Mới đây, Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) được chuyển giao cho bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB), gia đình nhà chồng Quỳnh Chi lại đứng trước một biến đổi lớn. Tôi lo lắng gọi điện cho cô dâu trẻ để hỏi thăm, nào ngờ tiếng Quỳnh Chi cười vang trong điện thoại: “Em khỏe chị ơi, giờ thấy thoải mái lắm”. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện dài về bước ngoặt hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại của Quỳnh Chi và đặc biệt là cảm nhận của cô về bà mẹ chồng nổi tiếng.
Tôi đang đi từ từ để hòa nhập
– Mới sinh chưa bao lâu mà phong thái, phom dáng của chị đã trở về thời thanh nữ nhanh thế, có bí quyết gì không?
– Ba tuần sau sinh tôi bắt đầu tập luyện để cơ thể hồi phục nhanh, còn bây giờ đã đi làm trở lại. Nhưng ba chồng tôi gọi về phụ việc công ty cùng gia đình rồi.
– Nhưng công ty của gia đình chồng chị đã bị chuyển giao cho người khác. Vậy chị đang làm gì?
– Tôi thực sự bị động lắm, công việc thuyên chuyển liên tục theo sự điều động của gia đình. Mới đây ba tôi được mời tham gia vào dự án tái đầu tư Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam (công ty phá sản vì nợ hơn một ngàn tỉ đồng vào tháng 8.2012). Tại Bianfishco, ba mẹ còn cổ phần nhưng sẽ không tham gia công việc trực tiếp ở đó nữa.
– Mới đây chị chia sẻ dự định cùng gia đình chồng xây dựng công ty mới, sao giờ lại đổi ý, xoay sang mở spa?
– Tại tôi thấy mình không hợp với ngành kinh doanh truyền thống của gia đình. Tôi rất nể mẹ, nhưng tôi nghĩ để trở thành mẹ khó lắm. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, trước đó tôi từng ráng gồng mình làm tròn bổn phận làm dâu. Nhưng đến lúc cả hai nhận ra, để làm việc lớn như mẹ, để trở thành người làm kinh doanh lớn thì chúng tôi cần trải qua một quãng đường dài, cần thêm khả năng thiên phú nữa, nên tốt nhất sẽ từ từ làm quen chứ không bắt mình phải hòa nhập nhanh chóng.
Mừng cái là mẹ chồng ủng hộ tôi làm những gì mình thích. Có lẽ từ khi còn nhỏ tôi đã làm công việc ít nhiều liên quan đến nghệ thuật nên khi ngồi bó gối ở văn phòng, tính toán nhập hàng, xuất hàng tôi mệt mỏi lắm, suy nghĩ rất nhiều. Bây giờ tôi được học, được nghĩ về điều mình thích, cuộc sống của tôi hưng phấn và vui hơn rất nhiều.
Đừng bao giờ để đồng tiền điều khiển mình
– Mẹ chồng chị đã dành thời gian và tâm huyết gây dựng Bianfishco, giờ công ty được chuyển giao cho người khác. Thực sự mẹ và gia đình chồng chị đã cùng nhau chia sẻ thế nào trong hoàn cảnh ấy?
– Mẹ đã nói rất đúng, nếu con mình sinh ra mà biết rõ không thể nuôi dạy nó tốt thì phải giao cho người khác mới mong tốt hơn được. Khi chuyển giao Bianfishco, chú Hiển có mời mẹ về làm quản lý, nhưng mẹ nói sẽ bắt đầu một con đường mới.
Quỳnh Chi và chồng trong ngày cưới
– Chị về làm dâu chỉ hơn 10 tháng, nhưng khoảng thời gian đó gia đình chồng chị đầy biến động. Giờ nhìn lại chặng đường khó khăn đó, chị thấy thế nào?
– Chị nói tôi mới để ý, hóa ra mới chỉ có hơn 10 tháng. Nếu nói đã bình yên tôi nghĩ là chưa, vì bây giờ mới thực sự bắt đầu. Nhưng bù lại lúc này tôi đủ tự tin để nói nếu lại gặp khó khăn, mình có thể bình thản bước đi. Phía sau tôi bây giờ có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình chồng.
