Rosie Nguyễn: “Tự học giúp tôi hiện thực hóa những tiềm năng chưa rõ hình thù bên trong mình”

Là tác giả của 3 quyển sách “best-seller”, HLV Yoga, wanderer… cái tên Rosie Nguyễn không chỉ được nhiều người biết đến, mà còn là nguồn cảm hứng cho vô vàn đôi chân đi không mỏi. Thế nhưng, khi hỏi về một vai trò mà chị muốn bản thân ăn đời ở kiếp thì lại không phải là các cụm từ nêu trên, mà là một khái niệm người ta ít hình dung đến nhất: người tự học. Những chia sẻ của chị về vai trò mà chị đang theo đuổi trái với dự đoán của tôi, không hề đao to búa lớn hay viển vông mà xa vời mà lại rất trực diện và thực tế.

“Tôi là người rất thích tự giáo dục bản thân.”

Cách đây vài năm, khi nghe người đồng nghiệp chia sẻ về cuộc sống của mình, chị đã thốt lên “Cuộc đời mình chỉ có thế thôi sao?”. Vậy cuộc đời hiện tại của chị như thế nào?

Ngẫm lại, tôi thấy tiềm năng của mỗi người sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Làm sao tôi lường được mình sẽ trở thành một travel blogger, một cây bút best seller, rồi nhà phát triển thanh niên và hiện tại là đang du học tại Mỹ. Trước đó, vào thời điểm mới ra trường (năm 2009-2010), dù có một công việc ổn định nhưng tôi đã không cảm thấy hạnh phúc. Một hôm ăn tối cùng một chị đồng nghiệp và nghe chị tâm sự về mục tiêu có công việc ổn định, tiết kiệm tiền mua nhà, lấy chồng… như những người phụ nữ khác thì tôi bắt đầu không chịu được cái suy nghĩ, rằng mình cứ như vậy mà thỏa hiệp với việc sống đời sao chép như lựa chọn của số đông?

Rosie Nguyễn trong buổi ra mắt quyển sách đầu tay “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”.

Tôi nghĩ rằng bản thân mình có tiềm năng nhưng những gì ở hiện tại lại không giống với những gì mình hình dung. Bên cạnh mỗi năm đọc khoảng 60 quyển sách, tôi quyết định xách ba lô lên để tìm hiểu về thế giới bên ngoài, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng… Nói thẳng ra là thử hết tất cả mọi thứ để xem mình thích cái gì. Nhờ sự dám làm đó mà sở thích viết lách được khơi lại, quyển sách đầu tiên – “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” đã ra đời sau 4-5 năm đi liên tục như vậy.

Cách đây 4 năm, chị định nghĩa mình trong 3 cụm từ: “một người viết, một kẻ mộng mơ và một người yêu cuộc sống”. 4 năm sau, cũng tức là chị của năm 2020, chị vẫn định nghĩa về mình như thế chứ?

Không thay đổi nhiều chỉ là ít mộng mơ lại. Một trong những ưu điểm của tôi là luôn cố gắng để lạc quan và nhìn các vấn đề theo nhiều mặt khác nhau, nơi mà hai chiều suy nghĩ tích cực và tiêu cực luôn song hành. Tôi nghĩ hầu hết mọi người bước qua ngưỡng 30 sẽ nhận ra rất nhiều thứ về cuộc đời mình, những thứ làm được và không làm được, những thứ làm được nhưng không nên làm…

Năm 25-26 tuổi, Rosie đã đấu tranh rất nhiều với ba mẹ để không phải lấy chồng, sinh con, không phải cứ đến tuổi là phải an phận.

Từ du lịch đã mở ra rất nhiều cánh cổng mang tính bước ngoặt của đời chị như trở thành HLV Yoga, tác giả sách… Vậy du lịch đã giữ vai trò như thế nào với chị?

Tôi là người rất thích tự giáo dục bản thân. Du lịch có thể xem là phương pháp bổ sung vào hành trình tự học của tôi. Tôi đã chọn du lịch như một cách để bổ sung cho phần kỹ năng và sự hiểu biết còn nhiều khiếm khuyết của mình. Tôi không ủng hộ các bạn nghỉ học cấp ba hay đại học nhưng cũng không thể hoàn toàn dựa vào nền giáo dục chính quy bởi nó không đủ. Thay vì thất vọng vì không thể ứng dụng vào cuộc sống thì tại sao không tự trau dồi bản thân? Hơn ai hết, chúng ta mới chính là người có thể giúp chính mình hoàn thiện.

Rosie chia sẻ rằng du lịch giúp chị mở ra điểm mù trong tư duy, giúp ích rất nhiều trong công việc. Tuy nhiên, du lịch nhiều lắm với chị chỉ là một trong những mắc xích trong quá trình tự học của chị.

