Sách cũ - nghề chơi tao nhã - Tạp chí Đẹp

Sách cũ – nghề chơi tao nhã

Sống

 

 Sách sũ ở Thụy Khuê

Giờ đây, thú đọc sách ít nhiều cũng mai một, bởi đọc sách cần thời gian và không gian riêng biệt. Nhưng một khi đã thành một thú vui, thú sưu tầm, thành ham muốn thì khó mà bỏ được. Vả lại nghề chơi nào mà chẳng phải bỏ ra công sức, thời gian và tiền bạc. Âu cũng là một nghề chơi tao nhã, bặt thiệp của người ham đọc.

Hầu hết các cửa hàng sách cũ đều nhỏ về mặt tiền. Ở Hà Nội ngày trước có nhà sách cũ ở phố Bát Đàn nổi tiếng. Sau này không thấy nhà sách ấy hoạt động, chắc hẳn con cháu không còn thấy ham thích cái nghề bán sách nữa.

Hiệu sách Bát Đàn xưa, có đủ loại truyện chưởng của Kim Dung, nhất là sách miền Nam in trước năm 1975 của dịch giả Hàn Giang Nhạn khổ to. Nhiều độc giả khó tính vẫn thích đọc sách in trước những năm 75 bởi văn phong trau chuốt, lời văn tả cảnh thì miễn chê. Ví dụ như cảnh tuyết giăng trên núi, mưa rơi trên Động Đình Hồ.

Các tác phẩm dịch sau này in những năm 87, 88 không có lời văn đẹp như vậy. Nhà

 Xin hãy cho cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về bí ẩn muôn thuở của cuộc sống, đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh.
Abraham Lihncon (Thư viết gửi thầy giáo của con trai)

sách Bát Đàn đó có sách của Bà Tùng Long, Quỳnh Dao viết về những chuyện tình lâm ly, lãng mạn sướt mướt dành cho các quý bà quý cô đa sầu đa cảm, hay chuyện ma như “Bóng Ma nhà Mệ Hoát” hoặc loạt chuyện về chàng điệp viên đẹp trai có cái tên Văn Bình, bí danh Z28 ly kỳ không khác 007 người Ăng lê.

Đây là những dòng truyện miền Nam tương đối hiếm ở miền Bắc. Những người có thú tìm tòi sách cũ hiếm thường xuyên đến đó.

Những người buôn sách cũ có tiếng, đều là những tay ham đọc, hiểu biết và thích sưu tầm. Ông Dư – một người bán sách nổi tiếng ở số nhà 180 Bà Triệu, trán cao, da trắng đạo mạo nhưng mệnh danh là… máy chém.

Khách mua không có cái thú tìm tòi, phát hiện như các hàng sách cũ khác. Muốn quyển gì hỏi ông chủ Dư, chỉ vài phút là có sách đưa ra ngay, nhưng giá thì ôi thôi.
Nếu cần quá, thì đành nghiến răng mà mua vậy.

Có lần tôi hỏi về một cuốn sách ưa thích, thực may mắn, thấy ông Dư đưa ra ngay cuốn đó, lại đúng cuốn sách của chính tôi xưa kia, cho mượn và mất đi. Giở vài trang thấy cái hình vẽ của mình lúc tuổi ấu thơ, thôi đành lòng mua cuốn nho nhỏ ấy với giá 50 nghìn, trong khi ở nơi khác, cuốn này chỉ có 5 – 20 nghìn, nhưng thôi, kỷ niệm bao giờ cũng là vô giá…

Một lần đi công tác tại Thanh Hóa, với thói quen của kẻ sưu tầm sách, tôi vào hiệu sách cũ gặp ông Dư đang chọn sách. Thì ra ông chủ khó tính này cũng chịu khó mầy mò. Tôi hỏi ông có cuốn sách cũ tôi đang cần không, ông phát giá quá cao, tôi đành chịu.

 

 Đọc trên vùng cao

 Sau này, cuốn sách cũ mà ông Dư phát giá “một triệu hai tập” ấy tôi lại mua được lúc đang làm nội thất cho cửa hàng điện lạnh trên đường Giải Phóng.

Lúc đứng giám sát mấy người thợ thi công, tôi thấy bên cạnh có một hàng sách cũ. Lân la vào chọn xem, thấy cuốn nào đó đúng sở thích của mình, thậm chí giật mình, tìm bao lâu không thấy, tình cờ lại nằm mốc bụi ở đây.

Tôi phải giấu tiếng reo mừng vờ lục lọi mấy quyển nữa rồi chất đống lên cho cô bán hàng rất trẻ có đôi mắt đa tình tính tiền.

