Ngoài những hạn chế mang tính “bề nổi” như trên, “Rush” (Đường đua nghẹt thở) có rất nhiều điểm thu hút sự chú ý của khán giả. Chàng diễn viên điển trai Chris Hemsworth nổi danh qua phim “Thor”, có thể khiến người thích phim hành động, giải trí quan tâm đến “Rush”. Còn nếu là người yêu phim nghệ thuật thì chỉ riêng cái tên của đạo diễn Ron Howard – người từng đoạt giải Oscar với “A Beautiful Mind” – đã là sự đảm bảo cho chất lượng bộ phim.
“Rush” không có những pha giao tranh kỳ ảo của trí tưởng tượng mà có chỉ có những cuộc đua mang tính hiện thực trần trụi, đầy ắp cảm xúc. Và như tên phim được dịch ra tiếng Việt, “Rush” là “Đường đua nghẹt thở”.
Cuộc đua của hai cá tính
“Rush” dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đối đầu giữa hai tay đua huyền thoại của thập niên 70, cặp kỳ phùng địch thủ một thời. James Hunt và Niki Lauda là hai cá tính hoàn toàn trái ngược nhau, cùng cạnh tranh chức vô địch thế giới năm 1976, trong mùa giải F1 đầy biến động.
Poster phim “Rush”
Ngược lại, nhân vật Niki Lauda (Daneil Bruhl) như mẫu hình lý tưởng về người đàn ông của gia đình. Ở anh có vẻ điềm tĩnh, kiệm lời; những buổi tiệc tùng, những cuộc hẹn hò không phải là mối quan tâm của tay đua này. Thay vào đó, bên ngoài đường đua, Lauda dành phần lớn thời gian cho đam mê nghiên cứu xe, chung thủy với người vợ có nhan sắc không quá nổi bật.
Hai tính cách, phong cách trái ngược ấy gặp nhau ở niềm đam mê tốc độ và khát khao chinh phục, luôn lấy đối thủ của mình làm động lực để vượt lên giành chiến thắng.
Đặt hai tuyến nhân vật đối lập hoàn toàn trên cùng một đường đua, với cùng một mục tiêu giành chiến thắng, biên kịch Peter Morgan như có ý đồ đẩy cao đam mê, khát khao chinh phục thử thách và hiểm nguy trong họ. Đạo diễn Ron Howard cũng có những cách riêng để dẫn dắt khán giả bước vào hành trình đua – cũng là hành trình sống của họ, để rồi cuối cùng có thể khiến cảm xúc nơi người xem vừa như lắng lại vừa như muốn vỡ oà…
Nên nhớ, “Rush” là bộ phim được xếp vào thể loại phim tiểu sử; bởi vậy, việc miêu tả tâm lý, khắc hoạ chân dung nhân vật là để phản chiếu về con người thật của hai nhân vật chính có nguyên mẫu ngoài đời là James Hunt và Niki Lauda, cũng như “A Beautifful Mind” là để kể về cha đẻ của lý thuyết trò chơi John Nash.
Đã có quá nhiều người, nhất là những ai quan tâm đến lịch sử của giải đua xe công thức 1 (Formula One) nắm rõ thông tin về James, Lauda cùng những thành bại của họ. Bởi thế, bộ phim tiểu sử thành công là bộ phim mang đến những “góc khuất tâm lý” thực sự sinh động, có chiều sâu của họ chứ không phải nặng vào nêu sự kiện, kể thành tích, hay chỉ mải tập trung vào những cuộc đua gay cấn.
Cuộc đua chiến thắng bệnh tật
Mùa giải 1976 là một mùa giải khốc liệt bậc nhất trong lịch sử F1, đặc biệt là ở đường đua nước Đức. Ở một môn thể thao mà không có chỗ cho sai lầm, với 20% số vận động viên chết khi ngồi lên xe, thì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể cướp đi mạng sống của tay đua. Và Lauda suýt chút nữa đã phải trả giá cho sự nóng vội của mình.
So với cuộc chiến trên đường đua thì cuộc chiến với tử thần cũng khốc liệt không kém. Người xem không tránh khỏi cảm giác rợn người khi chứng kiến cảnh điều trị vết bỏng trên mặt, đặc biệt là cảnh nhân vật Lauda gồng mình chịu đựng nỗi đau hút dịch ở phổi. Nhờ chấn thương này, con người và những suy nghĩ ở Lauda có những lối rẽ mới. Anh nhận ra còn có những hạnh phúc quý giá khác ngoài chiến thắng ở đường đua.
Nếu như ở phần đầu phim, ta bắt gặp một Lauda đầy mạnh mẽ, quyết đoán, luôn giành chiến thắng bằng mọi giá thì kể từ sau tai nạn, dường như ta cảm nhận được sự sợ hãi ở nhân vật này, như chính anh thừa nhận “hạnh phúc là điều thật tệ hại, vì khi đó trong ta tồn tại thứ mà ta sợ sẽ mất”.
Cuộc đua đến trái tim người xem
Xuyên suốt bộ phim là cảm giác nghẹt thở trong từng vòng đua, kết thúc “Rush” lại là cảm giác choáng ngợp, đồng cảm, ám ảnh về tình cảm giữa con người với con người trong một cuộc đua tưởng như không bao giờ có chỗ dành cho nó. Lauda và Hunt, họ là đối thủ của nhau, sống trong hai thế giới khác biệt nhưng giữa họ không có sự thù ghét, đố kỵ mà trái lại, họ luôn dành sự tôn trọng cho đối thủ của mình.
Góp phần không nhỏ vào sự thành công của bộ phim còn phải kể tới những cảnh quay đẹp mắt, ấn tượng. Những shot hình trên đường đua, những cảnh rượt đuổi với tốc độ chóng mặt đã tạo được hiệu ứng rất hiệu quả trong việc làm thót tim người xem.
Bài: Nguyễn Đức Trọng
Ảnh: IMDB