Reviewer và những chuyện đằng sau nghề "sướng nhất thế gian" - Tạp chí Đẹp

Reviewer và những chuyện đằng sau nghề “sướng nhất thế gian”

Ẩm Thực
vnp_2
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Reviewer – người thưởng thức và viết cảm nhận về sản phẩm – là nghề rất quen thuộc với các bạn trẻ nước ngoài nhưng vẫn khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Một ngày lê la 4-5 quán”

Nói về reviewer, người ta thường gắn cho họ những cụm từ như “anh hùng bàn phím,” bởi những con người này luôn gắn liền với công việc trên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông như Youtube và không lộ mặt nhiều. Tuy vậy, với những người trong nghề, đây là công việc đòi hỏi tính nghệ thuật, đòi hỏi sự say mê, khả năng sáng tạo cao và cảm nhận về sản phẩm một cách khách quan nhất.

“Food reviewer” là cụm từ được các bạn trẻ nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây và dần trở thành xu hướng khá nóng. Họ chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội như Facebook, Instagram,…bằng những tấm ảnh đẹp, cảm nhận chân thật về món ăn. Trang cá nhân của họ được hàng nghìn hoặc thậm chí chục nghìn người theo dõi.

Nghe tưởng chừng là công việc này rất dễ dàng nhưng ẩn đằng sau đó là những câu chuyện dài. Ban đầu Hồng Ngọc (ngocsfood) nghĩ rằng sở thích chụp ảnh đồ ăn và viết về nó chỉ là sở thích nhưng cô bạn lại trở thành “food reviewer” (thưởng thức, viết cảm nhận về đồ ăn) từ lúc nào không hay. Cô bạn tâm sự, tính từ khoảng thời gian bắt dầu làm đến nay Ngọc đã có hơn 20.000 người theo dõi với những bức ảnh giao động từ 700-1.000 lượt thích (like).

“Có những ngày lê la 4-5 quán, lùng sục tìm đồ ăn mới để viết bài review. Vất vả nhưng mà cũng vui lắm vì mỗi bài mình đăng, luôn được mọi người ủng hộ rất nhiều, niềm vui nho nhỏ là mỗi khi được các bạn vào cảm ơn vì đã giới thiệu cho họ những hàng ăn ngon,” Hồng Ngọc chia sẻ.

food
Trang cá nhân của food reviewer Hồng Ngọc. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bên cạnh ẩm thưc, nhu cầu xem phim của khán giá hiện nay cũng khá cao. Người xem không muốn bỏ ra một khoảng thời gian dài để xem một bộ phim mà họ không biết nó có hay hay không, vì vậy nghề review phim ra đời.

Nhờ có lượng người theo dõi khá lớn nên food reviewer này cũng thường xuyên được các quán, hàng mời đến đánh giá đồ ăn của họ. Ngọc cho biết, việc đánh giá thường dựa trên các yếu tố gồm: chất lượng đồ ăn, thái độ phục vụ, không gian và vệ sinh thực phẩm.

Trước khi nhận lời đến đánh giá, Ngọc luôn làm rõ với chủ nhà hàng về việc sẽ nêu rõ về cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Sau hơn hai năm làm food reviewer được nhiều người biết đến, Ngọc đều thú thật rằng thu nhập từ nghề này… chỉ đủ đi ăn. Tuy nhiên, điều khiến bạn vẫn rất đam mê đó là liên tục được thử nghiệm những món mới và nghe những lời cảm ơn, động viên từ cộng đồng mạng.

Tiêu biểu như kênh Youtube Phê Phim hiện đang có lượng người theo dõi khá lớn. Mới thành lập từ giữa năm 2017, nhưng Phê Phim đã có tới hơn 100.000 người đăng ký theo dõi (subcriber) và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khán giả yêu môn nghệ thuật thứ 7.

Đức Huy, một trong thành viên của nhóm review phim có tiếng trên Youtube chia sẻ “Việc xem phim và review phim giúp mình được học nhiều hơn về điện ảnh, về cách làm phim. Có những khi thấy nản lắm vì tra cứu về cách làm phim khó, tìm hiểu về nội tâm nhân vật trong từng bộ phim cũ không phải dễ nhưng mà vì thích nên mình và các bạn vẫn cố gắng mày mò tìm hiểu rồi tự học thêm. Ban đầu chỉ là sở thích, dần dần thành thói quen và trở thành công việc chính của mình lúc nào không biết.”

vnp_anh
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Anh/Vietnam+)

Tưởng dễ mà khó

Trong các cuộc trò chuyện với người viết, các reviewer luôn khẳng định: Tất cả những nhận định của họ đều là ý kiến chủ quan. Dù rằng chỉ đưa ra để mọi người tham khảo nhưng việc phải nhận những ý kiến trái chiều là điều mà chẳng reviewer nào tránh khỏi được. Quan trọng nhất là cách bạn phản ứng như thế nào.

Đức Huy cho biết, anh và các thành viên quản lý trang “Phê phim” luôn dành thời gian để trả lời các bình luận trái chiều. Sau khi tranh luận, họ thường cảm ơn người xem. “Khi có sự quan tâm đến Phê Phim, họ mới dành thời gian như vậy nên mình phải trân trọng những lợi góp ý ấy. Còn với những bình luận thỗ lỗ, khiếm nhã, chúng mình sẽ bị bỏ qua,” Huy nói.

Bên cạnh đó việc các Food reviewer bị người đọc nói là “chẳng có khẩu vị” hay “chỉ thấy quảng cáo là nhanh” là chuyện xảy ra thường ngày.

Hồng Ngọc cho biết, có lần Ngọc được chủ quán mời tới dùng thử món và có những nhận xét không được tích cực về quán. Ngay sau đó, Ngọc liền bị chủ quán và các nhân viên vào hội đồng “ném đá” trên chính trang cá nhân của mình.

Thậm chí, Ngọc còn tiết lộ rằng, do phải thử quá nhiều đồ ăn làm chính bản thân Ngọc bị mắc những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Hay nói đến trường hợp như kênh Yotube khá nổi tiếng về review đồ chơi trẻ em là “Thơ Nguyễn” đã phải hứng chịu khá nhiều “gạch đá” của cư dân mạng khi họ cho rằng clip của Thơ có nội dung phản cảm. Đoạn video này đã được share và bình luận với tốc độ chóng mặt cùng hàng nghìn lời bình luận khiếm nhã, xúc phạm, thậm chí là chửi rủa vì cho rằng đó là nội dung phản cảm.

Nhóm sản xuất này sau đó đã phải lên tiếng giải thích. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí, quản lý của kênh Youtube Thơ Nguyễn cho biết, chị Thơ đã khá mệt mỏi và suy sụp sau những sóng gió của dư luận.

“Rõ ràng công việc nào cũng có hai mặt. Với những reviewer chân chính, họ cống hiến cho nghề với đam mê thì sản phẩm tạo ra sẽ chân thực. Các reviewer như mình thường đều rất hiếm khi lộ mặt. Tuy nhiên, mình vẫn được một số “fan” nhận ra khi gặp bên ngoài. Đó là những niềm động viên nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống của họ,” Đức Huy chia sẻ.

Thực hiện: depweb

06/04/2018, 11:10