Những năm gần đây, hát nhạc xưa trở thành một thứ mốt của các giọng hát kỳ cựu và cũng chứng tỏ được giá trị, ít ra về thương mại. Nước lên thuyền lên, một số giọng hát trẻ cũng tìm được chỗ đứng của mình từ dòng nhạc sang cả, nhưng xưa cũ.
Chàng ca sĩ điển trai người Canada Michael Buble đã xuất hiện trong chương trình American Idol mùa giải thứ 6, hát bài “Call Me Irresponsible” thay cho ca sĩ lão thành Tony Bennett không dự show này được.
Năm 2006, Micheal đã từng song ca với Tony bài “Just In Time” trong album “Duets: An American Classic”. Đây cũng là một đĩa thuộc dạng khơi lại dòng nhạc xưa. Các album song ca thường được ghi âm các giọng hát riêng lẻ, sau đó các nhà sản xuất sẽ khéo léo trộn vào nhau, thậm chí giữa một người còn sống và người đã mất như trường hợp của cha con Nat King Cole và Natalie Cole trong album “Unforgettable… with Love” năm 1991.
Nhưng với album “Duet”, đích thân Tony Bennett xuất hiện bằng xương bằng thịt, khi ghi âm với những người hát chung.
Sau khi sáng tác một bài mới (“Home”) trong album trước và trộn lẫn vơæi các ca khúc cũ xưa khá hợp, Michael thừa thắng xông lên, lần này với bài “Everything” và “Lost” rồi tự tin phát hành “Everything” thành đĩa đơn đầu tiên từ album. “Everything” xếp hạng 46 trong Top đĩa đơn Billboard, con số không thật sự ấn tượng nhưng là thứ hạng cao nhất mà Michael từng đạt được.
Lần xuất hiện của Michael ở American Idol không thật sự thành công bởi ngày hôm sau, báo giới đặt nghi vấn không biết Michael có bị xỉn không mà “ăn nói lắp bắp và hay cười ngây ngô”(!) nhưng sức hút của Michael vẫn rất mạnh mẽ.
Ở bảng xếp hạng album, Michael có thành tích ấn tượng hơn nhiều. Album đầu mang chính tên Michael Buble năm 2003 lọt vào Top 10 ở Anh, Úc và quê nhà Canada nhưng thất bại ở thị trường Mỹ. Đến album thứ 2 “It’s Time” năm 2005, thứ hạng được cải thiện rõ rệt, hạng 7 và bán được hơn triệu bản.
Đến album thứ 3, “Call Me Irresponsible” (phát hành đầu tháng 5/2007) xếp hạng 2 ở tuần đầu và lên hạng 1 ở tuần thứ 2. “Call Me Irresponsible” cũng gồm những ca khúc cũ, từ thời xa xưa của jazz swing như "Dream", "I’ve Got the World on a String", "Always on My Mind" cho đến quen thuộc như "Wonderful Tonight"… Album có phần song ca với nhóm nhạc một thời lẫy lừng Boyz II Men và nghệ sĩ nhạc jazz Brazil Ivan Lins.
Sau các bậc đàn anh như Rod Stewart, Barry Manilow, Michael McDonald; năm 2007, đến lượt Donny Osmond tìm lại dòng nhạc thập niên 70. Thời hoàng kim của nhóm the Osmonds mà Donny là gương mặt thu hút nhất chính là thập niên 1970. Donny tìm lại thời ấu thơ của mình với những bài hát khá quen thuộc như “When I Need You”, “How Deep Is Your Love”… Thật ra, năm 2003, Donny cũng đã có album “Somewhere in Time: Classic Love Songs” cũng gồm những bản nhạc pop đầy giai điệu.
Đến lượt các bậc đàn chị cũng đang tìm về chốn xưa. Carly Simon đã từng thử mình vài lần với hát cover, lần gần đây nhất là album “Moonlight Serenade” đầy đặn với dàn đàn dây.
Với “Into White” năm 2007, chất nhạc sang cả ở “Moonlight Serenade” được lược bỏ, chuyển sang mộc mạc và giản dị của folk. Các tác phẩm quen thuộc của Cat Stevens, Judy Garland, Beatles, Everly Brothers được Carly mềm mại thể hiện theo cách của mình. Album leo lên được đến hạng 13 Top Billboard.
Patti Smith, nhà thơ nữ của nhạc rock, thì chọn ra 12 ca khúc để cover cho album “Twelve”. Tầm lựa chọn của Patti rất rộng, từ các nhóm dễ dàng tìm thấy ảnh hưởng đến âm nhạc của cô như The Rolling Stones, Jimi Hendrix, Bob Dylan, một số lạ lẫm hơn như Paul Simon, Nirvana, Jefferson Airplane, Neil Young và cả những gương mặt không ngờ tới như The Allman Brothers Band, Stevie Wonder, Tears for Fears.
Bên cạnh việc hát lại nhạc xưa còn có một dòng chảy ngược khác là các nghệ sĩ cựu trào hát nhạc mới, đặc biệt là nhạc rock. Cách đây vài năm, Paul Anka đã làm sững sờ người hâm mộ khi hát lại “Smell Like Teen Spirit” của Nirvana, “Black Hole Sun” của Soundgarden hay “Wonderwall” của Oasis theo kiểu swing.
Trước đó, năm 1997, người yêu nhạc xưa lẫn yêu nhạc rock cũng ngỡ ngàng khi thần tượng tuổi teen một thời Pat Boone chuyển sang hát nhạc metal. Nếu như một số lựa chọn của Paul Anka còn có chất swing tiềm ẩn (như "The Way You Make Me Feel" của Michael Jackson, "Lovecats" của The Cure) thì album “In a Metal Mood: No More Mr. Nice Guy” của Pat Boone chơi toàn rock nặng như "It’s a Long Way to the Top (If You Wanna Rock ‘n’ Roll)” của AC/DC’s, The Wind Cries Mary" của Jimi Hendrix hay "Crazy Train" của Ozzy Osbourne.
Thậm chí các gương mặt trình diễn bản gốc cũng được mời như Richie Blackmore chơi đàn trong "Smoke on the Water" còn Ronnie James Dio thì góp giọng "Holy Diver". Johnny Cash trước khi qua đời đã có thành công cuối cùng với bài “Hurt” hát lại của nhóm Industrial metal Nine Inch Nails.
Việc hát lại những bài hát xưa không hẳn là nguồn sáng tác hiện nay cạn kiệt. Với các cây bút như Carly Simon hay Patti Smith, việc ghi âm lại các ca khúc cũ là một cách tự làm mới mình đồng thời tôn vinh những giá trị cũ, những nghệ sĩ, bài hát đã mang lại cho họ tình yêu âm nhạc và có ảnh hưởng đến phong cách âm nhạc của họ.
Trí Quyền |