Đối với việc con gái quyết định bỏ lại mọi thứ sau lưng, một mình lên đường khám phá thế giới, mẹ chị đã phản ứng thế nào?

Lúc tôi nghỉ làm ở công ty để làm tác giả sách toàn thời gian, mẹ khổ tâm và khóc rất nhiều. Họ hàng ai cũng ngăn cản. Thay vì phải giải thích quá nhiều, tôi tập trung vào sự lựa chọn của mình. Tôi nghĩ mẹ bắt đầu cảm thấy tin tưởng con gái sau khi tôi thực hiện khá tốt các chương trình phát triển thanh niên, viết sách được độc giả đón nhận, xuất hiện trên tivi, mặt báo…

Quyết định nghỉ việc nghe thì như là một cái chớp mắt nhưng đó là một quá trình rất dài, từ tiền tiết kiệm đến tích lũy kỹ năng trong khoảng 2-3 năm. Mọi người nhìn vào chỉ đánh giá khoảnh khắc mình đưa ra quyết định, chứ hoàn toàn không để ý đến những biến chuyển trong nội tâm, sự thay đổi về nhận thức và tư duy của mình.

Rosie Nguyễn đưa mẹ phượt trên cung đường quanh co ở Hà Giang, đây là chuyến đi kỷ niệm cùng mẹ trước khi chị bắt đầu du học tại trời Tây.

Nhìn lại những chuyến đi của mình, có sự cố phát sinh nào mà chị nghĩ rằng bị đẩy đến cực hạn không?

Bị đẩy đến cực hạn thì chưa hẳn, còn rơi vào cảm giác tuyệt vọng thì có. Đó là chuyến đi Lào cùng mẹ. Hai mẹ con du lịch với tâm thế thoải mái, không chuẩn bị gì nhiều vì ai cũng nói Lào an toàn, người dân theo Phật nên họ rất hiền lành. Nhưng vào đúng cái hôm tôi với mẹ đến Luông Pha Bang để tìm nhà nghỉ thì bị cướp giật đồ (cười). Mẹ bị mất hết tiền, điện thoại, hộ chiếu. Trước đó tôi đưa tiền cho mẹ rất nhiều vì sợ mẹ bị lạc, nên bản thân cũng không còn bao nhiêu tiền.

May mắn được người quen giới thiệu kết nối với các cô chú ở hội người Việt ở Lào nên mọi chuyện sau đó được thu xếp ổn thỏa. Bình thường tôi đi một mình thì rất cẩn thận nhưng đi với mẹ không hiểu sao lại lơ là. Cái suy nghĩ mẹ không có giấy tờ về nước khiến mình sợ thật sự, cảm thấy rất tuyệt vọng.

Ngoại trừ du lịch, đâu là khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời chị?

Chính xác là khoảnh khắc tôi quyết định cầm lại quyển sách để đọc sau một khoảng thời gian dài quên lãng việc đọc. Đó là quyển sách tôi được tặng có tên là “Hãy trình Kon Tiki” được chắp bút bởi một nhà nhân học. Nó là hành trình của một người đàn ông đóng một chiếc bè gỗ vượt biển từ Nam Mỹ đến các quần đảo ở Thái Bình Dương, một điều không tưởng nhưng đã trở thành sự thật. Câu chuyện thổi bùng lên trong tôi sự khám phá, thôi thúc tôi dấn bước ra khỏi vùng an toàn. Đó là khoảng khắc làm thay đổi chính tôi và rồi làm đời tôi thay đổi.

Rosie đúc kết rằng mỗi một quyển sách như một hành trình để mình học hỏi.
“Phụ nữ làm điều mình thích không phải để so kè với nam giới, chúng ta chỉ đang đón nhận cơ hội đến với mình.”

Cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama gọi thất bại là “chất xúc tác làm tăng thêm tham vọng để thành công”. Còn định nghĩa của chị về thất bại là gì?

Tôi rất thích câu nói của một vị tướng quân người Nhật: “Cuộc đời này không hề có thất bại mà chỉ có thành công hoặc cải thiện thôi”. Tức là dù mình không thể đạt được thành công nhưng vẫn có được những trải nghiệm tốt. Thật ra từ hồi ra khỏi trường, tôi chưa từng đặt nặng suy nghĩ về sự thất bại, mà xem nó là cơ hội để mình học hỏi nhiều hơn, hoặc thậm chí nhờ nó mà đạt được những cơ may nằm ngoài dự kiến. Lẽ dĩ nhiên, có những cơ hội mình phải trả giá nhiều.

