Sắc màu của cuối năm - Tạp chí Đẹp

Sắc màu của cuối năm

Tin Tức

Cuối năm lẫn giữa tốt và xấu, giữa vui và buồn, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Những mảng màu cuộc sống đan xen tạo nên một sắc màu cuối năm rất riêng mà chẳng khoảng thời gian nào có được.

 

Cuộc sống vốn dĩ đã luôn quay mòng mòng theo nếp sống công nghiệp, vội vã và chớp nhoáng, nhưng cuối năm guồng quay ấy còn nhanh hơn gấp bội. Nhịp sống cuối năm có tốc độ phi mã và nhịp điệu của lực sĩ. Xe chạy ào ào ngoài đường, con người làm việc hối hả, các công trình rối rít chạy nước rút. Nhà xây mà để kéo từ năm nọ sang năm kia là xúi quẩy, nên kiểu gì cũng phải xây cho xong trong năm, cũng là để quyết toán, hoàn vốn. Các mã hàng được dịp hối thúc đưa ra thị trường, nào báo tết, mứt tết, nào quần áo tết… cứ rộn ràng, náo nhiệt. Để rồi cái gì cũng được gắn mác Tết, mác cuối năm.

Cơ quan họp tổng kết cuối năm, họp kiểm điểm cuối năm, ta căng đầu để phê bình và tự phê bình. Rồi thì gặp mặt cuối năm các cụ hưu, gặp mặt lãnh đạo cũ, hội nghị khách hàng, gặp mặt nhà báo, cùng với đấy là liên hoan, là chè chén, say sưa và ồn ào… tràn lan các cuộc hội nghị mà theo đó tiền cũng tan chảy. Vậy là cuối năm có màu của hội hè đình đám.

Cơ quan lo tiền cuối năm, tất cả nhân viên chúng ta bị sếp lùa ồn ã, chỉ mặt đặt việc chỉ với mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm, doanh thu năm sau phải cố cao hơn năm trước. Năm nay kinh tế khó khăn, phải căng ra mà giữ cho bằng năm ngoái. Qua 1 năm mọi thứ giá cả đã leo thang, doanh thu không tăng thu nhập sẽ không tăng, mà không tăng nghĩa là giảm mất rồi.

Cuối năm có sắc màu của cái mới. Ta nhìn thấy cái mới hiện hữu từng ngày thay thế cái cũ. Đấy là ngôi nhà giã từ màu sơn cũ rêu phong để khoác lên mình những mảng màu tươi mới, lấp loáng. Những tòa nhà chọc trời, những cây cầu vượt uốn lượn, con đường trên cao mới toanh vừa kịp hoàn thành tiến độ tô điểm thêm cho thành phố những nét chấm phá hào hoa, hiện đại. Đồ đạc mới cũng ồn ã chạy vào những ngôi nhà, nào tủ, nào bàn, nào xoong nồi, nào là giường, là chăn ga gối đệm mới. Các căn nhà cũ dường như trở nên mới mẻ bởi bàn tay ta vừa dọn dẹp. Dù chẳng thể sắm được cái gì mới, ta cũng tự tạo ra cái mới từ những cái đã cũ ấy. Ta dọn dẹp, thay đổi vị trí đặt đồ, xoay ngang, rồi xoay dọc, bụi bặm bong hết ra, màu véc ni lại ánh sáng. Trong những cái cũ, cái mới đã lấp loáng, hé lộ, sạch sẽ đến choáng ngợp. Cuối năm ta mở cánh tủ thấy chồng chồng lớp lớp cơ man là quần áo. Ta ướm bộ nọ, chọn bộ kia, rồi lắc đầu “chẳng có gì mặc Tết”. Ta lại ào vào shop, say sưa ngắm nghía và vung tiền mua thêm bộ đồ mới, náo nức như trẻ thơ đón Tết về. Hóa ra cuối năm còn có màu của tươi mới, rực rỡ và háo hức.

