Rupi Kaur: Instapoet vang danh cõi mạng và tập thơ bị cấm phát hành - Tạp chí Đẹp

Rupi Kaur: Instapoet vang danh cõi mạng và tập thơ bị cấm phát hành

Women Empower Women

Bạn có tin rằng, ở thế kỷ 21 đầy hiện đại và phát triển này, đâu đó vẫn còn tồn tại những cái nhìn khắt khe về các vấn đề thiết yếu của phụ nữ. Chẳng hạn như kinh nguyệt. Câu chuyện nữ nhà thơ Rupi Kaur từng đứng lên đấu tranh công khai để phá vỡ những định kiến về vấn đề này đã làm dậy sóng Internet một thời. 

Thách thức “lệnh cấm” của Instagram và làm dậy sóng Internet ở tuổi 23

Rupi Kaur là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ minh họa gốc Ấn, hiện sinh sống và làm việc tại Toronto, Canada. Cô sinh năm 1992, nổi tiếng với nhiều tập thơ được yêu thích khắp thế giới, nổi bật trong số đó là “Milk and Honey” xuất bản năm 2014, khi nhà thơ mới 22 tuổi. Tập thơ đến nay đã bán được hơn 3 triệu bản trên toàn cầu và được dịch ra hơn 25 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt với tựa “Sữa và Mật”). Bên cạnh đó, tập thơ thứ hai “The Sun and Her Flower” xuất bản năm 2017 của cô cũng tạo được tiếng vang lớn và đứng hơn 76 tuần trên danh sách sách bán chạy của The New York Times. Cũng trong năm này, Kuar được BBC vinh danh là 100 phụ nữ tiêu biểu của năm. 

Từ khi còn nhỏ, Rupi Kaur đã bộc lộ là người thích dành thời gian cho việc viết lách và chụp ảnh. Mục đích của cô là tìm cách thay đổi những quan điểm cứng nhắc và bài trừ một số điều cấm kỵ phổ biến. 

Vừa qua, Rupi Kaur đã đăng lên trang cá nhân bày tỏ sự lo lắng và thất vọng khi phát hiện “Milk and Honey” nằm trong danh sách 11 cuốn sách bị cấm nhiều nhất ở Mỹ năm 2022-2023. Tập thơ này bị cấm hầu hết ở các trường học và thư viện trên khắp nước Mỹ với tốc độ báo động vì nội dung khai thác sâu các vấn đề về tấn công tình dục và bạo lực mà một phụ nữ trẻ đã trải qua. Ở Việt Nam, tại các diễn đàn thảo luận về sách cũng có rất nhiều bình luận tiêu cực cho rằng nội dung tác phẩm không trong sáng, lành mạnh khi có nhiều câu từ khiêu khích.

Về vấn đề này, Kaur chia sẻ: “Tôi nhớ mình đã ngồi trong thư viện trường trung học, lật giở những cuốn sách về tấn công tình dục vì tôi không có ai khác để tìm đến. Đây là thực tế đối với nhiều sinh viên, và chúng ta chỉ dễ dàng thoải mái, cởi mở khi hiểu rõ về vấn đề này hơn bằng cách tìm đọc qua những trang sách. Tôi lo lắng cho những người thực sự tìm kiếm những cuốn sách này bởi vì họ đang phải tự mình trải qua những điều đó.”

Đây không phải là lần đầu tiên Kaur lên tiếng về việc này. Vào năm ngoái, cô nàng cũng đã đăng trên instagram cá nhân khi bày tỏ sự tiếc nuối và quan ngại khi “Milk and Honey” bị lấy khỏi giá sách của các trường học ở hai bang Texas và Oregon. “Thật đáng tiếc và đáng lo ngại khi chứng kiến những bài thơ viết về sự trải nghiệm, sự ngược đãi, những tổn thương mà người phụ nữ phải chịu đựng… bị cấm. Thât sự đáng sợ khi cố gắng tiến về phía trước” – Kaur chia sẻ.

Được biết, thơ của Rupi Kaur nội dung tập trung chủ yếu vào tình yêu, các mối quan hệ, nữ quyền, sự trân trọng nét đẹp của người phụ nữ và những trải nghiệm cuộc sống nhập cư của người gốc Ấn,… Rupi Kuar có lượng người theo dõi đông đảo trên mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, cô được cho là người đi đầu trong Instapoets – thể loại thơ ngắn, tập trung và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm nền tảng, mà cụ thể là Instagram để tiếp cận độc giả. 

Cô bắt đầu sự nghiệp của mình với những bài thơ tự đăng lên Tumblr vào năm 2012 và rồi chuyển sang Instagram kèm các hình minh họa theo chủ đề đơn giản vào năm 2014. Cũng từ đây, tên tuổi nữ thi sĩ trở nên vụt sáng sau một bài đăng khiến mạng xã hội Instagram dậy sóng.

