Rock Việt đang hồi sinh? - Tạp chí Đẹp

Rock Việt đang hồi sinh?

MIX & MATCH

Có vẻ như sự trình diện của nhóm Bức Tường với live show Bông hồng thủy tinh cách đây không lâu gợi cho ta sự hồi sinh và cứu tinh của Rock cho nền nhạc trẻ Việt. Những bước trở lại ban đầu không quá tệ của Bức Tường với những món ăn lâu ngày không được nếm đã đưa chúng ta lên nấc thang đầu của niềm hào hứng âm nhạc đang nguội lạnh. Rock được tung hô hơn những gì nó có là vì thế và niềm mong đợi lớn hơn thực tiễn của Rock Việt đã khiến hai đêm nhạc Rock cuối tháng 5 vừa qua tại sân Lan Anh (TP.HCM) trở thành hai đêm hụt hẫng của Rock mà hai nạn nhân là Trio 666 và MTV. Từ nấc thang đầu tiên, nhiều fan của Rock lại rơi phịch xuống mặt đất.
 
Rock Việt đã có nhiều lần trồi sụt
 

Sài Gòn là nơi Rock Việt ra đời đầu tiên từ thập niên 60, du nhập theo bước chân lính viễn chinh Mỹ. Rock Việt lúc đó là “Rock nhái” với những ban nhạc “cóp” Mỹ hoàn toàn từ cái tên cho đến phong cách. Lúc đó, những ca sĩ hát kiểu Rock cũng rất nổi danh và được ái mộ dài lâu như Elvis Phương, Julie… Nhưng Rock chưa bao giờ là đỉnh điểm thời ấy dù sau đó có Phượng Hoàng ra đời với ít nhiều tính sáng tạo và những bài hát có bản sắc hơn những gì đã diễn ra trước đó.
 
Sau 1975, Rock trở lại với thời hoàng kim của nó từ cuối thập niên 90. Có hàng chục nhóm Rock với nhiều phong vị Rock khác nhau đã tạo ra một diện mạo mới của Rock Việt. Nhiều sân chơi cho Rock được mở ra mà tâm trí người yêu Rock còn nhớ được: Liên hoan Pop-Rock tại nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM (1990); Phong trào Unplugged giữa thập niên 90; Liên hoan các ban nhạc sinh viên ở Hà Nội (9/98); Đại hội nhạc trẻ mùa thu tại Trung tâm Văn hoá Q.5, Tp.HCM (8/99); Các chương trình Đêm Trẻ, Giai điệu Trẻ, Hội quán Trẻ… Có thể gọi đầu thập niên 90 là cao trào của Rock Việt với những cái tên quen thuộc: Trắng Đen, Da Vàng, Alpha… Nhưng sau những dịch chuyển hình sin suốt thập niên 90 Rock lắng đọng rồi biến mất.
 
Nếu tính từ ”Hội quần hùng anh hào Rock” lần cuối tại Đại hội nhạc trẻ mùa thu 1999 thì Rock Việt ”lặn” một hơi gần 5 năm cho đến gần đây với sự xuất hiện của Bức Tường rồi sau đó là Trio 666 và MTV.
 
Rock không chỉ là gầm rú
 

Có ai đó nói rằng Rock là một văn hóa mở vì thế nó thích nghi với mọi nền văn hóa và mọi thứ pha trộn theo kiểu Multi-Media. Nói thế không sai nhưng vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là vì không chỉ Rock mà mọi nền văn hóa sống động đều mở. Thiếu là vì thích nghi là một chuyện nhưng phát triển tốt hay không là chuyện khác.
 




Trong lúc nhạc Pop Việt đang lâm vào khủng hoảng với những vấn nạn đáng buồn thì Rock Việt quay trở lại. Có phải Rock đang hồi sinh như một tín hiệu vui? Phải chăng Rock trở thành một nhịp điệu – cũ mà mới, mới mà cũ – có thể làm quên đi những điệu nhạc buồn của Pop với những lỗi nhịp khó tha thứ? 
Văn hóa Việt, tố chất Việt không phải là mảnh đất màu mỡ để Rock phát triển toàn diện dù nó thích nghi được với Rock.
 
Rock không chỉ là gầm rú, là hầm hố. Đó chỉ là một cành nhánh. Heavy metal, Hard Rock chẳng hạn (Led Zeppelin, Blak Sabbath, Motorhead…). Rock không chỉ hát như gào thét, “chửi bới” như Modern Rock (Kate Bush, Alanis Morissette). Rock còn là sự tinh tế. Như là Classic Rock (Eric Clapton, Jimmy Hendrix…). Hoặc là một dạng tổng hợp tạo ra cái gì mới như Alternative Rock (Nivarna, R.E.M, Pearl Jam, Oasis…).
 
Rock không đại chúng như Pop nhưng cũng không cao siêu như Jazz. Nhưng vẫn có thứ Rock dễ nghe (Bryan Adam, The Eagles, Gary Moore…). Thuật ngữ gọi là AOR (Adult Oriented Rock)…
 
Rock cũng dễ dàng pha trộn với các hình thái nhạc khác mà vẫn cứ là Rock như Rock tinh tuyền vậy. Có thể kể: Country-Rock, Jazz-Rock, Folk-Rock… Thậm chí có cả Opéra-Rock nữa.
 
Rock không cứ phải là hình thức, áo quần, tóc tai dữ dằn. Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ anh chàng Beck với một giải Grammy cho nhạc Rock có vẻ giống thư sinh hơn là một hình ảnh quen thuộc về Rock có ngoại hình quái nhân.
 
Vậy mà những gì Trio 666 và MTV phô diễn với cái gọi là Alternative Rock (Tạm dịch: một thứ Rock khác) tại sao đành phải gọi là Rock loãng hay đúng hơn là Demi-Rock (Rock nửa vời)? Dù khái niệm Rock vô cùng mở và linh động như đã nói ở trên.
 
Đặc trưng của Rock là giọng ca cũng là nhạc cụ. Nhạc chính, ca phụ. Rock được giải thích như thế ngoài một lối sống, một phong cách và một kiểu văn hóa Rock đi kèm. Nếu thế thì Trio 666 và MTV chưa phải là Rock ngoài việc chơi Pop khá tốt với một kiểu phỏng theo Rock cho dù có biện minh như trên. Bức Tường đã vượt xa hơn họ dẫu chưa phải là xuất sắc nhưng có thể chấp nhận được.
 
Rock xuất hiện và không chết. Rock luôn tuôn chảy như suối ngàn hoặc như mạch ngầm. Chí ít trên thế giới Rock là như thế, và ở Việt Nam có thể cũng là như thế. 
 
Tôi không yêu Rock nhưng hoàn toàn kính trọng Rock. Bởi vì nó là văn hóa, là sáng tạo. Tôi chỉ không tôn trọng cái gì kém sáng tạo, thiếu nội lực nhưng lại nhân danh Rock để làm Rock như một nền văn hóa đa cấp, đa phương và nhạy cảm khiến Rock mất giá trị trong đôi mắt những người chưa hiểu Rock.
 
(Trần Minh Phi)

Thực hiện: depweb

27/11/2004, 14:23