 

Cuối năm ta đón chờ những lương, những thưởng, thể nào cũng khác trong năm. Ít tiền ta buồn, ta lo, ta tụ năm tụm bẩy chê người quản lý yếu kém, sao mà ki thế, tiền của chung chứ của riêng ai mà chi ít thế. Tiền thưởng nhiều ta mừng quýnh, khen sếp giỏi, sếp biết điều. Có tiền, dù ít hay nhiều ta cũng rủ nhau bầy đàn đi mua sắm. Có tiền ta ăn nhậu, ta vui, ta chơi, ta sắm đồng quà tấm bánh. Thật lạ, ngày thường ta chi tiêu tiết kiệm, tiêu từng đồng đều tính toán, vậy mà cuối năm ta cứ thế mua sắm, vội vã như không mua thì bị hết phần. Ta ra đi với ví tiền căng phồng và hai bàn tay rỗng, trở về với cái ví lép kẹp và lỉnh kỉnh những túi là túi, nặng lặc lè. Mặt ta tươi rói với những chiến lợi phẩm thu hoạch được từ những đồng tiền cuối năm mặc cho giá cả leo thang hàng ngày. Xá gì, tăng cứ tăng, ta mua cứ mua, mấy khi tâm hồn phơi phới như thế. Cuối năm có màu của sự sung sướng. Sung sướng vì có tiền nhiều hơn trong năm, vì được tiêu pha, có khi được mua thứ mà cả năm căn cơ không dám đụng tới.

Cuối năm ta “thoáng” hơn, thấy cái gì cũng thiếu nên mua sắm nhiều hơn. Lẽ đương nhiên có cầu ắt cung phải theo cho kịp, thế là hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu có cơ hoành hành. Ta biết mà cứ nhắm mắt làm ngơ, bởi ta không có chức năng bắt hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và cũng bởi ta chưa đủ thông thái để phân biệt triệt để đâu là hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, đâu là hàng thật, hàng xịn. Đồ hiệu bị làm giả, bị nhập lậu tràn lan, quản lý thị trường còn bó tay thì ta sao phát hiện được. Với ta – người tiêu dùng, ta quan tâm nhất giá cả phải thật rẻ để với số tiền cuối năm ta vừa có, ta mua được nhiều thứ. Còn chất lượng, vẫn biết của rẻ có khi là của ôi, nhưng thiên hạ dùng được ta cũng dùng được. Ta tẩy chay thì biết mua cái gì mà dùng.

Cuối năm có màu sắc của thực phẩm bẩn. Ấy là bánh chưng luộc bằng pin cho chóng dừ, là măng bảo quản bằng lưu huỳnh, là thịt lợn với chất tạo nạc, là gà thối nhập từ nước ngoài dư lượng chất kháng sinh, là mứt với đầy ruồi bâu, là rau với chất kích thích tăng trưởng mạnh, là quả với chất thúc chín sớm và giữ tươi lâu… Cái màu của sự tham lam vô đối, chỉ nhăm nhắm lợi nhuận mà quên đi mạng sống con người sao vẫn hiển hiện khắp ngõ cùng, đường hẻm. Ôi màu của sự chết chóc, tang thương.

Cuối năm chỗ nào cũng thấy xả hàng, giảm giá, khuyến mại, tặng quà. Ta nhìn mà thích mê, giá rẻ quá, mua hời quá, chỉ tiếc không có nhiều tiền để ôm hết cả đống khuyến mại. Trong các siêu thị, hệ thống cửa hang trên đường phố đâu đâu cũng thấy nổi bật nhất từ SALE. Người Việt bây giờ phải chơi chữ Tây mới oai, mới bắt kịp thời đại, ai mà không hiểu chữ “sale” thì đích thị người nhà quê rồi. Sản phẩm có quà tặng nhan nhản, mua 1 được 2 còn gì bằng. Vậy là ta mua, mua vì thích được khuyến mại, mà chẳng biết đồ tặng kèm đấy đem về có sử dụng được không hay chỉ làm chật nhà. Ta cũng hiểu có nhiều mặt hàng giảm giá chỉ là chiêu trò, tự đề ra giá bán cao rồi hạ giá nhưng thực chất hạ giá đó mới là giá thật, có thứ giảm giá là hàng hết đát, tồn kho, đồ tặng kèm thường chẳng mấy giá trị… Nhưng lạ thật, cứ thấy được tặng quà, giảm giá là cơn thích của ta trỗi dậy, thúc giục ta mua như thiêu thân. Ôi sắc màu của sale – giảm giá cuối năm mới độc địa làm sao, làm “bay biến” của ta biết bao đồng tiền tích cóp, tạo nên hình ảnh đối ngược: Miệng ta cười tươi vì mua được đồ “hời”, gắn trên khuôn mặt méo mó vì đã tiêu hết tiền.