Ba mẹ chồng tôi cũng nói, trước đây không khí gia đình không được như bây giờ. Vì ai cũng quá bận rộn công việc, kể cả tiền bạc cũng dư dả nên mải chạy theo con đường riêng. Quãng thời gian khó khăn là lúc các thành viên tề tựu lại với nhau, nên tương lai dù có bận rộn bao nhiêu, tôi tin mỗi người đều nhận ra giá trị gia đình quan trọng đến mức nào.
– Từ lúc nào chị có cảm giác mình thực sự là con trong gia đình chứ không còn nhìn vào việc nhà chồng một cách thụ động?
– Cảm giác đó thực sự rõ rệt khi mẹ tôi từ Mỹ trở về sau thời gian dài trị bệnh. Lúc trước mọi việc ba gánh vác, ba quá bận và thêm nữa không muốn để hai đứa phải lo lắng. Khi về, mẹ nói, bà không phải là típ người có thể ngồi nhà để mọi việc trôi. Sự mạnh mẽ của mẹ như ngọn lửa truyền nhiệt huyết đến những đứa con. Quan trọng là cảm giác ba mẹ mang lại cho tôi, họ không coi tôi như người ngoài.
Khi cả nhà có thời gian ngồi lại với nhau, vạch ra đường hướng cho mỗi người, tôi cảm thấy mình thực sự là một thành viên trong ngôi nhà ấy. Đặc biệt sự ra đời của Phúc (con trai Quỳnh Chi) nhận được rất nhiều tình thương của mọi người. Bà nội suốt ngày quấn quýt không rời cháu. Dù cả ngoại hình lẫn cách nói chuyện của mẹ toát ra uy phong làm người khác e sợ, nhưng từng việc nhỏ bà làm khiến tôi ấm lòng. Nhất là lúc mẹ con tâm sự riêng, mẹ rất gần gũi.
Con trai Quỳnh Chi
Khi vợ chồng tôi hục hặc, mẹ là người đứng ra bênh vực tôi. Mẹ dù sức khỏe chưa tốt nhưng vẫn thức cả đêm chăm cháu, cháu có giật thột bà cũng là người biết trước tiên. Những việc mẹ làm khiến tôi cảm thấy mình có thể chia sẻ được với người phụ nữ tưởng rất oai phong lẫm liệt này.
Tuy vậy, tôi vẫn thấy mẹ là cái bóng quá lớn và quá xa với mình. Trước đây nhiều người nói rất nể phục bà nhưng tôi vẫn không hình dung được. Bây giờ có dịp gần gũi, tôi mới cảm nhận được mẹ là người quyết liệt, trong đầu bà có những suy nghĩ lớn mà tôi không bao giờ tưởng tượng được.
– Vậy người mẹ quyết liệt ấy trước sự kiện Bianfishco về tay người khác đã trấn an các con mình ra sao?
– Có thể nói Bianfishco là con của mẹ, dứt bỏ một đứa con với người mẹ nào cũng đau lòng. Lúc đó ba mẹ bàn bạc và quyết định, chúng tôi không can thiệp nhiều. Có thông tin chúng tôi biết trước, nhưng cũng có việc biết cùng báo chí, dư luận. Nhưng cả hai tôn trọng vì đây là công việc của mẹ.
Việc mẹ mất hơn 1.000 tỉ đồng là một thực tế. Đó không chỉ là tiền mồ hôi nước mắt, nó còn là tâm huyết cả đời của bà. Nhưng mẹ chưa bao giờ thể hiện sự buồn nản đó ít nhất trước mặt các con. Sau tất cả mọi việc, mẹ nói với tôi: “Còn người là còn của. Người ta cứ hỏi mẹ có buồn không, mẹ buồn chứ sao không. Con thử mất một trăm triệu thôi xem con sẽ thế nào. Thế nhưng trong cuộc sống, tiền không quan trọng nhất, mình có thể tạo ra đồng tiền”. Mẹ còn nói từng muốn chết vì thực sự đó là cú sốc quá lớn mà mẹ bó tay, bất lực. Nhưng mẹ quyết tâm không để những đồng tiền đã mất hủy hoại mình.
