Robin Williams – Việt Nam, tạm biệt.

Sản xuất năm 1987, 12 năm sau khi chiến tranh kết thúc, “Good Morning, Vietnam” là bộ phim đầu tiên của Hollywood về chủ đề chiến tranh Việt Nam được thể hiện ở góc độ nhẹ nhõm hài hước. Không nói quá, với vai chàng phát thanh viên hoạt náo Airman Adrian Cronauer, Robin Williams đã thúc đẩy một bước quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Muốn quên đi hận thù, trước hết, người ta phải mỉm cười được với quá khứ, mỉm cười được với nhau.

Sau này, chợ đen nhạy bén ở Hà Nội và Sài Gòn kết hợp câu chào buổi sáng nổi tiếng đó, với nét chữ kiểu viết bút lông của “Apocalipse Now” – một tác phẩm kinh điển khác về chiến tranh Việt Nam – in lên áo phông. Loại áo “Good Morning” đó, bây giờ vẫn bán chạy khủng khiếp.

Có nhiều người Việt Nam như tôi, yêu thích Robin Williams từ bộ phim “Good Morning, Vietnam”, dù đó là bộ phim về những người lính Mỹ tham chiến ở đất nước mình. Cái cách ông khiến mọi khác biệt và giận dữ trở nên hài hước, quả thật quá dễ chịu. Cái cách ông thổi luồng sinh khí vào đời sống, quyến rũ người ta bởi sự thuần khiết, như thể những khách lữ hành lao đến mua những bình ôxy bán ngang sườn dãy Hymalaya. Những bộ phim như “Good Morning, Vietnam” là góc nhìn hiếm hoi mà khán giả Việt dễ dàng đón nhận không định kiến. Mối lương duyên với Robin đã sớm ấn định như thế rồi. 

Bởi vậy, dù không hẳn được đánh giá cao trên thế giới, nhưng “Jakob the Liar” (1999) lại rất được khán giả Việt Nam yêu thích. Gã Ba Lan láu cá Jakob do Robin thủ vai, chuyển tới cả trại tập trung xám xịt một liều thuốc trợ lực vô giá: Niềm Hy Vọng. Giả vờ rằng mình giấu được 1 chiếc máy cassette, Jakob ngày ngày truyền đi những tin chiến thắng dồn dập và…tưởng tượng của quân đội Đồng minh. Cho đến tận lúc bị bắt, bị mua chuộc và đối mặt với cái chết để ép nói ra sự thật, Jakob đã chọn trở thành một kẻ nói dối vĩ đại. 

“Cái đói hy vọng còn tồi tệ hơn nhiều so với cái đói thực phẩm!” – Jakob đã nói thế, và giữ nguyên cái hy vọng ấy cho đồng loại. Dù có bị treo cổ.

Một lần nữa, cười cợt với chiến tranh, và Robin Williams lại thành công. 

Nhưng, cũng như Charlie Chaplin cười rơi nước mắt, Robin Williams chứng minh rằng đỉnh cao của hài là bi và ngược lại. Một đôi lần, ít ỏi, nhưng lóe sáng rực rỡ, những vai bi mới thực sự mang lại cho ông sự khẳng định đẳng cấp diễn xuất và cả danh vọng. Như là giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất mà ông nhận sau khi tham gia phim “Good Will Hunting” (1997). 

Để bình chọn vai diễn hay nhất của Robin Williams, chắc chắn tôi sẽ chọn tiến sĩ Sean trong
“Good Will Hunting” (mặc dù thực ra cái phim này là bệ phóng cho sự nghiệp của Matt Damon). 

Matt Damon đóng vai thần đồng toán học Will Hunting rất thông minh và ngạo mạn. Sau khi được gửi đến gặp tiến sĩ Sean để chữa trị tâm lý (quá ngông cuồng và bạo lực), Will Hunting – ngay buổi đầu tiên – đã xúc phạm Sean nặng nề. Sau một đêm thức trắng, Dr.Sean hẹn Will ra công viên. Cuộc nói chuyện sau đó đại ý nó thế này:

