Sắc màu ẩn dấu - Tạp chí Đẹp

Sắc màu ẩn dấu

Bộ Sưu Tập

Cô gái có tài năng thiên bẩm nhưng sớm mồ côi cha Văn Dương Thành thật may mắn khi nhận được sự dìu dắt của người thầy đầu tiên, họa sĩ Diệp Minh Châu. Cũng nhờ tài năng, Văn Dương Thành có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam thế kỷ XX, được kế thừa từ họ những vốn liếng quý giá cho một người làm nghệ thuật. Ngày hôm nay, Văn Dương Thành được thừa nhận là một trong những nữ họa sĩ nổi tiếng nhất Châu Á. Chị là giáo viên người Việt Nam đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Thụy Điển cho khoảng 800 sinh viên Mỹ thuật các nước Bắc Âu. Biết nhiều ngoại ngữ, cùng với sự am tường về văn hóa, nghệ thuật, Văn Dương Thành còn được xem như một “sứ giả văn hóa Việt Nam” tại Thụy Điển. 

Vẽ quá khứ để nhìn về tương lai

Thưa họa sĩ, chị từng nói, những bức tranh chị vẽ chính là những trang nhật ký nhỏ trên đường đi. Văn Dương Thành nhiều năm nay đi trên các ngả đường của các nước phương Tây nhiều hơn là ở Việt Nam. Vậy, vì sao những bức tranh của chị, trong các triển lãm, đều là những trang nhật ký nhỏ về Hà Nội. Chị đang đi về phía trước hay đang đi về quá khứ?

Tôi lấy làm bất ngờ về câu hỏi này. Mười bảy năm qua tôi sống ở nước ngoài, làm công tác giảng dạy mỹ thuật tại các nước Bắc Âu là chủ yếu. Số lượng học trò là hoạ sĩ của tôi mỗi năm một nhiều hơn. Thế giới cũng trở nên nhỏ hẹp hơn qua những chuyến đi. Cuộc sống cho tôi cơ hội được ngắm nhìn, trải nghiệm cả về thời gian lẫn không gian. Con người bao giờ cũng muốn đi về phía trước. Nhưng trong nghệ thuật, việc “đi về phía trước” của người nghệ sĩ đôi khi lại nằm trong sự “ngoái nhìn”. Tôi vẽ tranh là để hồi tưởng.

Hà Nội luôn ở trong ký ức của tôi với những năm tháng tuổi thơ êm đềm bên người cha yêu dấu. Ông dắt tôi đi trên những con đường đầy lá rụng, băng qua những dãy phố nghèo, loang lổ màu tường rêu cũ. Hà Nội còn là nơi tôi bắt đầu con đường nghệ thuật của mình, nơi ban tặng cho tôi những câu chuyện tình bạn đẹp như tranh vẽ, những niềm vui, nỗi buồn…

Mọi tìm kiếm của tôi đều khởi nguồn từ nền tảng văn hoá dân gian của dân tộc mình. Tôi sống và vẽ ở đâu cũng chỉ để nói với người xem rằng “tâm hồn tôi là một tâm hồn Việt Nam”. 

Khi tôi ngồi trước giá vẽ để bắt đầu một bức tranh, tôi không biết mình đang đi về phía trước hay phía sau. Chỉ biết rằng, quá khứ đang tuôn chảy. Vẽ về quá khứ cũng là một cách để thấy mình đang hiện diện hôm nay, là cách để nói về tương lai đang tới.

Vậy, “Hà Nội, những cánh cổng cổ xưa”, tên cuộc triển lãm tranh mới đây của chị, theo một cách riêng nào đó, chị đã mở ra một tương lai như thế nào?

Tôi có niềm tin rằng, phía sau những cánh cổng cổ xưa mà tôi đã tạo nên bằng màu sắc ấy, sẽ mở ra một thế giới khác, thế giới của tâm linh con người. Hà Nội của chúng ta đang thay đổi mỗi ngày. Sẽ có nhiều thứ mất đi hoặc được thay thế bởi những giá trị mới. Đó là một tất yếu của lịch sử. Những chiếc cổng cổ xưa của Hà Thành sẽ được thay thế bằng những công trình kiến trúc khác, nhưng nó sẽ luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của con người, nhờ có nghệ thuật. Tôi đã vẽ như một sự níu giữ những vẻ đẹp có nguy cơ đang mất dần đi bởi đời sống tiện nghi, hiện đại. Và bằng cách đó, chúng ta thấy rằng, nơi tâm tưởng con người, quá khứ luôn có mặt trong tương lai.

