Review phim “S Line”: Gợi mở nhiều nhưng gói ghém ít

“S Line” là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc giành giải “Nhạc phim hay nhất” (Best Music) tại Liên hoan Truyền hình Cannes 2025. Ngay khi phát sóng hai tập đầu tiên vào ngày 11/7, phim đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt toàn mạng xã hội, không chỉ vì phần âm nhạc xuất sắc mà còn bởi một chi tiết gây ám ảnh: sợi dây đỏ kết nối những người từng quan hệ tình dục.

Vừa ra mắt “S Line” đã tạo cú hích bởi nội dung mới lạ
Bình cũ rượu đắng 

Thực chất, chủ đề về tình dục không phải quá mới lạ trong nghệ thuật thứ 7. Đặc biệt, địa hạt Hàn Quốc vốn dĩ đã biến những tác phẩm mang chủ đề này thành một yếu tố chính nhằm kết nối với mạch truyện như “Hit the Spot” (2023), “Love and Leashes” (2022) hay “A Muse” (2012). Tuy nhiên, “S Line” không đi theo lối mòn đó. Bộ phim không đặt tình dục ở vị trí của sự tò mò, lãng mạn hay giải phóng mà kéo nó về đúng bản chất: khả năng đẩy con người trượt dài khỏi đạo đức, lý trí và lòng tin. Đoạn mở đầu của bộ phim đã thể hiện điều đó một cách rõ nét. 

Khái niệm sex line – một đường dây kết nối những người đã từng quan hệ với nhau vốn là thứ chẳng ai tin có thật. Nhưng một khi nó hiện diện, kết nối những người từng có quan hệ về mặt thể xác, thế giới bắt đầu đảo lộn. Mọi ranh giới giữa riêng tư và công khai, giữa tự do và kiểm soát, đều bị xóa nhòa. Những bản năng sâu kín nhất lộ diện, từ ghen tuông, chiếm hữu đến bạo lực và nỗi sợ mất quyền làm chủ chính mình.

Không ai trong phim thực sự là nạn nhân hay kẻ phản diện một chiều. Han Ji Wook (Lee Soo Hyuk) khi biết mình có thể nhìn thấy s – line thông qua chiếc kính “tội đồ” đã nhanh chóng chiếm nó làm của riêng để thực hiện việc điều tra án nhanh chóng; Shin Hyun Heup (Arin) dù có năng lực bẩm sinh khi nhìn thấy được sợi chỉ đỏ ngay từ khi sinh ra nhưng cô chọn cách làm lơ mọi thứ vì đã khiến gia đình mình tan cửa nát nhà vào lúc nhỏ; hay Lee Gyu Jin (Lee Da Hee) vốn dĩ là một vị thần nhưng mong muốn khiến con người sống thật với bản chất đen tối của mình đã nhanh chóng lên kế hoạch biến cả thế giới đều nhìn thấy sợi chỉ đỏ. 

Tất cả mọi tình tiết đều cho thấy, khi tình dục không còn “hệ thống hóa”, tâm lý con người bắt đầu bị đẩy đến ngưỡng cực đoan. “S Line” thu hút khán giả không phải vì sự trần trụi về mặt hình ảnh, mà vì nó bốc dần từng lớp mặt nạ tâm lý và đạo đức đan xen với nhau. Cảm giác nặng nề đọng lại không đến từ những gì được nhìn thấy mà từ những gì bị phơi bày. Khi bí mật không còn được giữ kín, thì đâu mới là giới hạn cuối cùng của một con người?

Một cái kết thiếu trọn vẹn 

“S Line” khép lại với hai tập cuối phát sóng ngày 25/7/2025 không phải bằng cú chốt đậm dư âm, mà bằng một sự buông xuôi gây khó hiểu. Những gì từng được xây dựng công phu suốt hành trình bỗng bị xóa nhòa trong một kết thúc hời hợt và lửng lơ, khiến khán giả không khỏi bối rối, hụt hẫng, thậm chí có phần tức giận. Thay vì được gợi mở hay ám ảnh, người xem như bị đẩy ra khỏi câu chuyện giữa chừng, khi mọi thứ đang chớm đến cao trào.

Điều đáng tiếc nhất là “S Line” từng đặt ra không ít vấn đề đáng suy ngẫm về bản năng, sự thao túng và tha hóa của con người khi đứng giữa ranh giới đạo đức. Nhưng đến hồi kết, bộ phim không đi đến tận cùng bất kỳ tuyến nào, mà chỉ đơn giản “dừng lại” như thể không còn đủ can đảm để tiếp tục đào sâu. Tôn trọng nguyên tác webtoon là điều đáng trân trọng, nhưng cách chuyển thể này lại khiến phim đánh mất mạch cảm xúc mà truyền hình cần có.

Hàng loạt nút thắt quan trọng bị xử lý qua loa, chẳng hạn như Hyung Heup có thực sự giành lại được năng lực? Lee Gyu Jin đã chết hay đang ẩn thân? Han Ji Wook còn giữ niềm tin vào công lý hay đã bắt đầu dao động? Ngay cả các chi tiết phụ như số phận cô bạn bắt nạt Sung Ah hay chiếc kính từng gây biến cố đều bị bỏ lại lưng chừng. Tất cả cho thấy sự thiếu nhất quán rõ rệt trong khâu biên kịch. Nhân vật dở dang, tuyến truyện chệch nhịp và ý đồ cuối cùng không rõ ràng.

Kết thúc của “S Line” giống như một cú trượt chân ngay trước vạch đích. Không đủ đau để trở thành bi kịch, không đủ mở để trở thành một tác phẩm nhiều tầng lớp, nó chỉ để lại cảm giác mắc kẹt khi tất cả nhân vật đứng im trong câu hỏi “rồi sao nữa?” và chẳng ai có quyền trả lời. Bộ phim khép lại như thể cố tình để trống một mảnh ghép, nhưng thay vì khơi gợi suy ngẫm, nó chỉ gieo rắc sự hụt hẫng. Dù chưa có thông báo nào về phần hai, với kết thúc lưng chừng này, có lẽ điều duy nhất có thể cứu vãn là một phần tiếp theo, để ít nhất, khán giả không cảm thấy mình bị bỏ rơi giữa chừng trong chính câu chuyện mà họ đã kiên nhẫn theo dõi.

video
play-rounded-fill

From the same category