Mẹ bảo cảm ơn tôi vì đã sinh ra Phúc. Thực sự Phúc như liều thuốc tiên của bà. Mỗi khi buồn, chỉ cần hôn Phúc là mẹ thấy vui, vì thế bà cứ ngồi ôm cháu hoài. Những lúc chuyện buồn hay sự hối tiếc ập đến, bà lại nhìn Phúc, giống như đó là mầm sống, niềm hy vọng để bà thấy mình không thể dừng lại.
– Tôi hơi bất ngờ vì cách chị nói về mẹ chồng tình cảm như vậy, vì trong mắt mọi người, bà vốn có tiếng là một nữ doanh nhân mạnh mẽ, thậm chí gai góc…
– Nói chuyện với bà, người khác đều cảm thấy bà là người mâu thuẫn. Nhưng thực ra bà có rất nhiều điều mà tôi nghĩ mình phải học hỏi. Mẹ bảo: “Tình cảm gia đình là quan trọng nhất, miễn sao gia đình vui, miễn sao cả nhà vẫn được quây quần bên nhau là mẹ cảm thấy vui rồi. Mẹ không hối tiếc nữa. Và con cũng phải học mẹ, đừng bao giờ để đồng tiền điều khiển mình”.
Nhìn ba mẹ chồng ở bên nhau, tôi học được nhiều điều
– Nhìn vào cách ba mẹ chồng ở bên nhau trong lúc khó khăn nhất, chị nghĩ mình học được gì cho hạnh phúc lứa đôi của mình sau này?
– Có một điều tôi cảm nhận được sau khi chứng kiến chuyện gia đình chồng, đó là con người ta khi quá đầy đủ, dư dả thường hay quên nhau, mỗi người hay tự tìm đến niềm vui riêng của bản thân. Khi còn quản lý Bianfishco, mẹ không có thời gian gặp con, gặp chồng, cả hai có lúc không hiểu nhau, không đồng tình, từng căng thẳng. Nhưng khi mẹ nói mẹ cần ba, ba đã từ bỏ tất cả để quay về gánh vác. Đó là một trong những điều vợ chồng tôi phải học hỏi, vì sau này chúng tôi sẽ có những mối quan tâm riêng, công việc riêng nhưng quan trọng là lúc cần nhau nhất, chúng tôi sẽ luôn ở bên nhau. Cả hai đều biết vợ chồng nồng thắm ngày này qua ngày khác suốt đời là rất khó.
Ông trời rất công bằng, khi lấy đi của mình thứ này sẽ cho mình lại thứ khác. Chứng kiến những sóng gió gia đình gặp phải thời gian qua, tôi học được và có được quá nhiều thứ.
– Còn chồng chị, qua những bể dâu của gia đình, anh ấy có chia sẻ với chị nhiều không?
– Vợ chồng tôi đã tranh luận, thậm chí cãi nhau không biết bao nhiêu lần, la lối, nói những câu khó nghe cũng có. Cảm giác như không thể cố gắng hơn được nữa, chỉ muốn xa nhau luôn… tôi cũng trải qua rồi. Đến lúc này tôi nghĩ mình đã biết mùi vị của hôn nhân ra sao, chẳng như sách tôi đã đọc. Chỉ có một điều chúng tôi có là sau những cãi vã, cả hai biết cho nhau thời gian để cùng suy nghĩ và luôn thẳng thắn nói hết suy nghĩ trong lòng. Dù vậy, trong suốt quãng thời gian qua, anh ấy chưa làm gì quá để tôi phải buồn. Anh ấy luôn cư xử đúng mực.
