Rùng mình lo lạm phát quay lại

Đánh giá mới nhất của Tổ điều hành Thị trường trong nước cho thấy, mặc dù mức tăng CPI tháng 1/2013 không quá cao so với các năm gần đây. Tuy nhiên, nếu không có sự điều hành quyết liệt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là rất khó khăn.

Thực tế, lo ngại lạm phát bùng phát trở lại đã được rất nhiều chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu cảnh báo sau khi có những số liệu giá cả đầu tiên của 2013. Điều này trở nên đáng lo hơn khi xu thế điều chỉnh tăng giá các hàng hóa dịch vụ cơ bản vẫn tiếp tục, việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế lại đang được giới DN, nhà đầu tư kỳ vọng.

Ông Nguyễn Đức Thành – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế Hà Nội, chỉ số CPI năm 2013 có thể tăng tới 10% chứ khó đạt mức 6-6,5%. Lý do, ông Thành cho rằng năm 2012, CPI giảm chủ yếu do giá lương thực giảm, nhu cầu yếu… Trong khi đó, năm 2013 lại có nhiều yếu tố tăng, như tăng lương, điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than… Vì vậy, chỉ cần giá lương thực không giảm thì CPI sẽ dễ dàng đạt mức 10%!.

 

Số liệu từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013 cho biết, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 21/1/2013 ước tăng 0,17% so với tháng 12/2012. Trong tháng 2/2013 tổng phương tiện thanh toán cũng sẽ tăng thấp, lý do trùng với thời điểm Tết.

Theo kế hoạch đề ra của NHNN thì tổng phương tiện thanh toán ( M2) trong cả năm 2013 dự kiến tăng từ 14%-16%. Với tốc độ tăng chậm trong những tháng đầu năm, nếu muốn giữ đúng kế hoạch thì buộc phải dồn vào các tháng cuối năm. Và đây được cho là một áp lực lên lạm phát, khó duy trì ở con số thấp.

Cũng theo số liệu từ phiên họp báo Chính phủ thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tháng 1/2013 ước giảm 1,06% so với tháng 12/2012. Theo kế hoạch của NHNN tín dụng cả năm 2013 sẽ phải tăng khoảng 12%, bình quân tăng mỗi tháng 1%.

Với mong muốn mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường ngay từ quý I/2013. Nhưng hiện tín dụng lại tăng trưởng âm trong tháng đầu năm lại làm dấy lên nối lo ngại dồn vào các tháng cuối năm và lại gây áp lực lên lạm phát?

Trong khi đó, thời gian qua NHNN mua lại từ các TCTD lượng ngoại tệ lớn. Cụ thể cả năm 2012 đã mua vào 15 tỷ USD. Đặc biệt trong 2 tháng cuối năm 2012 đã mua vào tới 5 tỷ USD. Tháng 1/2013 cũng vậy, chưa đầy tháng cũng đã mua vào là khoảng 2 tỷ USD. Như vậy một lượng lớn tiền đồng lên đến trên 140.000 tỷ đã được cung ra trong gần 3 tháng qua liệu có gây áp lực lên lạm phát?

Với những nhân tố trên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này sẽ khó giữ và lạm phát 2013 như mức đề ra. Ngay tháng 1 lạm phát đã tăng 1,25% và năm 2013 lại thêm việc tăng lương tối thiểu vào giữa năm cùng với một loạt các mặt hàng như điện, xăng dầu lương thực… cũng nằm trong lộ trình tăng giá.

Các chuyên gia cho rằng, thông thường, diễn biến lạm phát trong hai tháng đầu năm (thời điểm Tết dương lịch – âm lịch) sẽ phần nào nói lên được con số cả năm. Các thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm thường chiếm khoảng 20 – 30% so với cả năm; riêng năm 2012, tỷ trọng này tăng vọt lên gần 35%.

Lịch sử giá cũng cho thấy, chỉ số giá tháng 2 thường cao hơn so với tháng 1; theo đó, với ước tính này, thì chỉ số giá hai tháng đầu năm 2013 sẽ xấp xỉ mức 3%. Như vậy, với CPI tháng 1 vừa được công bố tăng 1.25%, dấu hiệu đe dọa lạm phát mục tiêu trong năm 2013 đã xuất hiện.

Vì vậy các chuyên gia cũng khuyến cáo cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng. Các chuyên gia nhấn mạnh chống lạm phát không nên đi vào vài điểm phần trăm mà cần đi vào những giải pháp dài hạn, căn cơ hơn để tránh “chu kỳ” một năm giảm hai năm tăng, năm nay giảm nhưng năm sau lại tăng bù…

Một báo cáo vừa công bố của ngân hàng HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam bước vào năm 2013 với một nền móng khá vững, nhưng vẫn cần tới sự thận trọng, nhất là trong vấn đề lạm phát. HSBC đánh giá rằng, lạm phát cơ bản (lõi) còn ở mức cao là 12,6% trong tháng 1, so với mức 12,2% vào tháng 12 năm ngoái. Theo báo cáo, việc lạm phát cơ bản cao hơn, đi cùng với giá dầu tăng, đồng nghĩa với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng mạnh nếu lạm phát giá lương thực cao hơn.

Đến nay, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để đưa nền kinh tế đi theo đúng hướng, bao gồm ưu tiên ổn định vĩ mô hơn tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, lạm phát sẽ được coi là một thước đo về năng lực điều hành và cam kết của Chính phủ.

Theo VEF

From the same category