– Anh bạn trẻ ạ, anh có thể thuộc lòng Amanach Văn minh nhân loại, có thể thuộc số Pi đến vài trăm số sau dấu phẩy, có thể nhào trộn các công thức hóa học trong đầu, có thể tính ra một thuật toán chỉ trong vài giây như một cái máy. Anh có thể nắm rõ về lịch sử như lòng bàn tay, có thể kể làu làu Michelangelo có bao nhiêu tác phẩm, thuộc khuynh hướng sáng tác gì và đẹp ở điểm nào. Anh có thể miêu tả từng nét cọ của ông ta trong tác phẩm Chúa sáng thế trên mái vòm nhà thờ Sistine, nhưng… nhưng chắc chắn anh sẽ không thể tả được cái mùi của nó, mùi của cái nhà thờ cổ kính ấy. Anh sẽ không thể nói được khi ánh nắng chiếu vào từng hàng ghế gỗ, Chúa ở trên cao đã nhìn xuống đám con chiên với cái nhìn nhân từ nhẫn nại như thế nào. Anh có thể ngủ với rất nhiều cô gái. Nhưng anh sẽ không thể hiểu được cảm giác bất lực khi cầm tay người mình yêu nhất và nhìn cô ấy trút hơi thở cuối cùng. Đó là tình yêu. Anh có hiểu gì về tình yêu không?

– Tôi hiểu, anh bạn trẻ ạ, cho nên tôi đến để gặp anh đây.
Đấy là bộ phim do Matt Damon và Ben Afflect vừa viết kịch bản vừa đạo diễn. Còn cái đoạn thoại hay ho ở trên do Robin Williams tự biên tự diễn. Matt sau này kể lại rằng, anh đã ngồi nghe Rob nói, rất thật, trong cảnh quay ấy, như một người con nghe cha dạy bảo.
Ngay khi thông tin Robin Williams qua đời loang ra trên mạng Internet, trong rất nhiều lời tưởng nhớ của khán giả Việt Nam, có rất nhiều người nhắc tới bộ phim “Bicentennial Man” – Tên phát hành tiếng Việt là “Người máy hai trăm tuổi” (1999). Đài Truyền hình Hà Nội đã phát phim này nhiều lần (không rõ có bản quyền không), nhưng thu hút được sự chú ý của lượng lớn khán giả trong khoảng đầu những năm 2000. Đó là một người máy không tuổi, với hành trình 200 năm đấu tranh cho quyền làm người. Để rồi tận cùng của quyền thiêng liêng đó, là được chết như một con người. Triết lý này rất Á Đông. Một lần nữa, khán giả Việt Nam cho thấy sự ưu ái khá kỳ lạ của mình cho những vai diễn của Robin. Vì lẽ, bộ phim kinh phí lên đến 100 triệu đô la này, sau đó đã lỗ, người Mỹ không thích nó.

“Ở Mỹ, họ thực sự biến người ta thành huyền thoại sau khi chết” – Robin Williams đã trào phúng như vậy. Hẳn nhiên, một kẻ giễu nhại như ông, chẳng ham trở thành huyền thoại. Nhưng những gì ông để lại thì nhiều huyền thoại cũng khó lòng vượt qua. 

Goobye Vietnam, Robin đã gửi lại lời nhắn ấy trong cảnh cuối phim “Good Morning, Vietnam”, khi mà nhân vật ông thủ vai bị trục xuất về nước Mỹ do tâm lý phản chiến.

Gần 30 năm sau, chúng tôi, những khán giả hâm mộ Việt Nam nói “Goodbye, Rob!”. 

Với chúng tôi, ông thật đặc biệt.

Và ngân nga trong gió những ca từ do chính Robin Williams viết trong ca khúc “Một người bạn như tôi”: Cuộc sống này như một nhà hàng. Và tôi là bếp trưởng của bạn. Cứ nói với tôi điều bạn muốn. Bạn sẽ chẳng bao giờ có người bạn nào như tôi đâu…”

(“Friend like me”
“Life is your restaurant
And I’m your maitre
C’mon whisper what it is you want
You ain’t never had a friend like me”…)

Bài: Gia Hiền

Ảnh: IMDb


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Scarlett Johansson được các tạp chí trên khắp thế giới bình chọn nằm trong top những phụ nữ hấp dẫn nhất thế giới trên dưới…20 lần. Một con số quá ấn tượng cho một nữ diễn viên để cô có thể dùng làm bệ phóng vào các vai diễn “thừa da thiếu vải” trong các bộ phim lớn. Thế nhưng, những thành tựu mà cô đào gợi cảm của Hollywood này đạt được cho thấy đẹp không phải là tất cả những gì cô có.


From the same category