Tôi từng nộp đơn vào chương trình lãnh đạo của Obama mấy năm nhưng không đậu. Năm 2018, tôi thử một chương trình khác, nó không nổi tiếng bằng các chương trình học thuật ở Mỹ nhưng là chương trình lãnh đạo trẻ tốt nhất ở châu Á. Kết quả là tôi được đi Nhật 2 tháng, chương trình đó còn tốt hơn chương trình đi Mỹ tôi muốn tham gia. Xét về mặt tích cực, nếu tôi không rớt những chương trinh kia, làm sao có một trải nghiệm tốt như vậy?

Lựa chọn cho mình một ngôi trường phù hợp với định hướng cho việc học tại Mỹ của Rosie không hề đơn giản, bởi theo chị chia sẻ thì hệ thống giáo dục tại đây quá khác biệt.

Đối với các chị em vẫn còn giam mình trong quá nhiều giới hạn, chưa dám thực hiện điều mình muốn, chị sẽ cho những lời khuyên hoặc chia sẻ nào?

Bất kể đàn ông hay phụ nữ đều có nhu cầu sống theo sở nguyện của mình. Đúng là phụ nữ có xu hướng hay giới hạn bản thân. Điều này xuất phát từ định hướng của truyền thông, xã hội hoặc những định kiến sẵn có; còn phụ nữ không một chút đắn đo, tiếp nhận những định kiến đó và vô tình tự hạn chế rất nhiều cơ hội khai phá tiềm năng của bản thân.

Người ta hay nói nữ giới không nên đi du lịch một mình vì nó rất nguy hiểm, tôi chọn du lịch độc hành không phải để chứng minh đàn ông làm được thì mình cũng làm được, chỉ đơn giản đây là điều tôi thích, nó thể hiện được những giá trị tôi đang theo đuổi – đó là sự tự do. Tôi cho rằng phụ nữ làm điều mình thích, thử sức ở lĩnh vực mình muốn không phải để so kè, hay thể hiện tài năng cho ai xem, chúng ta chỉ đang đón nhận cơ hội đến với mình.

Chị cho biết đôi khi chị cũng hay so sánh mình với người khác nhưng chị thường cố gắng so sánh mình với chính mình nhiều hơn. Việc mình hôm nay có tốt hơn hôm qua không, mình đã đi được bao xa so với quá khứ mới quan trọng với chị.

Chị gần như đã làm được điều mình muốn – trở thành một người truyền cảm hứng, một người viết, một wanderer, một freelancer, một giáo viên. Đâu là vai trò chị muốn người ta nhớ đến khi nhắc về Rosie Nguyễn?

Viết lách là việc tôi rất yêu thích và muốn làm cả đời. Nhưng nếu định danh cho mình, tôi nghĩ mình là một người tự học. Sự học nên là quá trình theo đuổi suốt đời. Nó là một trong những động lực giúp tôi mỗi ngày một tiến xa, từ một nhân viên văn phòng thành tác giả sách, biết đâu sau này sẽ trở thành một giáo sư hoặc một nhà nhân học? Nhờ kiên trì tự học, tôi hiện thực hóa những tiềm năng chưa rõ hình thù bên trong mình, trở thành con người mà mình muốn trở thành.

Sau tuổi trẻ, hạnh phúc, du lịch thì “hành trình tự học” sẽ chủ đề mà Rosie muốn viết trong tương lai.
Q&A
Năm 2020 chị đặt mục tiêu đọc bao nhiêu quyển sách?
Tôi đặt mục tiêu 50, tức là mỗi tuần một quyển

Tips để đọc được một lượng sách “khủng”?
Tự lập book challenge, mỗi sáng thức dậy đọc vài trang sách, hoặc tham gia một nhóm đọc sách nhỏ để cùng chia sẻ và tạo động lực cho nhau

Bí quyết để học tốt ngoại ngữ là gì?
Hãy tiếp cận tiếng Anh như một kỹ năng chứ không phải tố chất hay tài năng thiên bẩm

Câu quote tâm đắc nhất?
Tôi rất thích một câu trong Harry Potter: “Đôi khi chỉ đơn giản là lựa chọn của mỗi người chứ không phải tài năng của họ sẽ quyết định số phận của người đó”. Tôi là người có xuất phát điểm thấp, những gì đạt được ở hiện tại đều đến từ sự nỗ lực theo đuổi những lựa chọn của mình.

Một sự hiểu lầm tai hại nhất về du lịch?
Một cách để trốn tránh thực tại. Có nhiều người bỏ hết mọi thứ để đi vòng quanh thế giới suốt 3-6 tháng để rồi khi quay trở về vẫn tồn đọng lại đó là sự vô định hình về mọi thứ.

From the same category