Rất cần cho trẻ vị thành niên

Kết quả nghiên cứu này do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) thực hiện, được báo cáo tại hội thảo “Phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh sinh viên (HSSV)”. Cái mới của bản nghiên cứu là đi theo hướng: Trẻ vị thành niên đã biết những gì? Muốn biết những gì? Và ta nghĩ rằng họ cần biết những gì?

Quan hệ tình dục không có bảo vệ

Theo ông Phạm Vũ Thiên – phó giám đốc CCIHP, có đến 1/3 thanh niên từng có mối quan hệ tình cảm không hề làm bất cứ điều gì để bảo đảm an toàn, bởi các em… không thấy bất cứ nguy cơ gì. Trong số còn lại, mang theo tiền, số điện thoại liên hệ khẩn cấp, đến nơi quen thuộc và mang theo bao cao su, đây là bốn biện pháp bảo vệ an toàn hàng đầu đối với nam thanh niên. Đối với nữ, biện pháp bảo vệ an toàn số 1 là đi đến những nơi quen biết và biện pháp tiếp theo là biết rõ về người kia. Có 1/10 cô gái mang theo bao cao su khi hẹn hò và 1/3 nam giới làm việc này.

“Một điều khá thú vị là nữ giới lại ít chuẩn bị những biện pháp an toàn bảo vệ mình hơn nam giới, chỉ vì đơn giản họ nghĩ không thấy có bất cứ mối nguy hại nào từ phía đối tác. Càng bất ngờ và đáng tiếc hơn khi tất cả nam nữ thanh niên đều cho hay họ chưa từng được truyền đạt về các biện pháp phòng tránh lạm dụng từ nhà trường hay phụ huynh” – ông Thiên phân tích.

Tâm lý né tránh cung cấp thông tin cụ thể từ người lớn khiến bạn trẻ vị thành niên mò mẫm trong hoang mang và càng dễ bị dẫn dụ. Nhiều phụ huynh dù biết rõ những rủi ro này nhưng lại rất “hồn nhiên” an tâm rằng con cái họ là những người “ngoan và hiểu biết”, rủi ro không thể dành cho con cái họ.

Biện pháp phòng tránh an toàn phổ biến nhất mà phụ huynh áp dụng là “cảnh báo”, thay vì cung cấp thông tin chỉ dẫn cụ thể về cách thức con cái họ cần phản ứng thế nào trong các tình huống bất an. “Nếu thấy nguy cơ rủi ro cao, phụ huynh có xu hướng tìm phương hướng cho… chính mình để bảo vệ con cái, như theo dõi con đến nơi hẹn hò. Vị thành niên thường có phản ứng rất tiêu cực nếu biết rằng phụ huynh đang theo dõi”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang – phó viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, người có nhiều năm tham gia cung cấp kiến thức sức khỏe tình dục cho bạn trẻ thành niên và vị thành niên, bà thấy chính những gia đình mô phạm, những con em được tiếng là “ngoan hiền” lại dễ va vấp nhất khi gặp các tình huống như bị lạm dụng tình dục, có quan hệ tình dục không an toàn…

“Gia đình bao bọc quá, cố gắng giữ chặt con trong nhà khiến các em không có điều kiện tiếp xúc, thiếu khả năng ứng xử trong tình huống cụ thể” – bà Giang chia sẻ.

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ dưới 15 tuổi

Điều đáng nói trong nghiên cứu này, không ai trong nhóm 15 tuổi trở xuống từng có kinh nghiệm về tình dục, nhưng gần 1/3 thanh niên trong độ tuổi 16-17 lại đã từng quan hệ tình dục.

“Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc triển khai giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ dưới 15 tuổi. Đến 15 tuổi, vị thành niên đã phải có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp các bạn trẻ có một cuộc sống tình dục an toàn và lành mạnh”- ông Thiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS.BS Trần Thị Hoa – một tình nguyện viên – cho biết với kinh nghiệm của bác sĩ nhi khoa, bà thấy thay vì tác động, trang bị các kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản cho người từ 16 tuổi trở lên như hiện nay thì nên tác động, nghiên cứu đánh giá đối với trẻ từ 11 tuổi. Ở các thành phố lớn, tâm sinh lý trẻ phát triển sớm, nhu cầu này càng cấp thiết hơn.

“Tôi đã tiếp cận hàng ngàn vị thành niên cần điều trị và tham vấn về các bệnh lây lan qua đường tình dục. Do đó, nghiên cứu tình dục, giới tính mà chỉ gắn với HIV là phiến diện. Cần quan tâm hơn đến tất cả các bệnh lây qua đường tình dục, vì đây có thể là nguồn gốc vô sinh sau này”.

TS Hoa cũng cho rằng: “Chương trình giảng dạy về giới và sức khỏe sinh sản trong nhà trường hiện chưa đạt yêu cầu. Thăm khám cho hàng ngàn bệnh nhân, tôi biết đa số các em đến tìm tôi không chỉ với vai trò bác sĩ mà nhiều khi muốn tôi tư vấn giống như một người mẹ. Chương trình giáo dục về giới nếu muốn hiệu quả thì phải tạo ra những nội dung mở, cả chương trình lẫn giáo viên giảng bài phải làm sao cho trẻ tin cậy và chia sẻ” – bà Hoa khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi vị thành niên đang thiếu gì, muốn biết những gì, bác sĩ Thu Giang cho rằng các em đang thiếu kiến thức đúng về sức khỏe sinh sản và giới tính phù hợp độ tuổi. Theo bà Giang, nhóm thanh niên, vị thành niên 16-17 tuổi hiện nay nhiều kiến thức tình dục, nhưng kiến thức về sức khỏe tình dục lại không có. Các em cũng rất thiếu kỹ năng sống để có thể đưa ra các quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản, có khi chỉ là những kỹ năng thông thường mà cha mẹ tưởng là các em đã biết, như vệ sinh kinh nguyệt, chọn bạn, ăn mặc như thế nào là hở hang, như thế nào là bị lạm dụng tình dục, phòng chống lạm dụng tình dục như thế nào…

Không biết gì về giới tính

Các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh nội dung giáo dục giới tính hiện không hấp dẫn vì quá hàn lâm, trong khi các em cần những cái cụ thể. Một nam sinh viên trường CĐ tại Hà Nội chia sẻ kỷ niệm: đầu năm cấp II, một bạn nữ trong lớp bị “ra máu” khiến “nhiều bạn nữ khác sợ rúm và xấu hổ, trong khi các bạn trai thì cười”.

Tại một hội thảo gần đây về giáo dục giới tính trong học sinh – sinh viên, một nữ sinh viên ĐH khoa báo chí năm 3 cho biết mới biết thông tin về quan hệ tình dục, bệnh lây qua đường tình dục khi học ĐH năm 2. Thậm chí trong trường THPT, có bạn gái mang bầu nhưng các bạn học chỉ biết khi bạn ấy đã sinh con. 

 

“Giáo dục kỹ năng sống cho các em phải từ hai phía gia đình và nhà trường. Ở nhà trường, đó có thể là các buổi ngoại khóa, sinh hoạt nhóm lành mạnh. Ở góc độ là bác sĩ điều trị, tôi thấy khi để các em đến cơ sở y tế là đã muộn rồi”

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang (phó viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng)

Theo Tuổi trẻ


From the same category