Sắc luận - Tạp chí Đẹp

Sắc luận

Sống

 

 Chân dung thiếu nữ của Lefebvre. Tại phương Tây, hình ảnh người thiếu nữ là biểu tượng của vẻ đẹp nhân loại

Không gì hiện hữu như cái đẹp và cũng không gì khó nắm bắt như cái đẹp. Người ta ví việc nghiên cứu về cái đẹp như tìm hiểu một cái cây có nhiều cành và luôn phát triển, vì cái đẹp luôn luôn tồn tại trong xã hội, trong thiên nhiên và nghệ thuật. Bởi vậy, cuộc luận bàn về sắc đẹp có thể có khởi đầu, nhưng không bao giờ có kết thúc…

Cái đẹp trong mắt… triết gia

Bản chất và ý nghĩa của Cái đẹp là một trong những chủ đề chính của môn triết học có tên là “Mỹ học”. Triết gia Immanuel Kant, người đề ra luận thuyết Mỹ học đầy sức ảnh hưởng, nhấn mạnh rằng Cái đẹp có cả đặc trưng chủ quan và khách quan.

 Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng khi người ta gọi một đối tượng nào đó là đẹp, “sự đánh giá này không chỉ đơn thuần cho riêng anh ta, mà cho tất cả mọi người, và rồi nói về cái đẹp đó như thể là những gì thuộc quyền sở hữu của anh ta.

Quan điểm chung đều cho rằng cái đẹp tồn tại trong sự hiện diện của tất cả những vật và người được cho là tốt. Một quả táo ngon sẽ được đón nhận như là một thứ đẹp đẽ hơn quả táo giập.

Và đương nhiên, đa phần công chúng nhận định rằng cứ người hấp dẫn về mặt ngoại hình đều tốt, tốt cả thể chất lẫn tâm hồn. Đặc biệt, những người này được cho là đương nhiên đã sở hữu một loạt những nét tích cực và nhân cách tốt”.

Hơn nữa, các kỹ năng của con người có tính phát triển và có thể thay đổi nhận thức về cái đẹp. Một anh phó mộc coi ngôi nhà nghiêng là xấu, và nhiều bác thợ cả thậm chí còn nhìn được rằng góc lệch của ngôi nhà đó chừng nửa độ.

Tương tự, nhiều nhạc sĩ có thể nhận biết một quãng trưởng lệch âm, hoặc quá cao hoặc quá thấp, trong 2% khoảng cách tới quãng tiếp theo. Đa số mọi người đều nắm được những quan niệm mỹ học tương ứng với công việc hoặc sở thích mà họ rất am hiểu.

Có thể thấy được luận thuyết sớm nhất về Cái đẹp trong những tác phẩm của các triết gia tiên phong cổ đại Hy Lạp từ giai đoạn tiền Socrates, như Pythagoras. Trường phái của triết gia kiêm nhà toán học Pythagoras đã nhận ra mối liên hệ giữa Toán học và Cái đẹp.

 Đặc biệt, họ nhấn mạnh rằng những vật có sự cân xứng tương ứng với “Tỷ lệ Vàng” (Golden Ratio) dường như trông hấp dẫn hơn hẳn. Nền tảng của kiến trúc học cổ đại Hy Lạp nằm chính ở quan niệm về tính đối xứng và tỷ lệ cân đối. Những nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng người có nét mặt đối xứng và đạt được tỷ lệ tương ứng với “Tỷ lệ Vàng” thường đẹp hơn những gương mặt không có các nét này.

 

 Thần Vệ nữ qua nét vẽ của danh họa Sandro Botticelli

Những nền tảng do các nghệ sĩ Hy Lạp và La Mã cổ đại xây dựng còn đưa ra quy chuẩn về Cái đẹp của nam giới trong nền văn minh Phương Tây. Một người đàn ông La Mã lý tưởng phải cao lớn, vạm vỡ, chân dài, với mái tóc dầy, trán rộng và cao – một biểu hiện của sự thông minh – mắt to, mày rậm, mũi cao, miệng nhỏ và hàm bạnh. Sự kết hợp của các yếu tố này, cũng như ngày nay, sẽ tạo ra một vẻ đẹp nam tính cực kỳ ấn tượng.

