((Revolution)) - Tạp chí Đẹp

((Revolution))

Sống

Cho tới nay, gần 28 năm sau cái chết của John Lennon, hàng nghìn cuộc “đại nhạc hội Beatles” vẫn diễn ra hàng năm trên thế giới. Có sự cuồng mộ lâu dài đó, bởi Beatles không chỉ là một thần tượng âm nhạc đơn thuần, mà hơn thế nữa, là một hình tượng về lối sống mà triệu triệu thanh niên cho tới ngày nay vẫn lấy làm kim chỉ nam.

Bản thân nhóm Beatles là một cuộc cách mạng. Họ khởi đầu từ rock n roll của thập niên 50, thử nghiệm và khai phá với mọi thể loại âm nhạc có thể trong thời gian đó.

Trang phục, phong cách và các phát biểu của nhóm khiến họ thật sự là người tạo ra xu hướng (trend-setter). Chỉ cần nhóm để mái tóc dài phủ tai như những chiếc nấm cũng tạo ra cả một xu hướng rầm rộ về tóc tai thời bấy giờ.

Trước đó, mái tóc có tục danh là “đít vịt” rất thịnh hành trong giới trẻ. Phong cách ăn mặc của nhóm, từ bộ vest đen và xám thời đầu, sau đó là thời rực rỡ cỏ hoa những năm 66 – 68 và sau đó là trang phục bình dị như quần jeans, áo phông đều là những trào lưu mà giới trẻ thời đó chạy theo.

Phong trào đấu tranh 1968 đã tạo ra một cuộc cách mạng với chính Beatles:

Từ những chàng trai sạch sẽ, chỉn chu, để đầu nấm trở thành những người đầy ưu tư, già dặn với mái tóc dài lười cắt; Từ những giai điệu ngọt ngào sang những lời kêu gọi mạnh mẽ trong Yellow Submarine, Revolution.

Ca khúc Revolution được John Lennon sáng tác và được cho là có cảm hứng từ cuộc nổi loạn tháng 5/1968 ở Pháp.

Đây là ca khúc đầu tiên công khai viết về chính trị của John. John Lennon viết ca khúc này như lời đối thoại với các nhà cách mạng trẻ. Dù luôn đứng về phía phong trào cánh tả nhưng ở ca khúc này, John đặt những câu hỏi về mục đích của phong trào này.

Có 3 bản Revolution, phát hành theo thứ tự Revolution, Revolution 1 và Revolution 9 (2 bài sau cùng có mặt trong White Album).

Thật ra, thứ tự ghi âm là Revolution 1, Revolution và Revolution 9. John Lennon muốn phát hành Revolution 1 thành đĩa đơn, là sản phẩm đầu tiên của hãng đĩa Apple vừa mới lập ra của nhóm.

Nhưng các thành viên khác của nhóm và George Martin cảm thấy bản ghi âm này quá chậm, không hấp dẫn để tung ra đĩa đơn.

Bực mình, John “làm lại” ca khúc này, muốn có một ghi âm ồn ào và thô ráp nhất mà Beatles từng thực hiện, kết quả là Revolution, tung ra như mặt B của đĩa đơn Hey Jude.

Vì quá ồn ào nên khi phát hành, một số khách hàng đã mang đĩa này trả lại vì nghĩ rằng đĩa bị lỗi chứ Beatles không thể nào chơi ầm ĩ như vậy.

Bản Revolution 1 chơi đàn thùng, chậm rãi, bản Revolution chơi guitar điện ầm ĩ nhưng đến Revolution 9 mới thật sự cách mạng.

Bài Revolution 9 có mặt trong Album Trắng, là một bản mở rộng của bài Revolution cũ, thêm vào đủ thứ kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật phòng thu thuộc dạng hiện đại nhất thời bấy giờ.

Ở bản ghi âm này, Beatles chịu ảnh hưởng của nhà soạn nhạc John Cage, một nghệ sĩ cấp tiến nhất nhì của thế kỷ 20. Các âm thanh trong bài này có cả các đoạn ngắn từ nhạc của Sibelius và Beethoven.

Bản ghi âm đầy tính thể nghiệm này dài trên 8 phút và là ca khúc dài nhất từng được phát hành của Beatles.