Văn hoá truyền thống của dân tộc là một tài sản mà những nghệ sĩ luôn có ý thức mang theo trên con đường tiếp cận với nghệ thuật hiện đại. Tiếp xúc với nhiều trường phái hội họa hiện đại thế giới, chị đã làm thế nào để pha trộn được hai yếu tố ta vừa nói tới, để có được nhận xét của người xem, rằng tranh của chị vừa mang một vẻ đẹp truyền thống rất Việt Nam nhưng cũng rất đương đại?

Năm ngoái, tôi có trưng bày ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam một triển lãm mang tên “Cuộc viễn du từ văn hoá dân gian đến trừu tượng”. Đó là một thông điệp của cá nhân tôi trên con đường đi tìm bản thể của mình trong hội họa. Các bức tranh đều vẽ về những đề tài gần gũi, giản dị, là những người phụ nữ và thiên nhiên đất mẹ…

Điều gì đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, gieo cho ta những hạt giống đầu tiên để ta bắt đầu cuộc hành trình? Văn hoá dân gian chính là mảnh đất để tôi bước những bước lẫm chẫm đầu tiên trên cánh đồng nghệ thuật. Trên cánh đồng ấy, một đứa trẻ sẽ lớn lên, thu lượm những gì nó cảm nhận thấy từ đời sống. Mọi tìm kiếm của tôi đều khởi nguồn từ nền tảng văn hoá dân gian của dân tộc mình. Tôi sống và vẽ ở đâu cũng chỉ để nói với người xem rằng “tâm hồn tôi là một tâm hồn Việt Nam”. 

Tình bạn với họa sĩ Bùi Xuân Phái

Thưa họa sĩ, chị là một người có nhiều năm tháng sống gần gũi với họa sĩ Bùi Xuân Phái, như một người bạn vong niên của ông, chị có thể nói gì về tinh thần của họa sĩ Bùi Xuân Phái trong hội họa?

Qua những năm tháng sóng gió, Bùi Xuân Phái vẫn tồn tại với nghệ thuật của mình như một thiền sư đắc đạo. Con người nổi tiếng ấy luôn giản dị trong bộ áo sơ-mi màu xám nhạt, đạp chiếc xe đạp Đức cũ kỹ lọc xọc dạo quanh các đường phố nhỏ có những mái ngói mũi hài rêu phong mốc thếch khắp các phố cổ Hà Nội… để tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị ẩn náu trong các ngóc ngách của đời sống.

Suốt 40 năm lao động nghệ thuật, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Những tranh phố của ông, theo tôi, có thể đủ để dựng lên một thành phố mà giờ đây dường như chỉ còn lại trong ký ức, với những mái ngói rêu phong, những ô cửa chờ đợi, những đám mây trắng ngần, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo… Bút pháp của Bùi Xuân Phái vừa hư vừa thực. Nó khiến người ta không khỏi bất ngờ rằng, những nơi mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị và mãnh liệt như vậy…

Về tình bạn của những người nghệ sĩ cùng thời với Bùi Xuân Phái mà chị là người được chứng kiến nhiều nhất, cảm nhận rõ ràng nhất… có điều gì ám ảnh chị cho đến tận bây giờ?

Mỗi lần nghĩ về tình bạn của Bùi Xuân Phái với những nghệ sĩ cùng thời như các nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, nhà báo Lê Chính… tôi cảm thấy lòng mình rưng rưng xúc động. Những tâm hồn nghệ sĩ ấy tìm đến với nhau thật trong sáng, hồn nhiên. Tôi nhớ, nhiều Tết Nguyên Đán, ông Phái và ông Nghiêm thường tặng cho nhau những bức tranh Tết còn ướt màu vẽ những con giống, nhẹ nhàng như người ta tặng cho nhau một quyển sách hay một tấm bưu ảnh. Những tác phẩm họ tặng cho nhau ấy ngày hôm nay đang được đấu giá tại các hãng Christie’s hoặc Sotherby’s từ Châu Âu đến Châu Á.

Ngày hôm nay, tôi đã được đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng ký ức về tình bạn của những người nghệ sĩ ấy luôn là một tài sản vô giá đối với tôi, dạy cho tôi nhiều điều trong cách ứng xử với nghệ thuật và với con người. 

