Trả lời báo chí chiều nay, 28/2, tại phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua có những quy định không sát thực tiễn, không phù hợp thực tiễn. Tinh thần của Chính phủ là cái gì trái pháp luật thì phải bãi bỏ. Những văn bản nào có thể chưa trái pháp luật nhưng nếu không hợp lòng dân thì có thể phải xem xét, điều chỉnh.
Riêng với thông tư 04 của Bộ giáo dục, cá nhân tôi đã hỏi anh em làm pháp luật về thông tư này, họ nói là việc này không đúng quy định của pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Tôi đã trao đổi lại với lãnh đạo Bộ GD. Họ đã nói là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo là phải rà soát lại trên tinh thần đã trái với luật là phải rà soát lại và phải sửa.
Hình ảnh học sinh gian lận thi cử tại Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012. (Ảnh chụp lại từ clip).
Trước đó, theo Thông tư 04 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013, thí sinh được phép mang máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, cũng trong thông tư này, Bộ yêu cầu người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào.
Thông tư 04 nói rằng người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và thanh tra giáo dục các cấp…
Việc hạn chế “đầu ra” này của Bộ được một số người trong cuộc cũng như các chuyên gia cho là “áp đặt”, “góp phần che giấu sai phạm”, thậm chí vi phạm Luật Tố cáo.
Theo Vietnamnet