Đó là cuốn Phương pháp mới giữ gìn sức khỏe (New Healthway), giáo khoa về vệ sinh và bồi dưỡng thể chất, sinh lý học, giáo dục tình dục… do Nhà xuất bản có tiếng S Chan Group, vừa phát hành được khoảng hai năm.
Sách giáo khoa “Phương pháp mới giữ gìn sức khỏe” bị đình bản
Trong một chương nêu những ích lợi của chế độ ăn chay, sách liệt kê một số đặc tính của những người ưa dùng món thịt (non- vegetarians – không ăn kiêng thịt cá).
Sách viết: “Họ dễ dàng dính vào những gian lận, ám muội; thường xuyên dối trá; dễ quên những cam kết, lời hứa; không trọng danh dự, hay chửi bậy; hay trộm cắp; ưa đấm đá, có xu hướng bạo hành, dễ phạm tội về tình dục”.
Dựa trên những lập luận dễ gây tranh cãi, thậm chí phẫn nộ, chương này (Do We Need Flesh Food?/ Liệu loài người có nhất thiết phải ăn thịt?) viết rằng những người Eskimos (Inuit) là:
“lười biếng, lề mề”, bởi vì họ theo một chế độ ăn “toàn thịt là thịt”.
BBC cáo giác
Sách viết tiếp – “Những người Ả rập góp sức xây Kênh đảo Suez chỉ sống bằng lúa mì và chà là, vì thế họ làm việc siêu hơn những người Anh ăn thịt bò, trong cùng một công việc” – một trong những điều BBC dẫn đến cáo buộc chương trên của sách “đầy những chuyện sai thực tế” (full of factual inaccuracies).
“Sách này có hại cho trẻ em”, Janaki Rajan, làm việc tại khoa Giáo dục học một trường Đại học ở New Deli, được BBC dẫn lời, “chính phủ (Ấn Độ) cần phải có hành động, nhưng họ đã phủi tay trong chuyện này (washing their hands of it).
BBC nhấn mạnh rằng nhà đương cục ở New Deli vẫn cho rằng các trường phải tự giám sát lấy nội dung giảng dạy, vì các trường tự quyết về chọn giáo khoa. BBC cũng tiết lộ rằng chủ nhân của Nhà sách S Chan Group đã khước từ bình luận sự kiện này, theo yêu cầu của nhà đài BBC.
Trong một cuộc họp báo, đại diện của S Chan Group bày tỏ, cuốn giáo khoa này không thuộc vào chương trình giảng dạy nào, mà là một phần của các “tập sách nâng cao, giúp ích cho trường phổ thông, hoặc những sinh viên nào lựa chọn nó”…
Ba ngày sau bản tin trên được loan đi, BBC đã phát tin trấn an, rằng nhà sách S Chan Group đã buộc phải thu hồi cuốn sách trên, mặc dù “bị sốc, và hết sức buồn phiền”, vì những người làm sách không hề cố tình làm phương hại tư tưởng, tình cảm của bất kỳ cá nhân hay nhóm người nào.
“Những người ăn tạp” đối diện với “những người ăn kiêng”
Loài ăn tạp?
Sau sự kiện này, các tranh luận trên các diễn đàn có liên quan, như Dân ăn rau chống Người ăn thịt (vegetarians vs carnivores) bằng các thứ tiếng không lắng đi. Trên các trang mạng Internet của những người ăn kiêng, hay của những nhóm tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau, những bàn tán sự kiện “sách giáo khoa S Chan Group” tiếp tục sôi động.
Người ta trích dẫn những câu, như dưới đây, của cuốn sách được in trong cuốn sách giáo khoa trên, xuất bản từ một nước từng là cái nôi của Đạo Phật: “Khẳng định mạnh mẽ rằng thịt không phải là món ăn cần cho người chính là sự kiện Đấng Tạo hóa của Vũ trụ này đã không đưa thịt vào chế độ ăn căn bản của Adam và Eva. Đấng Tạo hóa đã cho họ các thức ăn dạng rau, củ, quả”.
Tên tuổi các vĩ nhân “ăn rau” được một dịp nữa để nhắc đến: Pythagore, Socrate, Newton, Einstein, Tolstoi… Dù sự tán thành tính ưu việt của “ăn rau” là mạnh mẽ, còn có những ý kiến
cho rằng chế độ ăn kiêng chỉ thích hợp cho các nước khí hậu nhiệt đới.
Các diễn đàn có thiên hướng khoa học dẫn các luận thuyết cho rằng các món ăn thịt có ảnh hưởng đến tâm lý con người (gây depress/bi quan).
Các công trình nghiên cứu về lợi – hại của các món ăn từ thịt, như của Tiến sĩ y học Milton Mills, bảo vệ tại Stanford, lại được dẫn nhiều.
Milton Mills từng cho rằng, nhiều “bệnh thời đại” hôm nay (béo phì, tiểu đường, ung thư, loãng xương…) có xuất xứ từ: cấu trúc sinh học của cơ thể con người mâu thuẫn với xu thế ngày càng dùng nhiều thức ăn từ thịt gia súc… Rằng con người đang biến thành “loài động vật ăn tạp” (omnivorous)…