Lại còn có màu sắc cuối năm mang tên là trộm cướp. Trộm cướp bây giờ “công khai, minh bạch” lắm, táo tợn lắm, chả phải chui lủi, trốn tránh như xưa. Cướp chả cần đợi người ta ngoảnh mặt đi mới hành động, ngang nhiên vào giữa đám cưới giật vòng vàng của cô dâu, chém tay người đi đường cướp xe, đứng giữa ngã tư dừng đợi đèn đỏ giật túi. Trộm nay chả kiêng dè ai, nhà quan chức hay nhà dân thường, cơ quan hay ăn mày, hễ “ngửi” thấy mùi tiền là trộm, đem cả ô tô giữa ban ngày đi trộm và khuân đồ, trèo tường tài giỏi hơn cả đặc công. Trộm cướp đang coi thường kỷ cương phép nước, coi khinh người thi hành công vụ. Ta ngao ngán, lo lắng. Ta đòi quyền được sống trong bình an. Thật lạ, cái cần công khai thì lại lén lút, chui lủi, cái cần chui lủi như trộm cướp thì lại chường mặt giữa ban ngày. Sao lại đảo ngược thế nhỉ?

Cuối năm ta thêm một lần ưu tư toan tính với những bận rộn của quà tặng, biếu xén, âm mưu. Mua quà gì, biếu hàng gì, mục đích gì? Quà gì, giá trị nào thường đi với mục đích và tương xứng với người được nhận quà, người cho quà. Đây là quà hiếu kính với cha mẹ, nhẹ nhàng mà thực dụng để cha mẹ còn dùng được, để con tỏ bày được lòng yêu kính với người sinh thành. Quà này thể hiện tình thân hữu với họ hàng, chòm xóm, tuy “nhẹ” về mặt giá tiền nhưng “đậm” về mặt tình cảm. Còn quà này, toan tính cho việc ký kết cho được hợp đồng, quà này để được giúp đỡ thăng chức, để được nhận vào làm, quà để có chỗ cho con học… Khó quá, quà ấy phải cân nhắc bao nhiêu là đủ, là sang, là “biếu một trúng liền”. Ở cái thời buổi không-thiếu-thứ-gì này, ta biết mua gì, biếu gì cho trọn vẹn? Ta nháo nhào tìm kiếm, ta chạy đôn chạy đáo và ta… biến quà thành “thóc” (phong bì) nếu không tìm được quà như ý. Ta hối hả bươn ra đường, người hối hả bươn ra đường, tìm kiếm quà cáp, chạy đến nơi tặng…

Chúng ta chen chúc đi mua sắm, chen chúc chạy hoàn tất những công việc cuối cùng của năm, chen chúc đi biếu xén, thăm hỏi, tạo nên màu sắc của tắc đường cuối năm. Ta bon chen trên đường giống như bon chen trong cuộc sống vậy, hở chỗ nào ta chen lấp đầy ngay chỗ ấy, để rồi ùn ứ, tiến thoái lưỡng nan, rốt cục là một cái nút rối bời. Thì ra cuối năm có cả sắc màu của ùn tắc giao thông và lo toan quà biếu.

 

Vậy là một năm nữa lại sắp qua. Trong năm hay gặp xui, ta tặc lưỡi, vận hạn năm xui sắp qua cùng năm cũ, năm mới hy vọng tốt đẹp hơn. Đã sắp bước qua một năm kinh tế khó khăn, ta mong cho bước sang một năm mới nền kinh tế phục hồi hơn. Ta mơ thị trường chứng khoán “vào cầu” hơn để ta sống lại cái thời nhà nhà “buôn chứng”, hôm qua còn nghèo khó, sau một đêm thức giấc đã thành tỷ phú. Ta mơ thị trường nhà đất rục rịch dịch chuyển để còn buôn đi bán lại dễ dàng, vàng giữ giá để ta còn mua chút đỉnh mà tích lũy. Ta mong vay ngân hàng dễ hơn với tỷ giá thật bọt bèo để có tiền đầu tư. Ôi, cuối năm còn có màu của mơ ước, những giấc mơ không sợ ai đánh thuế nên viễn cảnh thật lung linh.

Cuối năm có cả niềm vui xen lẫn nỗi buồn, cả quá khứ, hiện tại xen lẫn mong ước tương lai. Cuối năm có màu của sự vội vã, màu dốc hết tốc lực, màu đổi mới, màu tắc nghẽn giao thông, màu quà biếu, màu hàng giả hàng lậu, màu trộm cướp, màu ước mơ… Ta lắng lại để thấy một cảm xúc chộn rộn trong sắc màu hối hả của cuối năm.

 

Lê Thị Bích Ngọc
(theo Gia đình Việt Nam)

Thực hiện: depweb

11/01/2013, 16:00