Cô gái xin được giấu danh tính khai báo với các cơ quan chức năng rằng sự việc bắt đầu từ tháng 5 năm nay, khi cô thấy một bài đăng trên mạng xã hội tuyển người học nghề trang điểm. Theo đó, người được tuyển sẽ được nhận lương tháng là 14.000 đôla Hong Kong (tương đương 1.800 USD) và được đào tạo miễn phí, cũng như không cần có kinh nghiệm làm việc.
Với người bình thường, một đề nghị tốt như vậy sẽ khiến họ nghi ngờ. Tuy nhiên cô gái trẻ lại coi đây là cơ hội nghìn năm có một. Và cô đã nhầm.
Sau khi nộp đơn ứng tuyển, cô gái đã bị thuyết phục tham gia đào tạo để trở thành một người lên kế hoạch đám cưới nhằm có thu nhập tốt hơn từ tiền hoa hồng. Vốn đã có niềm yêu thích đặc biệt với việc lên kế hoạch đám cưới, cô gái nhanh chóng bị thuyết phục.
Sau đó, cô theo học một khóa lên kế hoạch đám cưới miễn phí tại Hong Kong và được biết rằng để được cấp chứng chỉ, cô phải đến Phúc Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến tại Trung Quốc đại lục để làm ‘bài kiểm tra cuối kỳ’ bao gồm một đám cưới giả với một người đàn ông tầm tuổi mình.
Cô gái chỉ bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không đúng khi cô và người đàn ông mà cô “giả vờ cưới” được đưa đến một văn phòng chính quyền địa phương và ký tên lên một văn bản trông có vẻ rất nghiêm túc. Tuy nhiên, những nghi ngờ của cô nhanh chóng bị những người tổ chức ‘đám cưới giả’ dẹp tan bằng lời trấn an là họ quen biết viên thị trưởng và sẽ hủy đăng ký kết hôn ngay khi kết thúc bài kiểm tra.
Chỉ sau khi về lại Hong Kong và kể chuyện với một người bạn về bài kiểm tra kỳ quặc này, cô gái mới nhận ra mình bị lừa kết hôn với một người hoàn toàn xa lạ. Cơ hội làm việc của cô cũng tan biến và những người cô có thể liên lạc đều bốc hơi ngay sau khi cô ký tên vào giấy đăng ký kết hôn chính thức.
Hiện tại, cô gái này vẫn được xem là người đã có chồng và khả năng sẽ phải nộp đơn xin ly dị để quay về tình trạng độc thân. Hiện chưa rõ người đàn ông đã cưới cô gái là ai, nhưng động cơ của anh ta không quá khó hiểu. Những vụ lừa kết hôn xuyên biên giới là khá phổ biến ở Trung Quốc, do công dân đại lục có thể nộp đơn xin cư trú tại Hong Kong nếu kết hôn với người sống ở đây. Mỗi ngày, chỉ có 150 giấy phép cư trú như vậy được cấp.
“Cô gái 21 tuổi đã bị lợi dụng trong tình cảnh không biết chuyện gì đang xảy ra,” Tong Kang-yiu, giám đốc Liên đoàn Công đoàn Hong Kong (FTU) cho biết. “Tổn thất lớn nhất với cô là có tên trong hồ sơ hôn nhân và điều này đã gây ra thiệt hại tâm lý cho cô ấy”.