Sung sướng thay, khi tình cờ lại được tính tiền sách với giá khá rẻ. Mấy hôm sau em ấy gọi điện báo có sách quý, tập 1 thì hơi cũ nhưng sách in nguyên bản cũng mừng.

 Về sau xuống nhà tác giả dưới Hải Phòng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn hơn 70 tuổi cầm sách của mình mà rớm nước mắt vì cảm động, ông tâm sự: “Thật cảm động thấy cuốn sách đã đi qua bao tay người rồi bây giờ lại ở đây, trước mặt mình”.

Ông Bà Điền ở Thụy Khuê, cái hiệu sách cũ nhỏ chừng vài mét vuông. Khi hỏi thấy có bộ “Thời đại Hùng Vương” giá 160 nghìn. Tôi biết đây là nhà buôn sách cũ lâu năm, đúng là ông Điền bán sách cũ từ 1975.

Cả hai ông bà đều ham đọc và rất biết nhiều chuyện. Họ có dáng dấp của những nhà giáo từ cách đi đứng đến ăn nói giao tiếp. Mua nhiều thành quen, mỗi lần mua là một lần tâm sự về sách và tác giả tác phẩm.

Lâu dần, chúng tôi như là bạn tâm giao, giá cả tương đối rẻ so với nhiều nơi. Ông để cho tôi những cuốn sách cũ của Tô Hoài với giá tròn 100 nghìn nhưng cũng phải sau một thời gian dài tôi tiêu mất vài triệu ở hàng ông.

Lúc thưa khách, tôi ngồi uống nước ở trước quán sách của vợ chồng ông. Lúc ấy, ông Dần bàn thao thao như nước chảy về Dos, Aimatop, Balzac… không khác gì các nhà phê bình, đặc biệt là những thâm cung bí sử của các nhà văn hay các tác phẩm.

Điều kinh ngạc là hầu như hỏi đến tác phẩm văn học nào đã xuất bản trong nước ông đều biết rõ. Tôi để lại cho ông bà số điện thoại, khi nào có sách đúng gu, ông bà gọi điện chỉ việc đến.

Cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh giờ đây in lại khá nhiều, và bán nhiều trên các hiệu sách, nhưng tôi vẫn nhớ lần mua được cuốn đó ven đường Hoàng Quốc Việt.

Hai vợ chồng khoảng 40 tuổi bày sách trên tấm ni lon trải vỉa hè. Anh chồng râu ria bờm xơm, dựng cái xe đạp bên cạnh hàng vợ bày cờ thế chờ đám sinh viên.

 

 Đọc sách trên vỉa hè

 Chị vợ mảnh mai, hiền dịu, xinh xắn, thanh lịch, nói với khách nhỏ nhẹ hay cười. Không như anh chồng khó tính, ngồi bên này bày cờ thế mà ngỏng sang bên kia phát giá, giọng rất khó chịu, cũng có thể do lần đầu mua sách, tôi mặc cả dữ lắm, cò kè cực nhiều làm anh ta bực, gắt mua thì mua không mua đừng hỏi nữa.

 Về sau anh ta mới nói, lúc ấy tôi nhìn cậu không nghĩ cậu là người đọc sách. Chị vợ vẫn cười nhẹ. Tôi bỏ hàng sách không chọn gì, quay sang rủ anh ta đánh cờ ăn tiền.

Tôi thắng được 15 nghìn. Anh ta nhìn tôi có vẻ nể nang hơn, hỏi tôi học ở lò cờ nào ra. Tôi bảo chẳng học đâu, dân chơi nghiệp dư. Rồi anh ta bán cho tôi cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” với giá 25 nghìn, rẻ hơn giá ban đầu 25 nghìn.

Anh ta tên là Phương, khi đã nhiều lần mua sách, chúng tôi đều bất ngờ về nhau. Tôi không nghĩ anh ta và vợ lại là người đọc rộng, hiểu nhiều đến như vậy. Thời trẻ họ yêu nhau vì mê sách, giờ họ lang thang bán sách cũ như những người buôn đồng nát.

Anh ta ăn mặc xoàng xĩnh, râu ria, tóc tai như gã bụi đời nhưng những tác phẩm kinh điển của thế giới anh đều thuộc lòng đến mức trích hẳn một đoạn ra để bình. Ngạc nhiên hơn là chị vợ cũng đưa ra những nhận xét tinh tế cho các tác phẩm mà chúng tôi đang bàn đến.

