Huyền thoại mang số hiệu F13
Junkers F13 là máy bay chở khách đầu tiên trên thế giới, đồng thời là phiên bản nguyên mẫu của các máy bay chở khách sau này, được chế tạo bởi kỹ sư kiêm doanh nhân người Đức Hugo Junkers. Xuất hiện lần đầu trên bầu trời vào năm 1919, Junkers F13 đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn của những chuyến du hành. Junkers F13 vượt trội hơn những dòng máy bay khác cùng thời được chế tạo từ gỗ phủ vải nhờ ưu thế trọng lượng nhẹ, cánh thấp, độ bền cao, mạnh mẽ và tuổi thọ dài. Nhiều tính năng của Junkers F13 vẫn xuất hiện trong các chi tiết cơ bản của máy bay thương mại hiện đại ngày nay. Tính đến năm 1933, hơn 330 chiếc máy bay đã được chế tạo tại các nhà máy Junkers ở Dessau. Ngày nay chỉ còn một vài chiếc Junkers F13 được lưu giữ trong các bảo tàng, và hiển nhiên không chiếc nào trong số đó còn có thể cất cánh được.
Năm 2015, khi công bố về dự án khôi phục máy bay Junkers F13, ông Dieter Morszeck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Rimowa, người trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào dự án thú vị này chia sẻ: “Việc tái tạo nguyên mẫu của máy bay thương mại từ lâu đã là giấc mơ của tôi, và cuối cùng điều này đã trở thành sự thật. Tôi thực sự rất vui mừng khi chiếc F13 được ‘tái sinh’ cũng như có thể dự đoán được nhu cầu về dòng máy bay riêng này trên thị trường. Chúng tôi đã thành lập công ty Rimowa Flugzeugwerke AG tại Thụy Sĩ để triển khai dự án sản xuất loạt máy bay F13 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.”
Sau bảy năm nghiên cứu, lên kế hoạch và thực hiện, Junkers F13 phiên bản phục dựng đã có chuyến bay chính thức đầu tiên. Ba đối tác chính tham gia quản lý dự án quy mô này là: JU-AIR, Hiệp hội Những người bạn của máy bay lịch sử (VFL) và Rimowa. Từ những ý tưởng ban đầu của VFL, họ đã bắt tay vào một hành trình tái hiện lịch sử của ngành hàng không.
Mất 12.000 giờ phục dựng cùng với 2.600 bộ phận riêng lẻ được gắn với nhau bởi 35.000 chiếc đinh tán, cộng với 60kg sơn để khoác lên tấm áo mới cho một chiếc Junkers F13. Máy bay có thể chứa hai người trong khoang hành khách. Đặc biệt nhất là khoang lái để mở giống như một chiếc xe mui trần, nhờ vậy phi công có thể tự cảm nhận sức gió đồng thời tự định hướng bay bởi thời đó chưa có hệ thống định vị. Bản sao của Junkers F13 được trang bị động cơ Pratt & Whitney R-985 Wasp Junior 450 mã lực và tốc độ tối đa 170km/h cùng đồ nội thất sang trọng làm từ da mịn.
Khi huyền thoại cất cánh
Junkers F13 phiên bản mới xuất hiện hoàn hảo tại sân bay quân sự Dübendorf. Một trong những vị khách danh dự của sự kiện là ông Hans-Walter Bender. 87 năm trước, khi mới 6 tuổi, ông đã được bay trên chiếc Junkers F13 đầu tiên và cho tới bây giờ, ở tuổi 93, ông vẫn không thể quên được những cảm xúc trên chuyến bay kéo dài 30 phút đó.
Chiếc F13 đầu tiên trên thế giới đã đạt đến độ cao kỷ lục là 6.750m vào ngày 13/9/1919, đây là một chiến công đáng kinh ngạc tại thời điểm đó. Là chiếc máy bay thương mại bằng kim loại đầu tiên trên thế giới, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ máy bay sau này và tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong ngành hàng không, chừng ấy thôi cũng đủ để hiểu giá trị của phiên bản phục dựng này.