Tôi từng hoang mang trong cuộc sống hôn nhân nhưng lúc này không còn cảm giác đó. Bởi tôi nhìn ra bất kỳ ai, trong cuộc hôn nhân nào cũng phải trải qua những cảm giác đó, mà nếu ai cũng vậy thì sao phải hoang mang (cười). Tuy vậy, tôi tin vào duyên phận nhưng vẫn bảo nhau chúng mình phải cố xây đắp hạnh phúc này đến khi nào không thể cố được nữa (cười lớn).
– Nghe chị cười, tôi như cảm thấy chị vừa vượt qua được vùng biển đầy sóng lớn và đã cập bến bờ bình yên?
– Nếu có sợ hay không, điều gì đến vẫn sẽ đến. Vậy tại sao không sống bình thường để hưởng giây phút này. Nhưng có được suy nghĩ như vậy là do tôi có mẹ. Bây giờ tôi cảm thấy mình không chỉ được mẹ ruột che chở mà còn có thêm một người mẹ đang ở bên cạnh, sẵn sàng dang tay cho mình.
Cả hai mẹ của tôi đều tên Hiền. Mẹ chồng từ một người tôi còn cảm thấy xa lạ lắm, mới thực sự gần bà chừng hai tháng nay, nhưng tôi cảm giác người đàn bà này sẽ bảo vệ mình trong gia đình này, mình sẽ không đơn độc, lo sợ. Quan trọng hơn, tôi thấy mẹ chồng rất tử tế và tôi an tâm trong sự che chở của bà.
– Người phụ nữ trước và sau khi làm mẹ có những suy nghĩ thậm chí trái ngược nhau. Còn ở chị, điều gì đã diễn ra sau khi chị sinh con?
– Ồ, sau khi sinh con, tôi có nhiều thay đổi trong suy nghĩ lắm. Một tháng ở cữ, tôi thấy mình stress dữ lắm, thức khuya và suy nghĩ rất nhiều. Trước đây, tôi nghĩ có một đứa con, con sẽ cho mình thêm sức mạnh. Trong lúc khó khăn nhất, tôi luôn vỗ về bản thân “cố lên” và nghĩ sau khi sinh mình sẽ bắt đầu lại những việc mình thích.
Nhưng sinh con rồi, đứa trẻ là một cá thể độc lập, không phụ thuộc hoàn toàn vào mình nữa, cảm giác khác lắm. Thứ nữa, tôi nhận thấy hóa ra không phải sinh xong là có thể trở về cuộc sống lúc trước. Tôi cảm nhận rõ trách nhiệm, ràng buộc của một người phụ nữ có gia đình, ngoài với chồng, con, còn có cả gia đình chồng. Phải làm gì để hoàn thành nghĩa vụ với tất cả từng ấy con người, thay vì trước đây tôi chỉ sống cho bản thân, thậm chí tôi chưa được sống cho mình nhiều nữa.
– Làm mẹ ở tuổi 22, tương lai có thể còn có cả một gia sản khổng lồ với tiền bạc và nhiều trách nhiệm, chị lo lắng về điều gì nhiều hơn?
– 15 tuổi tôi đã bắt đầu hối hả chạy theo công việc, kiếm tiền. Tôi không có nhiều thời gian gặp gỡ bạn bè. Đến năm 21 tuổi, khi dành dụm đủ tiền mua cho mẹ món quà là mảnh đất nhỏ, tôi gặp ông xã. Cuộc sống cuốn tôi vào đời sống vợ chồng. Tôi thấy mình chưa có khoảng thời gian nào sống cho tuổi trẻ, được vẫy vùng với cuộc sống của mình. Giờ tôi cảm thấy rất tiếc.
Đó là lý do khoảng thời gian sau sinh tôi rất sợ, tôi day dứt rất nhiều về những thứ mình phải làm, muốn làm. Tôi cố gắng cân bằng nhưng nhận ra mọi thứ không đơn giản. Nhìn con, tôi thấy vai mình nặng lắm. Tôi tập suy nghĩ phải hy sinh cho người khác, nhưng khó lắm. Hơn nữa, những suy nghĩ này tôi không thể chia sẻ với ông xã.
