Rúng động thịt giả có chứa chất gây ung thư

Bộ Công an Trung Quốc cho biết 50 tấn thịt giả đã bị tịch thu tại xưởng chế biến thịt ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh. Thịt bò và thịt cừu được làm giả từ thịt vịt giá rẻ để giảm giá thành, sau đó tẩm ướp một lượng lớn các loại phụ gia thực phẩm độc hại và mỡ cừu nhập khẩu từ New Zealand để đánh lừa vị giác người tiêu dùng.

Qua kiểm tra, mẫu một số loại thịt bò và cừu giả còn chứa lượng nitrit ở mức 8,69 gram trong 1kg – cao gấp 2.000 lần tiêu chuẩn đối với thịt tươi và đông lạnh – cùng nhiều hóa chất, thuốc nhuộm, chất kết dính chứa kim loại nặng có khả năng gây ung thư. Đối với người lớn, chỉ cần ăn 3 gram nitrit là có thể dẫn đến tử vong.

Xưởng sản xuất nói trên đã bán một số lượng thịt giả cho các nhà hàng nhỏ trong khu vực. Đến nay, cảnh sát thu hồi hầu hết số thịt giả này, đồng thời bắt giữ 34 người có liên quan. Ông Yu Shaoming – Giám đốc Sở Thông tin Liêu Dương cho biết xưởng sản xuất đã bị đóng cửa, tước giấy phép kinh doanh. Ông Yu nói rằng mặc dù xưởng có giấy phép hợp pháp, song họ sản xuất thịt giả bí mật. “Họ rất xảo quyệt. Chúng tôi đến đây nhiều lần trong suốt 2 tháng qua, nhưng không phát hiện được vi phạm nào”. Một nhân viên giấu tên cho biết xưởng đã ngừng sản xuất khoảng 1 tuần trước.

Thịt giả và thịt thật (phải).

Sau khi vụ việc bị phanh phui, tình hình kinh doanh thịt cừu và thịt lợn giảm hẳn, mặc dù đây là mùa bán thịt chạy nhất năm bởi người dân vùng đông bắc Trung Quốc thích ăn lẩu trong 4 tháng mùa đông. “Tôi thường bán được 50kg thịt cừu thái lát mỗi ngày, nhưng hôm nay chỉ bán được 20kg” – một tiểu thương nói. Ông Li Chenquan, chủ nhà hàng lẩu ở Thẩm Dương cho hay ông biết hầu hết thịt cừu thái lát không phải là cừu thật. “Đấy là một bí mật trong kinh doanh. Thịt cừu thật rất đắt, do đó chúng tôi sẽ chẳng có lãi nếu dùng thịt cừu xịn. 1kg thịt giả có giá chưa đến 20 nhân dân tệ, trong khi thịt cừu thật có giá từ 40-60 nhân dân tệ” – ông Li thừa nhận và nói rằng đã mất khoảng 20% khách hàng kể từ khi vụ bê bối vỡ lở.

Tuy nhiên đến ngày 4.2, giới chức địa phương vẫn chưa nhận được báo cáo nào về tình trạng ngộ độc do dùng thịt giả. Ông Liu Tong thuộc trung tâm bán buôn nông sản Xinfadi ở Bắc Kinh cho rằng dường như những sản phẩm thịt độc hại chưa được tuồn vào thủ đô bởi các nhà cung cấp thịt cừu và thịt bò chính cho Bắc Kinh là ở Sơn Tây, Sơn Đông và Nội Mông.

Thịt cừu giả được đóng gói.

Giáo sư Hou Shuisheng thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết không dễ dàng để người tiêu dùng phát hiện thịt cừu và bò giả. “Về cảm quan, rất khó nhận biết sự khác biệt giữa thịt vịt, thịt cừu và thịt bò. Khi tẩm ướp mỡ cừu, chúng có hương vị gần như nhau. Hiện chất nitrit có thể được sử dụng như một chất phụ gia thực phẩm dùng để bảo quản trong quá trình chế biến thịt. Tuy nhiên, do chất hóa học này có thể gây ung thư, nên cần có sự giám sát chặt chẽ của chính phủ – ông Hou nói.
Trong 1 tháng truy quét vừa qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 350 nghi phạm liên quan đến 120 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, triệt phá hơn 200 cơ sở sản xuất trái phép. Chiến dịch truy quét này sẽ kéo dài hết năm 2013, tập trung vào các loại thực phẩm dễ bị làm “bẩn” như dầu ăn, thịt, sữa, giá đỗ…

(Theo Lao động)


From the same category