Sách hay tháng 12 - Tạp chí Đẹp

Sách hay tháng 12

Sự Kiện

1. “Em làm ơn im đi được không?”

Tập truyện ngắn.
Tác giả: Raymond Carver.
Người dịch: Lâm Vũ Thao.
Nhã Nam & NXB Văn Học.

 

Tác giả “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” trở lại, vẫn với một câu hỏi (thực ra là “lời đề nghị khiếm nhã”): “Em làm ơn im đi được không?”. 22 truyện ngắn, trong đó có những truyện rất ngắn, chỉ vài ba trang, cũng có truyện rất dài, cùng nhau bóc tách đến tận cùng đời sống gia đình với đủ mọi vấn đề của nó. Hẳn đời sống đó quá phức tạp nên người viết, như thường lệ, rất hay phải dùng các câu hỏi làm tên truyện: “Có gì ở Alaska?”, “Công tơ mét này có chạy đúng không?”, “Có phải anh là bác sĩ?”… Và phần đa câu hỏi đều không tìm được câu trả lời dù người kể chuyện được biết đến như một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Mỹ thế kỷ 20 với những truyện ngắn được xem là “mẫu mực của thời đại”. Một đơn thuốc có lẽ nên chống chỉ định với những ai sắp lập gia đình trừ khi bạn muốn biết trước sự phức tạp của nó để mà phòng tránh!

2. “Thị trấn Tortilla Flat”

Tiểu thuyết.
Tác giả
: John Steinbeck.

Người dịch: Lâm Vũ Thao.

NXB Trẻ.

 

Nếu như gu của bạn là những tác phẩm kinh điển, và vì thế, bạn có thể chả lạ gì John Steinbeck – tác giả “Chùm nho phẫn nộ”, “Phía đông vườn địa đàng”. Nữa đây lại còn là một cuốn sách được đánh giá là đáng yêu hơn cả hai tác phẩm đồ sộ nọ. Vì tiếng cười dễ thương mà nó mang lại từ câu chuyện sinh động về các “Chí Phèo” kiểu Mỹ ở một cái “làng Vũ Đại” kiểu Mỹ. Một câu chuyện vừa khiến người ta bật cười vì sự hài hước, thông minh rất “Chí Phèo” của các paisano Mỹ, vừa khiến người đọc phải cám cảnh thay cho họ, dưới cái nhìn tràn ngập cảm thông và thấu hiểu của người kể chuyện. Khi mà thiện chí của người viết là: “Lịch sử này phải được chỉnh đốn ngay bây giờ và cho muôn đời để các học giả chua ngoa không thể buông lời mỉa mai khinh thị…”

3. “Đêm qua anh ở đâu?”

Tiểu thuyết.
Tác giả: Lauren Weisberger.
Người dịch: Kiện – Ảnh, Đỗ.
Nhã Nam & NXB Văn Học.

 

Lại một người quen: chính là tác giả “Quỷ cái vận đồ Prada” từng đốt nóng những tín đồ hàng hiệu. Nhưng lần này, là một phen mục sở thị bộ máy chế tạo ngôi sao trong một nền văn hóa phát cuồng vì người nổi tiếng như nước Mỹ. Hương vị của sự nổi tiếng thoạt tiên rất dễ chịu: tủ quần áo hàng hiệu, một chuyến lưu diễn cùng những ngôi sao, thậm chí cả một màn biểu diễn tại lễ trao giải Grammy, hay một lần qua đêm tại khách sạn lừng danh Chateau Marmont và đến thăm trường quay của một trong những show truyền hình ăn khách nhất thế giới… Nhưng có nghĩa gì, khi bạn không thể trả lời được câu hỏi khó, rằng đêm qua, chồng bạn – người nổi tiếng ấy – ở đâu. Đến nước phải đặt câu hỏi: “Đêm qua anh ở đâu” có nghĩa là người phụ nữ ấy đã phải tính đến chuyện “về thu xếp lại”, giữa những gì cô muốn và những gì cô thực sự cần, khi cái giá của sự nổi tiếng là cuộc hôn nhân đứng bên bờ vực thẳm…

Thực hiện: depweb

05/12/2012, 11:40