Quỳnh Chi và mẹ chồng trong ngày cưới
– Chị có đọc được rõ ràng nỗi sợ trong mình lúc này không?
– Bây giờ điều tôi lo lắng nhất là những con sóng hôn nhân (cười). Lên mạng đọc nhiều bài viết về các cặp đôi sẽ tan vỡ của showbiz Việt, người ta có liệt kê cả vợ chồng tôi. Họ còn bảo hai đứa chỉ sống được với nhau một, hai năm là cùng. Tôi đọc xong, mắc cười rồi đưa cho ông xã đọc.
Có lúc tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình bởi hai đứa lấy nhau khi còn quá trẻ, đám cưới trong hoàn cảnh khá phức tạp. Tôi sợ mọi sự hy sinh, cố gắng không mang đến kết quả tốt. Tôi tự hỏi nếu rơi vào khó khăn tiếp, mình sẽ quyết định thế nào. Cho dù đến lúc này tôi khá ngỡ ngàng về bản thân bởi những quyết định đã qua, tôi thấy mình từng mạnh mẽ. Tôi luôn băn khoăn, mình phải làm sao để cuộc sống hôn nhân lâu dài và thực sự hạnh phúc chứ không chỉ là vỏ bọc mà nhiều người bây giờ rơi vào.
– Nỗi lo của chị đúng là nỗi lo của một người trẻ mới bước vào cuộc sống gia đình!
– Khi sinh Phúc, tôi mới phát hiện mình chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức. Con người ta làm sao có thể nào duy trì cảm xúc trong đời sống hôn nhân ngày nào như ngày nấy được, chẳng thể nào có cuộc sống vợ chồng cứ vui mãi, cứ bình bình mãi.
Tôi bối rối trong việc xây dựng mái ấm. Bởi người ta nói “đàn bà xây tổ ấm” nên đây là trách nhiệm của tôi, không thể trách chồng tôi được. Tôi có áp lực xây dựng gia đình để làm sao cả hai có công việc nhưng vẫn vui với gia đình nhỏ, làm sao để vợ chồng không chỉ là hai con đường song song.
Tôi chỉ muốn chia sẻ điều này với các bạn trẻ. Khi chưa lập gia đình, hãy sống hết mình, làm tất cả những gì mình thích. Khi thực sự sẵn sàng, hãy bắt tay vào mối quan hệ nghiêm túc. Không cần phải tìm hiểu hết, vì khi tìm hiểu hết rồi thì về với nhau chẳng còn gì để tìm hiểu nữa. Sự chưa hiểu đó ít nhất để mỗi người còn hứng thú khám phá nhau. Điều nữa là trong cuộc hôn nhân, tôi nhận ra người phụ nữ buộc phải thay đổi trước, không thể còn năm ăn, năm thua với chồng mình. Ở đâu cũng vậy, phụ nữ phải là người xây tổ ấm và dành sự tôn trọng cho chồng, dù anh ấy có làm sai bất cứ cái gì. Hãy để người đàn ông làm trụ cột gia đình.
Khi có con, tôi tự đặt ra cho mình một quyết tâm, hết sức cố gắng để duy trì hạnh phúc gia đình càng lâu dài càng tốt. Và tôi buộc mình phải thay đổi, dù phải hy sinh. Điều trước đây tôi chưa từng nghĩ tới, nhưng bây giờ tôi đang bắt đầu.
– Nhưng giờ chị sẽ ở Sài Gòn còn ông xã phải lo công việc dưới Cần Thơ. Anh chị chuẩn bị gì để lấp đầy khoảng cách ấy?
– Anh ấy vừa nhắn tin “nhớ hai mẹ con quá”. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý sẽ đi đi về về thăm nhau và luôn nhắc nhau phải lo kiếm tiền cho tương lai, không thể dựa mãi vào ba mẹ.
Bây giờ tôi và mẹ đang cùng con trai tôi ở Sài Gòn, còn ông xã và ba chồng lo việc ở Cần Thơ. Bà theo cháu lên thành phố đấy, bà nói phải giữ cháu (cười).
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Theo Mốt & cuộc sống