB Phụ nữ
Sau một khởi đầu tương đối bột phát và mang nhiều nét “trẻ con” của “Sát thủ đầu mưng mủ” (tức “Phê như con tê tê”), sách tranh Việt Nam đã có một bước phát triển vượt bậc với “Một ngày của bố”. “Concept” của nó không còn đơn giản là ghi nhận lại lời ăn tiếng nói ngoài cuộc sống mà tự tạo ra một câu chuyện (chân phương nhưng hấp dẫn), với nhiều nét phê phán xã hội một cách nhẹ nhàng, và cũng không chỉ trông chờ vào nét vẽ dễ thương của họa sĩ Thái Mỹ Phương (Tamypu). Truyện tranh Việt Nam lâu nay vốn không thành công, “Một ngày của bố” có thể coi là một gợi ý không nhỏ cho con đường phát triển của sách kèm tranh tại Việt Nam sau này.
Con mắt rỗng
Tác giả: Đỗ Phấn
NXB Văn học
Cuốn tiểu thuyết mới của Đỗ Phấn cho thấy tác giả vẫn chưa “nói hết” được những gì cần nói về cuộc sống ở Hà Nội, những thay đổi làm cho tâm hồn ta trống vắng, cay đắng và cuộc đời ta như hụt hẫng. Một loạt tiểu thuyết mấy năm gần đây của Đỗ Phấn đưa ta khám phá đi khám phá lại những ngóc ngách thành phố và những ngõ hẻm của tâm trí. Nhân vật trong “Con mắt rỗng” là một họa sĩ chuyên vẽ bìa sách; vị thế ấy khiến cho nhân vật có thể thoải mái bình luận về cả hội họa lẫn văn chương, mà tác giả đều có sở trường. Đỗ Phấn cũng rất nỗ lực trong việc đổi mới cách kể chuyện với ngôi xưng hô liên tục thay đổi. Tuy nhiên, điều ta thấy rõ nhất sau khi đọc “Con mắt rỗng”, cũng như ở các tiểu thuyết trước đây của Đỗ Phấn, là sự bế tắc không thể vượt qua của cuộc đời.
Nhị Linh