Trong cái ngõ bé tẹo có một vòi nước luôn nhỏ tí tách ở phố Thuốc Bắc, căn phòng hẹp và cũ của gia đình Bùi Xuân Phái là nơi tụ tập của bạn bè văn nghệ. Thời đó không có điện thoại. Bạn bè nhớ nhau thì cứ việc xồng xộc đến nhà. Chúng tôi không hay nói to hay tranh luận, tán tụng nhau về nghệ thuật, mà thường chỉ ngồi uống một chén trà, hoặc lặng lẽ thưởng thức các tác phẩm còn ướt sơn của nhau… Sự im lặng ấy chứa đựng hàng ngàn điều muốn nói. Khi một người trong số họ ra đi, tôi biết có một khoảng trống đau đớn không gì bù đắp được trong tâm hồn những người ở lại.

Ngày hôm nay, tôi đã được đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng ký ức về tình bạn của những người nghệ sĩ ấy luôn là một tài sản vô giá đối với tôi, dạy cho tôi nhiều điều trong cách ứng xử với nghệ thuật và với con người.
 
Nghe nói, chị đang có ý định trưng bày một triển lãm những bức chân dung danh họa Bùi Xuân Phái do chính chị vẽ?

Tôi dự định năm tới sẽ quay về Việt Nam để tổ chức triển lãm tranh chân dung Bùi Xuân Phái. Tôi có nhiều tác phẩm vẽ chân dung ông. Một số vẽ trực tiếp khi ông còn sống, còn lại là những tác phẩm được vẽ trong những hồi ức của tôi về người họa sĩ mà tôi rất kính trọng. Với tôi, vẽ là để tưởng nhớ tới ông, để thấy rằng ông chưa bao giờ rời xa đời sống tinh thần của nhiều người yêu hội họa.

Ngoài những bức tranh, chị còn giữ được những kỷ vật gì về họa sĩ Bùi Xuân Phái?

Sau khi ông Phái mất, bà Sính, người vợ tảo tần của ông đã trao cho tôi hai vật kỷ niệm của họa sĩ mà bà muốn tôi giữ. Đó là một chiếc kính viễn của Đức mà bà đã mua cho ông 20 năm trước và một chiếc tẩu thuốc gỗ vẫn còn tàn tro thuốc cháy dở, đầu tẩu có khắc một khuôn mặt, lạ thay, giống hệt chân dung ông Phái. Hai vật đó họa sĩ thường sử dụng cho đến lúc qua đời. 

Cô đơn để sáng tạo nghệ thuật

Nghệ sĩ luôn cần có đủ cô đơn để sáng tạo nghệ thuật. Với người phụ nữ đẹp Văn Dương Thành, dường như đó là cách giải thích thuyết phục nhất, cho câu hỏi vì sao chị lựa chọn cuộc sống một mình…

Mỗi người sẽ có cách lựa chọn riêng trong cuộc sống, miễn sao họ thấy mình dễ chịu, thoái mái với sự lựa chọn ấy là được rồi. Tôi cũng đã trải qua những buồn vui, thay đổi của cuộc sống và nghiệm ra rằng, làm một người cầm bút, hãy độ lượng với cuộc đời. Nghệ thuật trong tôi như một tôn giáo. Ở một nghĩa nào đó, nghệ thuật chính là một nửa kia của tôi, thậm chí là tất cả cuộc sống của tôi. Tôi cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc khi sống trong hội họa…

Nhưng ngoài những khoảnh khắc của hội họa, Văn Dương Thành vẫn là một người phụ nữ. Một người bạn của tôi từng nói, rằng một phụ nữ đẹp mà sống một mình là mắc tội… lãng phí nhan sắc…

Tôi nghĩ đó là một câu nói hóm hỉnh thôi. Tất nhiên, trong đời sống thường nhật, người phụ nữ sống một mình sẽ gặp không ít khó khăn. Vì cái gì cũng phải lo toan một mình, từ việc nhỏ tới việc lớn… Là một nghệ sĩ thì càng khó khăn hơn, là vì nghệ sĩ hay đãng trí lắm. Nhưng tôi vui vẻ với sự lựa chọn của mình. Tình yêu trong cuộc đời sẽ ẩn dấu ở nhiều ý nghĩa, không hẳn là việc người ta phải sống bên nhau. Sắp tới, tôi sẽ trở về sống ở Việt Nam nhiều hơn. Tôi lên chùa tập Thiền. Và sống trong một căn nhà nhỏ giữa lòng Hà Nội để vẽ tranh trong không gian của âm nhạc cổ điển. Đó là một không gian tĩnh tại mà tôi thích./.

Thực hiện: depweb

11/08/2006, 10:30