Thời gian gần đây, chị Đinh Thị Thu không còn buôn những mặt hàng rau, củ quả bóng bẩy, đẹp về bán nữa mà thay vào đó, chị đang chuyển dần sang bán những mặt hàng xấu xí… mà chị thường gọi là hàng trồng ở quê.
Chị Thu cho biết, sợ hàng rau quả phun hóa chất những mặt hàng xấu xí giờ lại được các bà nội trợ tin dùng hơn. Chính từ tâm lý chung ấy, nhiều người chuyên buôn bán rau của quả như chị, đặc biệt là với những người bán rong có xu hướng chuyển sang tìm bán những mặt hàng rau củ được dân quê trồng.
Theo khảo sát tại các chợ đầu mối như Long Biên, Dịch Vọng… những mặt hàng được loại ra bởi mẫu mã và chất lượng kém, hàng không chuẩn để bán với giá rẻ thì thời gian này dân buôn lại tìm mua khá nhiều.
Một tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên chuyên bán sỉ bán lẻ hoa quả nhập từ Trung Quốc cho biết, trước kia, những dân buôn đến nhập hàng thường loại bỏ những quả xấu, không đẹp ra, hoặc mình tự loại ra rồi bán với giá bèo. Nhưng đột nhiên, dạo gần đây, số người tìm mua những mặt hàng bị loại như vậy nhiều hơn. Có người đi qua chỉ hỏi có hoa quả loại không chứ mình chào mua hàng chuẩn họ lại lắc đầu từ chối kêu khó bán.
Không chỉ có vậy, dân buôn rau củ quả ở chợ đầu mối Dịch Vọng cũng thừa nhận rằng thời gian này dân buôn bán lẻ thường tìm đến hỏi mua hàng mình loại ra bởi chất lượng kém hơn chút ít. Nhiều hôm, bán đến cuối ngày còn hàng tồn lại hàng xấu xí cũng được dân buôn bán lẻ mua về.
Tuy nhiên, hàng xấu, bị loại được thua gom từ chợ đầu mối về qua tay dân buôn bán lẻ, hàng rong đều được khoác cho chiếc áo hàng trồng ở quê chính hiệu.
Trong vai người mua hàng, PV được một người bán hàng rong tên Ngọc, kinh nghiệm trong việc bán rong “hàng quê” tại khu vực Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) tiết lộ, nói là hàng quê nhưng thật ra không hẳn hôm nào cũng là hàng được trồng ở quê thật.
“Ngày nào cũng một xe hàng đầy ắp đi bán như thế này thì hàng trồng ở quê lấy đâu mà nhiều thế, cả tháng có khi chỉ có một một vài hôm là bán hàng quê trồng chính hiệu thôi. Còn bình thường hàng bán chủ yếu là hàng loại được thu gom từ các chợ đầu mối.
“Ở chợ đầu mối, nhiều người bán sỉ thường phân hàng ra làm nhiều loại để bán với các mức giá khác nhau, hàng mình gom về để bán rong là hàng tồn, được loại ra, giá rẻ có hình thức xấu xí nhìn rất giống những mặt hàng ở quê trồng được nên dân bán rong trà trộn thành hàng quê luôn”, chị Ngọc cho hay.
Theo lời chị Ngọc, buôn bán “hàng quê” không chỉ dễ bán mà lợi nhuận thu được lại cao hơn nhiều so với những mặt hàng bóng bẩy, đẹp mắt trước kia. Chị chia sẻ: “Ngày trước, bán toàn hàng được gọi là chuẩn, ngon, đẹp mắt nhưng lãi không nhiều bởi giá mua vào cao mà giá bán không thể cao quá vì sẽ ít người mua. Giờ hàng này thường nhập giá bèo, thậm chí là mua lại theo lô một nhưng về mình có thể bán theo cân với giá chát”.
Tâm lý của các bà nội trợ thời nay, hàng được trồng từ quê bao giờ cũng an toàn hơn. Mà để yên tâm thì họ thường tìm mua những mặt hàng như vậy mặc dù giá có cao hơn hàng bình thường rất nhiều lần. Theo lý đó, những người bán rong tha hồ đẩy giá lên cao để thu lời, đồng thời cũng để khẳng định chất lượng hàng mình bán là hàng được mang từ quê ra nên giá mới được đẩy lên cao như thế.
“Có hôm mua được vài lô hàng bị loại ra với giá chỉ tính bằng tiền chục nhưng khi đi bán lẻ mình thu về được tiền trăm, tiền triệu. Người mua ai cũng tin đó là hàng quê nên hầu như chẳng mấy người chê đắt mà không mua”, chị Ngọc nói.
Lợi nhuận cao, hàng dễ bán, không lo ế ẩm, người tiêu dùng ưa chuộng… Lợi dụng những lợi thế đó trong thời kỳ buôn bán khó khăn, nhiều dân buôn mặc nhiên biến những mặt hàng loại, chất lượng kém thành “hàng quê” xịn để đánh lừa người tiêu dùng thu lợi. Còn người tiêu dùng thì mặc nhiên tin mà không hề biết những món hàng mình mua về từ trước tới nay đều có chung một xuất xứ chứ chẳng khách gì nhau, thậm chí bị giá đắt mà chất lượng còn kém hơn nhiều so với trước kia.
Theo Vietnamnet