Bức ảnh giúp phá vỡ những định kiến về kỳ kinh nguyệt

Vào năm 2015, Rupi Kuar khiến Internet dậy sóng khi đăng tải hình ảnh một cô gái nằm ngủ say trên giường, điều đặc biệt của bức ảnh là trên chiếc quần cô gái ấy đang mặc và trên tấm ga giường sáng màu có dấu vết của “ngày đèn đỏ” bất chợt tới. 

Được biết, bức ảnh nằm trong dự án cho khóa học hùng biện bằng hình ảnh của cô tại trường học với tên gọi “Period” (tạm dịch: kỳ kinh nguyệt). Vốn dĩ, mục đích mà Kuar và chị gái thực hiện bộ ảnh là tạo cho thế giới một cái nhìn khác thoải mái hơn về hiện tượng sinh lý này của phái đẹp. Tuy nhiên, vì chế độ kiểm duyệt nên bức ảnh của cô đã bị Instagram gỡ xuống hai lần với lý do không tuân theo các điều khoản dịch vụ của trang web và hình ảnh có chứa yếu tố nhạy cảm. 

Điều này dường như đã thách thức Kuar khi cô công khai tố cáo Instagram trên Facebook và Tumblr để đòi lại bức ảnh của mình. Cô cho rằng việc trang web xóa bỏ bức ảnh đó chỉ đang thể hiện họ là những người gia trưởng, sợ hãi và ghét bỏ kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Bài chia sẻ này của nữ nhà thơ đã thu hút ba triệu lượt xem trong vòng chưa đầy một ngày và tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. 

Cuộc đấu tranh của Rupi Kuar đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, khiến cô tình cờ trở thành một biểu tượng của phong trào nữ quyền. Kết quả, Instagram đã trả lại cho Kuar những hình ảnh, đề cập đến việc xóa nhầm và thậm chí xin lỗi cô vì sự hiểu lầm. Sự việc kết thúc khiến nữ nhà thơ được có thêm nhiều người theo dõi và ngưỡng mộ công việc của cô.

Trong một bài viết, Kaur đã chia sẻ rằng: “Tôi phải cảm ơn Instagram vì đã trả lại bức ảnh cho tôi. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng, người phụ nữ ở trong đó vẫn mặc quần áo đầy đủ và không hở hang gì nên nó không hề phản cảm. Đây chỉ là hiện tượng tự nhiên của bất kỳ chị em nào và nó còn giúp cho loài người duy trì được nòi giống. Nó chỉ không thường xuyên bằng việc chúng tôi thở mỗi ngày mà thôi”.

Hãy lên tiếng, bình thường hóa những điều vốn dĩ rất bình thường

Chia sẻ về nguồn cảm hứng thực hiện dự án “Period”, Rupi Kuar cho biết: “Tôi tự hỏi tại sao tôi phải vội vã giấu đi băng vệ sinh của mình và tại sao tôi trở nên xấu hổ khi nói với mọi người rằng tôi bị đau vì có kinh nguyệt. Cứ như thể có nó là một điều tồi tệ. Sâu xa hơn thế, một số phụ nữ không thể lại gần các nơi thờ cúng, rời khỏi nhà hoặc nấu nướng cho gia đình họ trong kỳ kinh nguyệt vì họ bị chê là “không sạch sẽ”. Và chúng tôi rất dễ bị cười nhạo ở nơi công cộng nếu chuyện tới kỳ bị phát hiện…”

Chính vì cái nhìn khắt khe của xã hội đối với kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đã đốc thúc Kuar tạo nên dự án này. Có thể thấy cô nàng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người và trở thành biểu tượng đáng ngưỡng mộ cho sự dũng cảm dám đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi của mình. 

Nói về “bà dì”, trên thực tế nó chỉ là một cơ chế sinh lý hóa bình thường của phái nữ, là đặc quyền nhưng cũng có thể mang kèm những gánh nặng về mặt thể chất. Bạn không cần phải che giấu hay hét lên với cả thế giới rằng mình đang “tới tháng”, chỉ đơn giản là bình thường hóa nó, không tránh né hay có bất cứ suy nghĩ gì về “period-shaming”. Luôn nhớ rằng bạn không có lỗi trong việc này, cơ thể của chúng ta đôi khi kỳ lạ và khó hiểu, nhưng chúng cũng là thứ duy nhất chúng ta có, vì vậy hãy yêu thương và chăm sóc cơ thể thật tốt. 

Đứng trước những quan niệm lệch lạc hay cái nhìn phiến diện về vấn đề tâm sinh lý – sức khỏe của mình, phái nữ cần đứng lên hành động vì bản thân. Hãy bình thường hóa những điều vốn dĩ rất bình thường, hãy dũng cảm lên tiếng, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chúng ta sẽ dễ dàng để kết nối với nhau hơn. Những điều e ngại khi nhắc đến về lâu dài sẽ trở thành điều cấm kỵ, và chỉ khi bạn dám đứng lên phá vỡ, chúng mới dễ dàng được thấu hiểu và đồng cảm. 

 

Tác giả: Thu Thủy

24/05/2023, 15:00