Quyền năng của Sắc đẹp

Xuyên suốt trong lịch sử, Cái đẹp thường được liên tưởng tới những gì tốt đẹp. Tương tự, thái cực đối lập với Cái đẹp thường bị coi là xấu xí và cũng bị gắn với những điều xấu xa. Ví dụ như các mụ phù thủy thường được miêu tả với những nét ngoại hình và tính cách rất khó chịu.

Sự tương phản này được thu nhỏ lại qua những câu chuyện cổ tích như “Người đẹp ngủ trong rừng”. Tương tự, theo đại văn hào Goethe trong tác phẩm “Elective Affinities” năm 1809 của ông, thì sắc đẹp là “một vị khách được nghênh đón ở khắp mọi nơi”.

Mặc dù phong cách và thời trang luôn biến đổi mạnh mẽ, nhưng nghiên cứu về sự giao thoa giữa các nền văn hóa cho thấy rất nhiều sự tương đồng trong nhận thức của con người về sắc đẹp. Ví dụ như một đôi mắt to và làn da sáng của cả đàn ông và đàn bà, đều được coi là đẹp ở tất cả các nền văn hóa.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng những nét trẻ thơ luôn có sự hấp dẫn, và vì thế cũng được coi là đẹp. Sự trẻ trung nói chung cũng thường đồng nghĩa với Cái đẹp. Có một bằng chứng rõ ràng rằng thói thiên vị những gương mặt đẹp đã xuất hiện từ lúc đứa bé mới phát triển, và tiêu chuẩn của sự hấp dẫn thường là giống nhau ở mọi nền văn hóa.

 

 Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Michelangelo-David-được coi là tiêu biểu cho vẻ đẹp nam tính

  Một gương mặt duyên dáng có thể được coi là thích hợp để lựa chọn bạn đời vì sự cân đối và hoàn toàn không có khiếm khuyết chính là dấu hiệu cho thấy những mặt quan trọng của chất lượng bạn tình, như sức khỏe chẳng hạn. Cũng có khả năng là những sự nổi trội này đơn giản là sản phẩm phụ từ cách mà bộ não của chúng ta xử lý thông tin.

Một chỉ số sắc đẹp phụ nữ đã được các nhà nghiên cứu khám phá ra là tỷ lệ vòng eo – vòng hông (waist-to-hip ratio,WHR) vào khoảng 0,70 cho phụ nữ. Khái niệm WHR do nhà tâm lý học Devendra Singh (thuộc trường Đại học Texas-Mỹ) phát triển.

Các nhà sinh lý học đã cho rằng tỷ lệ này còn chỉ ra gần như chính xác khả năng sinh sản của phụ nữ. Theo truyền thống ở thời tiền hiện đại, khi việc tìm kiếm thức ăn còn khó khăn, những người thừa cân thường được coi là hấp dẫn hơn người mảnh mai.

“Cái nết” và “Cái đẹp”

Vẻ đẹp nội tâm là khái niệm mô tả khía cạnh tích cực của những gì không thể nhìn nhận được từ vẻ ngoài hình thể. Trong khi muôn loài thường sử dụng những đường nét cơ thể và kích thích tố để hấp dẫn bạn tình, thì con người lại cho rằng lựa chọn của họ còn phải dựa vào vẻ đẹp nội tâm. Và những đặc tính – gồm lòng nhân hậu, sự mẫn cảm, dịu dàng hoặc vị tha, sáng tạo và trí thông minh – được cho là đáng tôn thờ nhất kể từ thời cổ xưa.