Ca khúc không thuộc dạng dễ nhớ kiểu như Yesterday hay Let it be nhưng là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhóm. Thậm chí, Revolution được xem như tiền thân của heavy metal sau này.

Cho đến cuối đời, John Lennon vẫn kiên quyết giữ vững ý kiến về cách mạng bất bạo động mà anh đã thuyết giáo trong ca khúc này.

Từ năm 66, John đã bắt đầu hướng các sáng tác về dòng psychedelic, về thuốc gây ảo giác LSD, về phương pháp thiền kiểu Maharishi Mahesh Yogi và cuối cùng là chuyến hành hương tìm thầy học đạo đến Ấn Độ đầu năm 68.

Ca khúc này là bản nhạc gốc đầu tiên của Beatles được sử dụng để quảng cáo. Năm 85, Ford cũng dùng bài Help của Beatles để làm nhạc nền cho đoạn quảng cáo trên TV, nhưng là một phần trình bày lại.

Năm 1987, bản Revolution do chính Beatles diễn đã được sử dụng trong quảng cáo của Nike. Hãng Nike đã trả 250.000 đôla cho hãng đĩa Capitol và Michael Jackson, người lúc đó đang giữ quyền xuất bản tất cả các bài hát của Beatles.

Việc dùng nhạc Beatles để quảng cáo này gây ra phản ứng mạnh trong các fan của nhóm, nhất là Nike gắn liền với việc bóc lột nhân công quá sức và điều kiện làm việc tồi tàn.

Vì lúc này bản quyền đã bị bán cho Michael Jackson nên Paul McCartney chỉ có thể phản đối bằng cách tuyên bố “Ca khúc như Revolution không có nghĩa là một đôi giày thể thao, nó có nghĩa là Cách mạng.”

Những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ phong trào 1968

– Tiểu thuyết Derrière la vitre của Robert Merle.

– Các tác phẩm thơ, nhạc của Vangelis.

– Bộ phim "Can dialectics break bricks?" năm 1973 của đạo diễn René Viénet.

– Bộ phim "The Society of the Spectacle" năm 1973 của đạo diễn Guy Debord.

– Bộ phim tài liệu dài 3 tiếng "A Grin Without a Cat" năm 1977 của đạo diễn Chris Marker.

– Bộ phim "Milou in May" sản xuất năm 1990 bởi đạo diễn Louis Malle đã miêu tả tác động của phong trào tới một làng quê nước Pháp.

– Bộ phim "The Dreamers" năm 2003 của đạo diễn Bernardo Bertolucci kể về câu chuyện của 3 sinh viên trẻ đam mê phim ảnh với cuộc cách mạng làm nền.

– Bộ phim "CQ" năm 2001 của đạo diễn Roman Coppola miêu tả giới điện ảnh Paris những năm 1960.

– Bài hát "Street Fighting Man" của nhóm The Rolling Stones.

– Để đáp lại bộ phim "The Dreamers", năm 2005, đạo diễn Philippe Garrel đã dàn dựng bộ phim "Les Amants Réguliers" dài 3 tiếng, miêu tả sự kiện 1968 qua cái nhìn của những nghệ sĩ trẻ.

– Bài hát "Bye Bye Badman" của nhóm Stone Roses, theo tuyên bố của ca sĩ chính Ian Brown, là lấy cảm hứng từ những cuộc bạo loạn năm 1968.

– Hình ảnh trong clip dựng cho single "Only This Moment"  của Royksopp.

– Tiểu thuyết "The Merry Month of May" của nhà văn James Jones xuất bản năm 1971. Câu chuyện xoay quanh gia đình Mỹ kiêçu giàu có – dòng họ Gallagher sinh sống tại Paris khi diễn ra sự kiện đó.

– Renaud đã viết bài "Crève Salope" trong thời điểm biến động, và nó nhanh chóng trở thành bài hát được yêu thích của những người biểu tình.

– Bộ phim "La Chinoise" của đạo diễn Jean Luc Godard.

– Nghệ sĩ Jamie Reid đã đưa cảm hứng từ tấm poster "A Youth Too Often Worried About the Future" thường được sử dụng trong phong trào 1968 vào single "God Save the Queen" của Sex Pistols (1977).

 Trí Quyền

Thực hiện: depweb

14/05/2008, 10:49