Chiếc Junkers F13 được phục dựng bởi Rimowa nhẹ nhàng khởi động, dần tăng tốc và cất cánh khỏi mặt đất chỉ sau 200m. Màn hình ở sân bay hiển thị hình ảnh trực tiếp từ buồng lái. Khi nhìn bảng điều khiển, người xem có cảm giác như họ được du hành ngược trở lại quá khứ và hiểu những bước tiến khổng lồ mà ngành hàng không đạt được hiện nay. Buồng lái của Junkers F13 mới được bổ sung nhiều thiết bị kỹ thuật tiên tiến so với Junkers F13 nguyên gốc. Trải nghiệm cảm giác tuyệt vời này, trong buồng lái, có phi công Oliver Bachmann, ông Dieter Morszeck – Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Rimowa, và là người có 34 năm kinh nghiệm lái máy bay.
Cú bắt tay của những người tiên phong
Cha của doanh nhân Dieter Morszeck, ông Richard Morszeck, đã phát triển thương hiệu va li Rimowa sử dụng vật liệu tương tự chất liệu máy bay của nhà Junkers từ hơn 60 năm trước. Đây chính là sợi dây liên kết giữa Rimowa và Junkers, để ông Dieter Morszeck quyết định tài trợ cho dự án phục dựng lại chiếc phi cơ Junkers F13.
“Nếu Hugo Junkers là người đầu tiên chế tạo máy bay bằng hợp kim nhôm, thay thế cho vật liệu gỗ bọc vải trước đó, thì Richard Morszeck đã đi những bước táo bạo khi tung ra chiếc va li làm từ các vật liệu tương tự”, Dieter Morszeck nhận xét. “Đây là lý do tại sao tôi quyết định theo đuổi và tài trợ dự án phục dựng lại chiếc phi cơ Junkers F13. Tôi muốn mang lại cho thế giới một di sản văn hóa quan trọng, không phải trong một viện bảo tàng, mà ở nơi nó thuộc về, đó là bầu trời.”
Những chuyến du hành bằng máy bay của nhân loại đã bắt đầu như vậy. Còn nhớ 20 năm trước, để mua vé máy bay, chúng ta vẫn phải đến phòng vé. Ngày nay, công đoạn mua vé điện tử đã đơn giản hơn rất nhiều và đặc biệt, những người không có hành lý có thể làm thủ tục check-in trực tuyến từ máy tính, điện thoại thông minh hay các quầy tự check-in tại nhiều sân bay trên thế giới.
Năm 2015, Rimowa và đối tác Hãng hàng không Đức Lufthansa đã cho ra mắt phát minh mới – thẻ điện tử Rimowa, công nghệ kết nối giữa hãng hàng không, va li Rimowa và ứng dụng phần mềm trên điện thoại của khách hàng để có thể check-in hành lý ký gửi trực tuyến. Phát minh này được công bố tại Triển lãm Trải nghiệm Du hành Tương lai Toàn cầu diễn ra từ 9–11/9/2015 tại Mỹ. Đây là giải pháp kỹ thuật số đầu tiên cho hành lý ký gửi giúp cho việc di chuyển bằng đường hàng không diễn ra thuận tiện, nhanh gọn và an toàn hơn cho hành khách.
Kể từ khi được áp dụng, tháng 3/2016, công nghệ này đã nhận được phản hồi tích cực từ những hành khách sử dụng va li Rimowa có gắn thẻ hành lý điện tử trên các chuyến bay của Lufthansa. Có khoảng 800 chuyến bay của Lufthansa sử dụng công nghệ này và mạng lưới các hãng hàng không sẽ còn mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Theo ước tính, đại đa số hành khách sử dụng điện thoại thông minh, do đó, thật tiện ích khi đưa ứng dụng kỹ thuật số vào va li để mang đến những trải nghiệm đẳng cấp.