Cả nước đang vào mùa nắng nóng, cùng với sự gia tăng của các loại bệnh liên quan đến thời tiết nóng bức, các bệnh về da ở trẻ em cũng gia tăng, trong đó rôm sảy là loại tổn thương da thường gặp nhất. Phần lớn trẻ chỉ bị rôm sảy thông thường, do thời tiết nóng ẩm gây kích thích làn da non nớt của trẻ con, đặc biệt là khi trẻ phải mặc quần áo quá dài, quá kín hoặc trẻ bị người lớn bắt phải kiêng nước, kiêng gió… trong khi thời tiết nóng bức.
Đối với các trường hợp rôm sảy thông thường, nếu được chăm sóc thích hợp thì sẽ giả và tự hết khi thời tiết mát mẻ hơn. Một số ít trường hợp, thường do chăm sóc chưa phù hợp, trẻ ngứa gãi nhiều làm trầy da, tạo thành mụn mủ, gây đau, thậm chí có thể gây sốt do viêm tấy, nhiễm trùng da.
Phòng ngừa
Để tránh cho trẻ bị rôm sảy, khi chăm sóc trẻ hàng ngày trong mùa nóng cần lưu ý giữ sao cho da trẻ được sạch, thoáng mát và khô.
Một số gợi ý sau có thể giúp gia đình chăm sóc trẻ tốt hơn:
– Tắm rửa cho trẻ ít nhất 1 lần mỗi ngày để làm sạch da và ngăn ngừa da bị nóng, ẩm ướt kéo dài. Sau khi tắm phải thấm khô dao, đợi da khô hẳn mới mặc quần áo cho trẻ.
– Tắm rửa trẻ sạch sẽ sau khi vận động nhiều, chơi giỡn nhiều gây đổ nhiều mồ hôi.
– Nơi trẻ chơi, nơi trẻ ngủ phải mát mẻ và thông thoáng.
– Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, dễ thấm hút mồ hôi.
– Thường xuyên kiểm tra xem trẻ có ra mồ hôi không, nếu có thì:
+ Làm khô da
+ Điều chỉnh nhiệt độ và độ thoáng của phòng trẻ đang nằm (nếu có thể )
– Tránh đưa trẻ đến những nơi đông người chen chúc: siêu thị, nhà hát, rạp chiếu phim, bến xe, xe buýt,…
– Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất.
– Tránh cho trẻ ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng, nhất là vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Điều trị
Khi trẻ bị rôm sảy, phụ huynh cần thực hiện những việc quan trọng sau:
– Giữ cho trẻ sạch, thoáng mát và khô như đã hướng dẫn sẽ giúp trẻ giảm ngứa, giảm kích thích da.
– Cắt ngắn móng tay và có thể giũa nhẹ để làm hạn chế trầy xước do trẻ cào gãi vì ngứa, nếu trẻ nhỏ thì có thể mang găng tay cho trẻ.
– Thông thường, nếu chăm sóc đúng cách và thời thiết không quá nóng bức thì rôm sảy sẽ giảm dần sau 3 ngày.
Nếu đã thử nhiều cách mà vẫn không giúp trẻ khỏi rôm sảy, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu khi:
– Các vết rôm sảy lan rộng, sưng đỏ nhiều, đau, có mủ, có thể kèm sốt hoặc không sốt.
– Rôm sảy nhiều, chăm sóc đúng cách mà không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 ngày.
Rôm sảy là căn bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt vào mùa hè. Điều trị và phòng tránh rôm sảy thông thường không khó nhưng nếu bệnh để nặng và phát triển thành mụn nhọt, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Do đó, phụ huynh cần lưu ý cách chăm sóc da trẻ trong mùa nắng nóng này để tránh bệnh cho trẻ.
Theo BSGĐ