Sách hay tháng 7 - Tạp chí Đẹp

Sách hay tháng 7

Sự Kiện
1. “Ngôi nhà xưa”

Tập truyện ngắn.

Tác giả: Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

NXB Trẻ.


 

“Câu chuyện này xảy ra tại một làng quê như bất cứ làng quê nào trên quê hương chúng ta. Cái làng nhỏ ấy quen thuộc quá đỗi, tưởng chừng không có gì đặc biệt cả. Có chăng chỉ là một con sông trong vắt chảy quanh làng và mỗi khi tới làng ta phải đi qua con sông ấy. Con sông đó có thể là sông Hồng, sông Thương, sông Lam hoặc sông Gianh…, điều đó không quan trọng. Điều đáng nói ở đây là…”. “Điều đáng nói” đây chính là “tiền thân” của kịch bản phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến tháng 10”, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính tác giả – như rất nhiều bộ phim nổi tiếng khác của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Một truyện ngắn được viết giản dị và gọn ghẽ tới mức khó mà tưởng tượng có thể dựng được một bộ phim hay đến thế từ nó. Nhưng nếu đọc kỹ, lại thấy, đây đúng thật là những thước phim quay chậm trên giấy, với những khuôn hình giản dị nhưng lại được chăm chút hết sức bởi một người viết có nghề…

2. “Trước lúc ngủ say”

Tiểu thuyết.

Tác giả: S.J.Watson.

Người dịch: Nguyễn Lê My Hoàn.

NXB Trẻ.

Cuộc gặp thú vị nhất ở đây, trước hết, lại là… người dịch: gương mặt dễ chịu của giải “Văn học tuổi 20” năm nao với cái tựa sách ấn tượng “Lối đi ngay dưới chân mình”. Nhưng lần này, là một bản dịch. Vậy, “lối đi” ở đâu, nếu như không phải “dưới chân mình”? “Dưới chân… giường” chăng, vì là “trước lúc ngủ say”? Khi cuốn “tiểu thuyết lạ lùng” này – theo người dịch – là kể về một người vợ mà nhiều năm trước, ở thời điểm cô ấy cần chồng mình nhất thì lại hiểu anh ấy ít nhất… Thêm một thông tin thú vị về tác giả: năm 39 tuổi, tay viết văn tài tử này đã liều lĩnh bỏ ngang vị trí công việc đáng mơ ước (nhưng không liên quan gì đến văn chương) của mình để theo học một lớp viết văn trong 6 tháng, và rồi sau đó, là cuốn tiểu thuyết đầu tay được nghênh đón ấy…

3. “Gia đình, bạn bè, đất nước”

Hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

NXB Tri Thức.

 

“Hôm ấy, tôi mặc áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám với khăn quàng cổ đen có điểm hoa…” – Người phụ nữ duy nhất có mặt trên bàn đàm phán của Hiệp định Paris nhớ lại hình ảnh giản dị mà không kém phần duyên dáng của mình trên đường đến với “cuộc đàm phán dài nhất lịch sử”. Một vẻ đẹp mà nói như nhà văn Nguyên Ngọc, người bạn, người đồng chí, và cũng là người chăm sóc bản thảo này của bà là: “Thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…”

Thực hiện: depweb

13/07/2012, 14:53