Sau nhiều lần thử nghiệm với các nền văn hóa khác nhau, Disney quyết định hướng đến Đông Nam Á thông qua bộ phim hoạt hình “Raya and the Last Dragon” (tựa Việt: “Raya và rồng thần cuối cùng”). Câu chuyện về nàng công chúa gốc Đông Nam Á đầu tiên của Disney đã mang đến cho người xem một chuyến phiêu lưu hấp dẫn, mãn nhãn và đầy cảm xúc.
“Raya và rồng thần cuối cùng” kể về vùng đất Kumandra trù phú – nơi con người và loài rồng từng chung sống trong hòa bình cho đến khi những con quái vật Druun xuất hiện. Mọi sinh vật sống mà chúng chạm vào đều sẽ biến thành đá và long tộc đã hy sinh để bảo vệ nhân loại. Từ đó, Kumandra bị chia rẽ thành năm vương quốc: Long Tâm, Long Vỹ, Long Cốt, Long Trảo và Long Nha. 500 năm sau, Raya (Kelly Marie Trần) – con gái của tù trưởng Long Tâm đã được cha trao trách nhiệm bảo vệ ngọc rồng duy nhất còn sót lại.
Thế nhưng, Raya đã vô tình để cô bạn Namaari (Gemma Chan) biết được vị trí viên ngọc. Trong lúc giằng co, ngọc rồng vỡ làm năm mảnh và được mỗi quốc gia chiếm làm của riêng. Quái vật Druun cũng quay trở lại, Raya bắt buộc trở thành nữ chiến binh cô độc với nhiệm vụ tìm rồng thần cuối cùng – Sisu để khôi phục và bảo vệ vương quốc.
Với “Raya và rồng thần cuối cùng”, các nhà làm phim Disney đã vô cùng nghiêm túc trong việc tìm hiểu nền văn hóa Đông Nam Á. Theo nhà sản xuất, họ đã phải tổ chức nhiều nhóm thực địa đi nghiên cứu tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Lào, Phillipines và Việt Nam. Nhờ đó mà Kumandra xuất hiện vừa quen, vừa lạ và hiện lên một cách hoành tráng trên màn ảnh rộng.
Mỗi quốc gia tại vùng đất này đều có một kiểu địa hình, ẩm thực, trang phục cũng như phong tục tập quán riêng. Nếu như Long Tâm là xanh mát với đồng cỏ bạt ngàn thì Long Vỹ lại là sa mạc khô cằn, Long Trảo là khu phố buôn bán tấp nập còn Long Cốt lại là vùng núi tuyết giá lạnh. Khán giả cũng dễ dàng nhận ra chất liệu vải của từng vương quốc hay độ mượt mái tóc nhân vật ở từng khu vực khác nhau, cũng như độ ngon của món ăn dù chỉ là qua nét vẽ. Đồng thời, Disney cũng rất chăm chút cho phần màu sắc để thêm phần đẹp mắt hay những chuyển động mượt mà của nhân vật.
Giống như nhiều bộ phim Disney khác, “Raya và rồng thần cuối cùng” mang đến một dàn nhân vật đáng yêu, hài hước với đủ mọi tính cách khác nhau. Boun (Izaac Wang) là cậu bé chủ du thuyền kiêm nhà hàng với món tôm trứ danh. Tuy chỉ mới 10 tuổi, nhưng anh chàng đã rất trưởng thành khi luôn lạc quan, năng nổ trong việc mời chào khách hàng và làm kinh doanh.
Noi (Thalia Trần) là cô bé vẻ ngoài mũm mĩm, đáng yêu nhưng thực chất là một tay trộm vặt và dẫn đầu một nhóm gồm ba chú khỉ. Bộ tứ nhí nhố này thường xuyên thực hiện những “phi vụ bất khả thi” trong chuyến đi nhưng cũng nghịch ngợm, phá phách không kém và luôn dễ dàng bị đồ ăn làm lung lay.
Tuk Tuk (Alan Tudyk) với tạo hình tròn trịa, biểu cảm dễ thương cùng tính cách dũng cảm, trung thành. Ngay cả nhân vật phản diện – Namaari cũng sở hữu vẻ ngoài bắt mắt với mái tóc ấn tượng. Đặc biệt, cô rồng Sisu tưởng chừng mạnh mẽ hóa ra lại chính là cây hài với đủ chiêu trò hài hước.
Với bối cảnh Đông Nam Á, “Raya và rồng thần cuối cùng” cũng đã mang đến những cảm xúc và ý nghĩa gia đình đong đầy. Bên cạnh việc tiêu diệt Druun, cứu sống mọi người, mục đích lớn nhất trong suốt chuyến hành trình cô độc của Raya chính là đưa cha mình trở lại. Cô cũng lo lắng không biết liệu ông có nhận ra mình sau 6 năm dài đằng đẵng hay không.
Trên chuyến đi, những người bạn đồng hành cùng Raya cũng đều mất đi người thân trong gia đình bởi lũ Druun máu lạnh. Ngay cả Sisu cũng có những lúc chạnh lọng khi nghĩ đến những anh chị em đã hy sinh vì cuộc chiến 500 năm trước. Nhưng trên hết, “Raya và rồng thần cuối cùng” còn là câu chuyện của niềm tin và tinh thần đoàn kết. Người dân Kumandra từ lâu đã bị chia rẽ, điều này đã tạo điều kiện cho những sinh vật Druun trở lại. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Raya, đó là xây dựng lại sự tin tưởng ở một nơi đầy rẫy sự nghi ngờ.
Tác phẩm không chỉ đậm tính giải trí mà còn đọng lại nhiều cảm xúc và bài học ý nghĩa sau khi thưởng thức. Phim hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.