Mô tả “cái đẹp” của một ai đó, dù trên góc độ một cá nhân hay sự đồng thuận của cộng đồng, thường dựa trên một vài sự kết hợp của vẻ đẹp nội tâm, trong đó có những nhân tố tâm lý học như tính cách, sự thông minh, sự duyên dáng và thanh lịch; và vẻ đẹp xa hơn gồm nhân tố thể hình, như sức khỏe, sự trẻ trung…

Một cách thông thường – dựa trên tính đồng thuận cộng đồng hay quan điểm chung – để đánh giá vẻ đẹp bề ngoài là tổ chức một cuộc thi sắc đẹp, như Hoa hậu Hoàn vũ. Tuy nhiên, vẻ đẹp nội tâm là vấn đề khó định lượng hơn nhiều cho dù các cuộc thi sắc đẹp vẫn thường cho là cũng đã tính đến khía cạnh này.

Một nghiên cứu mới so sánh những gì mà con người thường chú ý để tìm sự hấp dẫn với bạn tình, lại nhấn mạnh tới cái gọi là biểu hiện bên ngoài của “vẻ đẹp nội tâm”. Theo đó, nghiên cứu cho rằng con người cũng vẫn dựa vào những nét hình thể và kích thích tố hệt như bất kỳ một loài vật nào trong lúc tìm bạn tình.

Nghiên cứu khẳng định rằng cho dù “vẻ đẹp nội tâm” có tác động, hay không tác động ở mức nào đó tới thói quen chọn bạn tình của con người, thì một số đặc điểm ngoại hình khiến người ta suy diễn về “vẻ đẹp nội tâm” vẫn tạo ra ưu thế.

Sắc đẹp trong xã hội

Cái đẹp đề ra một quy chuẩn so sánh và nó có thể gây ra sự bực bội và bất mãn khi không đạt được được quy chuẩn đó. Series truyền hình hài “Ugly Betty” nói về một cô gái hay bị chế giễu vì ăn mặc lỗi thời, hình thức xấu xí.

 

 Bức Dama del armio của Leonarddo da Vinci

Ngược lại, một người cũng có thể luôn là mục tiêu của các vụ quấy rối nếu cô ta quá đẹp. Trong “Malena” (bộ phim truyền hình Italy lãng mạn với vai chính do nữ tài tử Monica Bellucci đảm nhiệm), một cô gái có vẻ đẹp hớp hồn đã bị chính các phụ nữ trong cộng đồng đẩy vào cảnh nghèo khổ vì họ luôn từ chối cho cô công ăn việc làm, do sợ rằng cô ta có thể “quyến rũ” chồng họ.

Nhưng xét một cách toàn diện, sắc đẹp thường mang đến cho người ta ưu thế nhất định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên trông dễ coi thường được giáo viên cho điểm cao hơn những bạn học có ngoại hình bình thường. Những cặp vợ chồng hấp dẫn thường nhận được sự quan tâm có tính cá nhân từ các bác sĩ của họ.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy rằng những tên tội phạm điển trai thường lĩnh mức án nhẹ hơn hẳn những bị cáo kém hấp dẫn. Việc một tháng bạn có thể kiếm được thu nhập bao nhiêu, cũng bị ảnh hưởng bởi vẻ đẹp hình thể.

Một nghiên cứu đã phát hiện rằng những người có ngoại hình kém hấp dẫn thường thu nhập ít hơn từ 5 – 10% so với người có vẻ ngoài bình thường, và những người này lại kiếm được ít hơn từ 3 – 8% so với những người được coi là có diện mạo đẹp. Sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình này được gọi là hiện tượng “lookism”.

Thuật ngữ “người đẹp” xuất hiện từ những năm 1960, thoạt đầu để chỉ những nghệ sĩ, tài tử điện ảnh và người nổi tiếng. Ban nhạc “The Beatles” đã nhắc tới “người đẹp” với nghĩa này trong bài hát "Baby You’re a Rich Man" phát hành năm 1967 trong album “Magical Mystery Tour”.

Và cho tới nay, từ “người đẹp” đã được sử dụng rộng rãi với các đối tượng khác nhau. Những “người đẹp” này, nhờ vào ưu thế về ngoại hình và (hoặc) về tài chính, càng gặt hái nhiều thành công – quyền lực và sắc đẹp.

 Trần Long (tổng hợp)

 

 

Các tin liên quan

Tự tin là mình đẹp
Đào tạo… người đẹp
Sắc đẹp đắm người

Thực hiện: depweb

10/01/2008, 10:09