Để em khỏi lạc trong khu phố
Tác giả Patrick Modiano – Nobel văn chương 2014
Người dịch Phùng Hồng Minh
Nhã Nam & NXB Văn học
“Đàn ông nông nổi giếng khơi” là đây, khi họ có thể bị hút vào một cái tên và quyết lần tìm nó từ những vết dấu mong manh đã gần như bị xóa sạch của một người phụ nữ. Một hành trình “đi tìm thời gian đã mất” đầy hấp dẫn và ám ảnh của một ngòi bút được mệnh danh là “người thám hiểm quá khứ”, khi luôn biết cách khơi gợi lên một cách vô cùng chính xác và chi tiết bầu không khí của những địa điểm hay những thời đại đã qua (ở đây là Paris của những năm 1950, 1960): “Những con phố dốc, và anh càng đi xuống thì càng tin chắc mình đang quay ngược thời gian. Dưới chân phố Fontaine, bóng tối sẽ sáng dần, ngày sẽ rạng và lại một lần nữa mặt trời tháng Bảy sẽ tỏa nắng. Annie không chỉ viết địa chỉ lên tờ giấy gập làm tư, mà cả mấy từ này: ĐỂ EM KHỎI LẠC TRONG KHU PHỐ… Trong giấc ngủ chập chờn, anh nghe thấy giọng Annie, mỗi lúc một xa xôi, và anh chỉ hiểu một mẩu câu: ‘… ĐỂ EM KHỎI LẠC TRONG KHU PHỐ…’. Khi tỉnh giấc, trong căn phòng ấy, anh nhận ra mình phải mất mười lăm năm mới đi qua được con phố…”
Quấn Quít
Tác giả Émile Ajar Người dịch Hồ Thanh Vân
Nhã Nam & NXB Văn học
Dù gợi tình hết sức nhưng Quấn Quít thật ra chỉ là tên gọi của một… con trăn, đồng thời là hiện thân của sự quấn quýt – vũ khí chống trả sự thiếu thốn tình cảm vốn dĩ là cái bẫy giăng sẵn đối với con người hiện đại ở các thành phố lớn. Một con trăn – như là một cơ hội để giúp nhân vật chính của cuốn sách biết đến cảm giác ấm áp tuyệt diệu tưởng chừng không hề tồn tại: “Quả thật không gì êm ái và tuyệt diệu bằng một nhu cầu tự nhiên được toại nguyện. Hôm nọ, tôi làm thử rồi. Tôi đã tự mình ôm lấy mình siết lại. Tôi khép hai cánh tay quanh mình siết thật chặt, xem tác dụng âu yếm mang lại thế nào. Tôi vừa tự ôm chặt mình bằng hết khả năng có được vừa nhắm mắt lại. Rất khích lệ, có tiền vị, nhưng không sánh được với Quấn Quít. Khi ta cần một cái ôm ghì để được lấp đầy ở những chỗ hổng, nhất là quanh vai với hõm lưng, và khi bạn ý thức quá rõ về hai tay thiếu hụt, thì một con trăn hai mét hai lập nên kỳ tích”. Một cuốn sách không dễ đọc, dù rất mỏng, nhưng nếu bạn từng đọc “Lời hứa lúc bình minh”, “Cuộc sống ở trước mặt” (đã được xuất bản ở Việt Nam) và bị văn chương của Émile Ajaz (Goncourt 1975) “quấn quýt”, chắc chắn bạn sẽ không dễ gì bỏ qua.
Để gió cuốn đi
Tác giả Ái Vân First News & NXB Hội Nhà văn
“Giá như không phải nói gì cả, cứ thế mang theo xuống mồ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng cuốn sách này là cục nợ cuối cùng tôi phải trả, trước khi ‘trắng nợ trần gian’.” – Nữ ca sĩ nổi tiếng tài sắc một thời nói về cuốn hồi ký mà chị từng hơn một lần từ bỏ ý định công bố nó. 7 trang sách bị bỏ trắng (gồm 8.808 chữ), thay vào đó là hình ảnh những con sóng dữ đập vào ghềnh đá dưới nền trời chớp rạng, đã giấu đi “câu chuyện chưa từng kể” về “Tập Hai” (cuộc hôn nhân thứ 2) của chị – vốn được cho là lý do chính khiến chị chọn con đường rời bỏ Tổ quốc năm 1990, từng gây sửng sốt cho giới văn nghệ nước nhà: “Ở sân bay, tôi ôm thằng con 4 tuổi, tâm trạng rối bời, đi thế này không biết bao giờ mới gặp con. Thằng nhỏ khóc ngất, môi nó tím tái: ‘Không cho mẹ đi!… Mẹ ở nhà với con’. Tiếng khóc của đứa con trai 4 tuổi nhói vào tim, cho đến tận bây giờ…”. Không ngờ, về sau, lại là một thu xếp ổn thỏa, với chính “Tập Hai”: “Năm 1998, tôi cùng gia đình lần đầu tiên trở về nước, sau 8 năm phiêu bạt xứ người. Chàng bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đón gia đình tôi. Ông xã tôi cũng không ngờ được chàng đối đãi tử tế đến vậy. Sau này chàng còn tổ chức cho tôi biểu diễn, chính thức ra mắt công chúng trong nước sau 12 năm xa cách. Từ đó về sau cứ tôi về nước là chàng tổ chức biểu diễn. Chiều chiều chàng đánh xe đến khách sạn đón tôi đi diễn, bấm còi bim bim, vui vẻ nói: ‘Ô nào, đi đón vợ cũ nào!’. Quả là một giấc mơ đẹp…”