Mạng Internet phát triển dẫn tới sự hòa nhập mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Sự thay đổi này càng rõ nét ở những quốc gia vốn nặng về nghi thức truyền thống như Việt Nam, Trung Quốc. Cho đến tận bây giờ, trong quan niệm của những quốc gia này, hôn lễ là việc vui trọng đại của đời người, thế nên mọi chuyện trong ngày hôn lễ phải đều tốt đẹp với mong muốn cô dâu chú rể sẽ sống với nhau đến răng long đầu bạc, cuộc sống hôn nhân của họ sẽ gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Vậy nên ngoài việc lựa chọn ngày tốt, những vật dụng sử dụng trong ngày cưới cũng phải có mục đích ấy.
Cái chết là điều mà không ai trong chúng ta mong muốn. Đám tang là nơi chúng ta thể hiện sự đau buồn khi phải tiễn biệt người thân. Nghĩ đến đám tang, người ta nghĩ ngay đến muộn phiền. Trong quan niệm của người phương Đông, những vật dụng liên quan đến đám tang thường là những vật không mang lại may mắn.
Đám cưới và đám tang là hai thái cực của cảm xúc: Bên này vui còn bên kia buồn. Những vật dụng của đám cưới sẽ chẳng bao giờ được sử dụng trong đám tang và ngược lại, càng không thể đem những vật dụng của đám tang vào một đám cưới. Thế nhưng, có một cặp vợ chồng ở Đài Loan đã phá vỡ những quan niệm truyền thống ấy khi sử dụng… xe tang làm chiếc xe rước dâu trong đám cưới của mình.
Đám cưới kỳ quặc
Đầu tháng 2/2013, đám cưới của chú rể Hầu Minh Tu và cô gái Đới Vân Hiên đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân trên đường khi sử dụng xe tang làm xe rước dâu trong hôn lễ của mình. Chú rể Hầu Minh Tu và cô dâu Đới Vân Hiên đều đã tốt nghiệp đại học ở Đài Loan. Họ quen nhau khi cả hai bắt đầu nhập học, 6 tháng sau đó họ yêu nhau. Cuối năm 2012, họ quyết định làm đám cưới sau khi đã tốt nghiệp đại học.
Đoàn xe rước dâu, dẫn đầu là một chiếc xe jeep và theo sau, 6 chiếc xe tang được trang hoàng hoa cưới và dán chữ song hỉ đã gây chú ý cho người dân trên cả quãng đường dài 8km giữa nhà chú rể Hầu Minh Tu và cô dâu Đới Vân Hiên.
Người thân của chú rể Hầu Minh Tu cho biết, gia đình họ làm nghề tổ chức tang lễ nên họ đã tận dụng 6 chiếc xe dài chuyên dùng trong các đám tang làm xe rước dâu. Không chỉ gây sự chú ý với người dân bằng đám cưới toàn xe tang mà cô dâu chú rể cũng đi ngược lại các quan niệm truyền thống khi chọn một ngày xấu để tổ chức hôn lễ của mình. Cả cô dâu và chú rể đều cảm thấy rất phấn khích với đám cưới của mình, họ chia sẻ trên mạng rằng đây là một kỷ niệm khó quên đối với họ. Đám cưới không chỉ thu hút sự chú ý của đông đảo người dân ở thành phố Đài Nam mà còn thu hút nhiều ý kiến khác nhau của cư dân mạng và cả giới truyền thông ở thành phố này.
Những đám cưới chỉ có ở thời Internet
Những đám cưới kỳ quặc như rước dâu bằng xe trâu, xe công nông như ở Việt Nam hay rước dâu bằng xe tang bắt đầu xuất hiện từ khi Internet bùng nổ với các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.
Những đám cưới như thế không chỉ gói gọn trong quy mô một địa bàn nhỏ mà nhanh chóng được lan rộng nhờ sự tiếp sức của các mạng xã hội. Trong một xã hội mở với sự kết nối mạng Internet như hiện nay, cách làm của cặp cô dâu chú rể này bị nhiều người đánh giá là “làm hàng, câu khách” với mục đích được nổi tiếng.
Nếu như trước đây, người phương Đông sống nặng truyền thống lễ giáo, thường ít chấp nhận sự khác biệt, họ chọn cách làm giống như mọi người để kỷ niệm những ngày hạnh phúc của mình thì hiện nay, giới trẻ bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Theo cách nhìn nhận của nhiều người, họ sống cá nhân hơn và nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn, nhưng nhìn theo một cách khác, họ biết cách thể hiện mình hơn và dám sống cho bản thân mình hơn là ép mình vào những mô thức truyền thống của cộng đồng.
Hầu hết chủ nhân của những đám cưới trên đều là những người trẻ, họ đến với nhau vì tình yêu và muốn kỷ niệm ngày kết hôn của mình theo một cách riêng, đặc biệt chứ không mờ nhạt trôi qua như bao nhiêu đám cưới khác. Cô dâu Đới Vân Hiên và chú rể Hầu Minh Tu nói rằng: “Đám cưới với chúng tôi là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ, nó nhắc nhở chúng tôi phải cùng nhau cố gắng, cùng nhau có trách nhiệm với cuộc hôn nhân của mình”.
Thách thức hủ tục và định kiến
Trên mạng Internet, người ta từng sửng sốt trước sự khoe mẽ của nhiều người khi họ lãng phí hàng tỉ đồng để tổ chức tiệc cưới cho con cái bằng cách thuê những đoàn siêu xe chạy dọc phố phường để khoe mẽ sự giàu có hoặc mời những ca sĩ “khủng” đến đám cưới của con để biểu diễn. Những đám cưới như vậy nhanh chóng trở thành đề tài hot trên các phương tiện truyền thông đại chúng và khiến cho không ít những người dân bình thường chiếm đa số trong xã hội phải ngậm ngùi. Những đám cưới thường dân không bao giờ được biết đến, còn những đám cưới tiền tỉ được tung hô trong một xã hội mà giá trị vật chất càng ngày càng lấn át những giá trị tinh thần.
Đám rước dâu bằng công nông ở ngoại ô Hà Nội hay rước dâu bằng xe trâu ở Nghệ An cũng nhanh chóng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cư dân mạng sau khi được đưa lên các mạng xã hội. Những đám cưới ấy nhận được nhiều lời chúc phúc của những người đồng cảm. Họ tin rằng, hạnh phúc và tình yêu vẫn có thể tồn tại mà không cần đến quá nhiều vật chất.
Trở lại đám rước dâu bằng xe tang ở Đài Loan, đôi trẻ chọn một ngày xấu, chọn xe tang (vốn bị cho là xui xẻo) trong đám cưới của mình như để thách thức lại những hủ tục, những quan niệm đầy định kiến của người phương Đông. Cô dâu Đới Vân Hiên và chú rể Hầu Minh Tu dường như muốn gửi tới mọi người một thông điệp ngầm: “Chúng tôi tin rằng, những chiếc xe tang hay một ngày xấu không thể là thủ phạm giết chết tình yêu, không thể khiến cho một cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt. Một cuộc hôn nhân chỉ tan vỡ khi những người tham gia vào cuộc hôn nhân ấy không còn tin vào tình yêu nữa”.
Rước dâu bằng xe tang
Và với đám cưới bị coi là “kỳ quặc” của mình, phải chăng những người trẻ đang muốn dùng tình yêu để “tuyên chiến” với những quan niệm cũ kỹ, già cỗi trong xã hội phương Đông?
Theo Đang yêu