1.“Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm của đạo diễn Hoàng Nhật Nam với cốt truyện tập trung vào ông tổ nghề múa rối nước Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh, và tinh văn hóa vùng Bắc Bộ. Vở diễn được thực hiện trên sân khấu mặt hồ nước rộng 4.300m2 tái hiện nguyên bản không gian cổ với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình, thuộc địa bàn vùng Chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Đây cũng là sân khấu trước đó 4 tháng, vở diễn “Thủa ấy xứ Đoài” ra mắt.
“Thủa ấy xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ… trong đó, câu chuyện về Thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa thánh được coi là nòng cốt.
2. “Tinh hoa Bắc Bộ” với dàn diễn viên 1/3 là sinh viên Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, 2/3 là nông dân vùng Sài Sơn. Tác phẩm phô diễn những tinh hoa văn hóa của Bắc Bộ như ca trù, dân ca Bắc Bộ, quan họ, hầu đồng, tranh Đông Hồ, múa rối nước… thông qua các hoạt cảnh trình diễn, thỉnh thoảng kèm bảng đề dẫn có lời bình. “Tinh hoa Bắc Bộ” có đến 1/3 diễn viên là những người được đào tạo, nhưng trên sân khấu biểu diễn, các màn biểu diễn tập thể chưa được thuần thục và chuẩn chỉ. Tác phẩm cũng chú trọng vào các hiệu ứng sân khấu: thổi lửa, bắn pháo hoa và nhiều màn múa tập thể.
“Thủa ấy xứ Đoài” được dựng từ 100% diễn viên là nông dân lao động Sài Sơn. Đến nay, “Thủa ấy xứ Đoài” là tác phẩm nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam dám làm điều này. Tuy nhiên, nông dân đã được đào tạo để trở thành những người hát – múa, nhảy, di chuyển đội hình đều tăm tắp, không thua gì diễn viên chuyên nghiệp mà vẫn giữ nguyên được sự thuần thành, vô tư, xúc động của người nông dân khi thể hiện tác phẩm.
Tác phẩm chạm tới cảm xúc người xem khi Việt Tú chủ trương hướng đến yếu tố “vô ngôn” trong phần dàn dựng. Dù lấy từng tích trò có sẵn trong dân gian như những khúc đồng dao, điệu nhạc nguyên bản, nhưng đạo diễn hướng đến việc làm ra một tác phẩm mà trẻ – già, lão – ấu đều hiểu được.
3. “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Thủa ấy xứ Đoài” tái hiện cái nhìn về tinh hoa vùng đồng bằng Bắc Bộ theo cách cảm nhận mang dấu ấn riêng của mỗi đạo diễn. Vẫn là câu chuyện cấy cày, hội làng, hay những tục lệ như vinh quy bái tổ, thi hương – thi hội, những sinh hoạt dân gian như múa rối nước… nhưng hai người đã tái hiện lại bằng cách thức dàn dựng khác nhau, thể hiện thẩm mỹ khác nhau.
Những hiệu ứng “bom tấn” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như ngôi đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre, nhà Thủy Đình nguyên bản (mô phỏng y nguyên theo Thủy Đình ở Chùa Thầy) nặng gần 10 tấn từ từ nổi lên từ độ sâu 10m dưới đáy Long Trì… được tái hiện trên sân khấu “Thủa ấy xứ Đoài” của Việt Tú được Hoàng Nhật Nam tái sử dụng ở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Đây là một trong những hiệu ứng gây ngạc nhiên thích thú nhất với khán giả của cả hai tác phẩm
4. Trong “Tinh hoa Bắc Bộ”, nhà sử học Dương Trung Quốc giữ vai trò cố vấn. Sau đêm ra mắt báo giới, ông cho biết, vở diễn đã đưa ra được đa số những gì gọi là tinh hoa vùng Bắc Bộ và ông tạm yên tâm nhưng rất khó đưa ra bình luận khác vì không khách quan, và “rất khó so sánh vì loại hình này chưa có ở Việt Nam”.
Trước đó 4 tháng, khi là khán giả của “Thủa ấy xứ Đoài” Nhà sử học từng tỏ lòng yêu thích và bày tỏ sự cảm động khi xem vở diễn.
Khán giả “Thủa ấy xứ Đoài” từng xúc động rưng rưng sau khi xem vở diễn. Khán giả “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng liên tục vỗ tay sau mỗi hiệu ứng chương trình.
5. Trả lời thắc mắc của báo giới về sự liên quan của hai vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Thủa ấy xứ Đoài”, ông Đào Hồng Tuyển, chủ đầu tư dự án cho biết: “Sân khấu thực cảnh là ý tưởng đặt hàng của tôi. Nhưng hai vở diễn không liên quan. Chúng tôi phải làm dựa trên ý kiến phản hồi của khách hàng, họ không hài lòng chúng tôi phải thay bằng vở mới”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa bình luận: “Ý tưởng là của nhà đầu tư, sáng tạo là của nghệ sĩ. Việc hai vở diễn có trùng lặp ý tưởng hay không sẽ có cơ quan nhà nước xử lý.” Ông Quốc nhấn mạnh: “trong nghệ thuật, nên tránh tối đa việc sử dụng ý tưởng của nhau” và “trong sáng tạo, cần thực hiện nghiêm túc vấn đề bản quyền”.
Được biết, “Thủa ấy xứ Đoài” đã được đạo diễn Việt Tú đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu Trí Tuệ năm 2016. “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng được đơn vị này cấp quyền tác giả gần đây.
Việc “Tinh hoa Bắc Bộ” diễn ra trên sân khấu thực cảnh của “Thủa ấy xứ Đoài” trước đó có vi phạm quyền tác giả sân khấu hay không, quyền tác giả của đạo diễn Việt Tú trong việc tạo dựng vở diễn thực cảnh đầu tiên như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến để rộng đường dư luận.
Đại diện nhà sản xuất “Tinh hoa Bắc Bộ” – bà Phạm Kim Dung cho biết: “Tinh hoa Bắc Bộ và “Thủa ấy xứ Đoài” (còn gọi là “Ngày xưa”) không có điểm nào tương đồng vì không có đạo diễn nào muốn sử dụng lại ý tưởng của đạo diễn nào cả. Cạnh đó, “Tinh hoa Bắc Bộ” là một đặt hàng hoàn toàn mới của nhà đầu tư Đào Hồng Tuyển, do đó “Tinh hoa Bắc Bộ” khác “Thủa ấy xứ Đoài”.
Nếu xem sân khấu thực cảnh như một nhà hát, thì một nhà hát hoàn toàn có thể có nhiều vở diễn khác nhau. Vì thế “Tinh hoa Bắc Bộ” là một vở diễn độc lập. Cạnh đó bà Dung cho biết: “Ai làm thực cảnh đầu tiên không quan trọng, vở diễn nào diễn dài hơi mới quan trọng.