Rửa bát không phải chức phận của đàn bà - Tạp chí Đẹp

Rửa bát không phải chức phận của đàn bà

Tin Tức

Hôm nay, ông già “Khốt-ta-bít” như tôi, nay đã 78 tuổi, vẫn thấy như còn trẻ trung lắm. Mà ông đạo diễn Lê Hoàng và cô nhà văn Trang Hạ khéo bày trò… tranh luận. Theo tôi, không phải tranh luận nữa làm gì, đã hai năm rõ mười rồi, trắng ra trắng đen ra đen rồi, khỏi phải tốn thì giờ và giấy mực tranh luận.

Nói vậy thôi, trên đời này, có nhiều vấn đề tưởng như đơn giản, tưởng như đã trở thành chân lý từ lâu hoá ra vẫn còn rắc rối như mớ bòng bong, cần tranh luận tiếp, vì tranh luận cũng là làm sáng tỏ một vấn đề cuộc sống chứ không phải chỉ là để “trà dư, tửu hậu” đâu. Trang Hạ công tác ở nước ngoài nhiều, chắc chắn “biết” uống rượu hơn nhiều phụ nữ khác.

Vậy thì “đàn bà” có nên “sánh vai” cùng đàn ông “uống rượu” không ? Bây giờ, người ta mạnh mồm bênh vực và “đòi” lại quyền “được rửa bát” của đàn ông. Tôi hỏi ông Lê Hoàng, ông có quyền được rửa bát này từ khi nào và ai cho ông cái quyền đó?
                                             
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại, cách đây trên dưới ba chục năm gì đó, dạo ấy bên Thụy Điển có ông Thủ tướng tên là Pa-mơ, một vị Thủ tướng hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, sau mỗi buổi làm việc, thực hiện công quyền của một Thủ tướng, một người đàn ông, Pa-mơ lại tự tay lái xe cùng bà vợ… ra chợ mua rau. Ông Pa-mơ coi đó là điều thú vị và rất tự nhiên, không phải là việc có tính chất chia sẻ với vợ, với phụ nữ. Rất tiếc, ông Pa-mơ mất sớm, nếu không thì ông còn nêu nhiều tấm gương cho phái mày râu nhập tâm.

 

Rửa bát không phải là “chức phận” của đàn bà (Nguồn Internet) 

Con người ta sống trên đời cần rất nhiều thứ, làm rất nhiều thứ, học rất nhiều thứ. Để che đậy một cái gì đó, người này viện lý do này, người kia viện lý do khác, để rồi trốn tránh những công việc thường ngày trong gia đình và trong xã hội.

Đàn ông, nhất là đàn ông ở một nước còn ảnh hưởng sặc mùi phong kiến như nước ta chẳng hạn, tự cho mình phải là “quyền cao chức trọng”, phải gánh vác việc to lớn, vĩ đại, phải là những ông tướng, không phải là những người đảm đương những việc tầm thường, nhất là những việc “nội trợ” quanh xó bếp!

Việc “quanh xó bếp” là của đàn bà. Các bà ấy tranh lấy phần rửa bát, lau nhà là đúng với “chức phận” trời phú của họ. Thế là “bọn đàn ông” mặc nhiên “ăn xong ngồi đi văng đọc báo” mặc cho vợ, con dâu, con gái dọn dẹp, lau nhà rửa bát…tóm lại là “nôi trợ”. Mà những công việc nội trợ ấy đàn ông biết mình có thể làm thừa sức, làm được nhiều, không chỉ là chia sẻ với vợ mà còn phải là nghĩa vụ.

Nhưng khi nào thì đàn ông lấy việc rửa bát làm nghĩa vụ, nghĩa vụ một cách tự giác, nghĩa vụ một cách hứng thú. Ô, rửa bát, đi chợ mua rau, lau nhà, đánh ấm chén, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí giặt quần áo, kể cả quần áo cho vợ… là những việc làm “đầy chất thơ”, có thể làm ấm lên một cách rất thú vị không khí gia đình, làm cho những trái tim yêu đương thêm nồng cháy.

Thời gian gần đây, chính trường nhiều nước trên thế giới, người ta thấy ngày càng nhiều những vị nguyên thủ, tổng thống, Thủ tướng là “đàn bà”. Không phải những “nữ nghệ sĩ” giỏi giang mới là người nổi tiếng, làm mát mặt mấy đức ông chồng mà “những chính khách” là phụ nữ cũng làm “mát hơn” những cái ghế nóng chính trị.

Tôi còn lưu và thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía chùm ảnh bà Thủ tướng Thái Lan dạo sang thăm Việt Nam gần đây đã dành thời gian dạo phố, mua sắm. Thì ra, là Thủ tướng một quốc gia khá nổi tiếng sang thăm một nước bạn vẫn là người thích đi chợ mua sắm.

Trong nhiều mẩu chuyện cảm động về Bác Hồ khi Người còn sống, do Thư ký riêng Vũ Kỳ kể lại, Bác có lần vẫn “lẻn” đi chợ Đồng Xuân xem dân tình ra sao. Những chuyến “thâm nhập” ấy giúp cho Người thương dân hơn. Dạo còn chiến đấu chống chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra, tôi công tác ở Thái Bình, cùng với cán bộ địa phương đón Phó Thủ tướng Tố Hữu về thăm huyện Thuỵ Anh. Qua huyện Kiến Xương, Phó Thủ tướng bảo anh em vệ binh ở lại, cần một cái xe com măng ca gồm lái xe, tôi và một thư ký đi theo, “không cần ồn ào”, đồng chí nói vậy.

Trên thế giới, vào năm nay, có thêm Bà Tổng thống Hàn Quốc. Như thế là Châu Âu, Châu Mỹ La tinh, Châu Á, Châu Úc… đều có “đàn bà” làm Thủ tướng và Tổng thống. Đấy là những nhân vật nữ của thời đại và không ít bà làm nên công chuyện vĩ đại, như bà Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức chẳng hạn.

Trở về với việc “các bà, các chị tranh mất phần rửa bát” đáng lẽ công việc ấy là của đàn ông. Làm công sở, làm giám đốc, làm ngân hàng tầm cỡ thế giới, nhiều bà đã và đang làm rất tốt. Ở nước ta, chúng tôi chỉ mong có một chị làm Trưởng Ban phòng, chống tham nhũng, Ban Kinh tế. Chắc chắn với đức độ thiên bẩm của các bà các chị chắc chắn sẽ được việc hơn ở những vị trí này.

Vâng, còn riêng tôi, nay đã 78 tuổi, còn khá khoẻ mạnh, vợ tôi hằng ngày còn phải chạy chợ thêm vào thu nhập lương hưu ít ỏi của tôi, tôi vẫn rất lấy làm thú vị khi “vào bếp” và càng thú vị sau mỗi bữa ăn xong tôi nhẹ nhàng nói: “Nào, bà ơi, ăn xong chưa để tôi còn rửa bát!”. Thế là chúng tôi cùng cười, cả đến thằng chắt bốn đời của tôi cũng rũ ra mà cười !…

Theo Vietnamnet

Nguyễn Thanh Hà

(78 tuổi, nguyên PV TTXVN, cán bộ hưu trí tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)

Thực hiện: depweb

10/01/2013, 11:45