Ở phố Ngô Thì Nhậm có nhiều hiệu sách cũ, nhưng nhà số 26 là có nhiều sách nhất. Nhìn chật hẹp mặt tiền chưa đầy 2m2, sâu khoảng 4m, không ai nghĩ chủ hiệu để dành cả 4 tầng trên nữa như vậy để chứa sách.

Sách giáo dục, khoa học, kỹ thuật một tầng. Văn học, triết học một tầng. Lịch sử, hồi ký tướng lĩnh, quân đội một tầng. Thiếu nhi một tầng. Khách tự chọn không ai trông, giá thì chủ nhà ghi sẵn bìa sau. Hơi đắt, đắt gấp đôi so với anh Phương, ông Dần, ngang ngửa với ông Dư. S

ách bày được cái khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp, thái độ chủ hiệu cũng niềm nở. Cũng như các hiệu sách cũ khác, đồ nghề không thể thiếu đặt trước cửa là cái cân đồng hồ. Có điều cân của nhà ấy to hơn so với cân nhà khác. Cân tạ hẳn hoi, cái này hẳn là cân… người cũng tốt.

Tất nhiên không thể thiếu các cửa hàng sách cũ trên đường Láng – Hà Nội. Ở đây bạn cần có thời gian và không ngại bụi bẩn. Những chồng sách xếp đống phủ đầy bụi, dỡ từng cuốn ra săm soi, chọn lọc.

Một ngày may mắn trong đống sách chủ hàng mới nhập về có thể bắt gặp những cuốn bạn đã từ lâu ao ước hoặc khát khao tìm kiếm.

Sách cũ ở đây rẻ nhất Hà Nội, chủ hàng không khó tính. Thực ra họ chú trọng bán sách kiến thức, giáo khoa cho sinh viên. Ít để ý đến mảng văn học, nghệ thuật, lịch sử.

Vừa rồi vào Nam, qua Đà Nẵng vào nhà sách Cảo Thơm, nghe thiên hạ đồn tay chủ này từng đi khắp Nam Bắc để lùng mua sách cũ, bảo sao nhà hắn sách cũ chất đầy từng ngăn.

Ông chủ nhà sách đón tiếp lịch sự, mời ngồi, rót nước rồi nhẹ nhàng hỏi mua sách loại gì. Hỏi vài cuốn triết học thì họ lắc đầu, tôi định về thì bỗng dưng bà chủ rút ra cuốn sách dày cộp: “Vĩnh biệt tình em” của Pasternak, cuốn này lướt qua thấy týp khác nhiều so với “Bác sĩ Zivagho” giá thì “chát” quá, những 220 nghìn. Thôi “ăn chơi, yêu sách” thì chấp nhận nốt vậy, thật may, lúc tính tiền được giảm 10%.

Nói vậy thôi, chứ sách của nhà Cảo Thơm vẫn còn rẻ hơn các hiệu sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trong Tp.HCM. Sách cũ ở đó giá mới khủng khiếp, gấp hai lần giá ngoài Hà Nội. Chỉ vào ngắm nghía cho đỡ thèm, chứ không mua nổi vì ngân quỹ không dư dả.

Sách cũ có cái hấp dẫn trên hết cả vì có nhiều cuốn không tái bản. Hoặc có tái bản thì nội dung sơ lược, văn phong cũng khác, lỗi dịch chồng chất như hạt sạn bởi thời gian hối thúc do kinh tế thị trường.

Tuy bây giờ trên Intenet có nhiều ebook có thể in ra giấy A4 đóng xén để đọc. Đó là điều bất đắc dĩ. Làm sao có thú vui khi mình mất công tìm tòi, có được cuốn sách giấy ố vàng, có chữ ký của ai đó ở trên sách, rồi những dòng chú giải hay tâm trạng của người đọc trước.

Cuốn sách như có hồn của thời gian, của lịch sử, của một nền văn hóa những người đi trước để lại. Đọc rồi cho bạn bè mượn, lúc trả sách, họ sẽ đãi mình chầu cafe, họ nâng niu cuốn sách trên tay đưa cho mình, có người bọc cẩn thận trong tờ giấy báo hay trong túi nilon khi trả.

Rồi nhâm nhi ly cafe cùng bàn bạc, chia sẻ ý kiến về nội dung hay những gì liên quan đến cuốn sách lật ra trang nọ chỉ đoạn văn hay câu nói nào đó bình luận như tri âm, tri kỷ.

 Bùi Minh Huấn
Ảnh: Quang Bảo, Hải Thanh

 

 

Các tin liên quan

Thế giới kỳ diệu của sách
Gốc của sách
Sách & Sex

Thực hiện: depweb

20/02/2008, 17:24