“Quỳnh Búp Bê” bị ngưng phát sóng: Tranh cãi không hồi kết về dán nhãn phim truyền hình

Không phải đợi cho đến khi dư luận và công chúng mới quan tâm đến việc dán nhãn và phân loại độ tuổi cho các nội dung trình chiếu trên truyền hình, nhất là các đài truyền hình quốc gia và phát sóng miễn phí (free to air). Từ lâu, đây đã là một đề tài gây tranh cãi của nhiều người mỗi khi có một hiện tượng nổi lên và thu hút sự chú ý của công chúng. “Hoa nắng” hay “Tuổi thanh xuân 2” từng phát sóng trên VTV là những ví dụ điển hình, đó là còn chưa nói đến một số bộ phim cũng có nhiều cảnh quay khá “nhạy cảm” được phát sóng trên HTV như “Cha dượng“, “Gió nghịch mùa” hay “Kiều nữ và đại gia“…

Thế nên, việc một tác phẩm táo bạo và đầy tính hiện thực về đề tài mại dâm như “Quỳnh búp bê” lại bị soi chiếu và tạm ngưng phát sóng khi đang phát sóng trên giờ vàng của VTV3 cũng là điều dể hiểu.

Bộ phim "Quỳnh Búp Bê" tạm dừng phát sóng từ ngày 12/7.
Bộ phim “Quỳnh Búp Bê” tạm dừng phát sóng từ ngày 12/7.

Giờ Vàng dành cho ai?

Xét theo một khía cạnh công tâm, “Quỳnh Búp Bê” là tác phẩm có khâu sản xuất, kịch bản và chất lượng nội dung khá tốt, đủ mạnh mẽ để tạo ấn tượng với người xem và khiến họ phải theo dõi nó từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, việc bộ phim này có nên được chiếu vào khung giờ 20h45 trên đài VTV3 hay không lại là một câu chuyện khác. Trước hết, chúng ta phải hiểu được định nghĩa “giờ Vàng phim Việt” này được đặt ra dùng để làm gì?

Phải chăng nó chỉ là một định nghĩa để cho thấy đây là khung giờ “hốt tiền” của nhà đài và công ty quảng cáo, hay nó còn có nghĩa là “thời điểm vàng” để tất cả mọi người, đối tượng khán giả có thể cùng nhau tập trung trước màn hình ti-vi thưởng thức một tác phẩm nào đó? Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, thì các nội dung được phát sóng vào thời điểm vàng này, đều phải được dán nhãn phù hợp cho mọi độ tuổi, chứ không phải là một tác phẩm 16+ hay 18+ như “Quỳnh Búp Bê“.

Kiều nữ và đại gia xoay quanh cuộc sống trên đất Sài Gòn của 3 kiều nữ miệt vườn. Đó là hai chị em bạn dì Quỳnh Hoa, Phương Hồng và người bạn thân Diễm Kiều. Những cô gái trẻ đẹp nhưng lắm mưu mô này tập trung thành một “đội săn” chuyên nghiệp, với “con mồi” béo bở là các đại gia thừa tiền lắm của.
Kiều nữ và đại gia xoay quanh cuộc sống trên đất Sài Gòn của 3 kiều nữ miệt vườn. Đó là hai chị em bạn dì Quỳnh Hoa, Phương Hồng và người bạn thân Diễm Kiều. Những cô gái trẻ đẹp nhưng lắm mưu mô này tập trung thành một “đội săn” chuyên nghiệp, với “con mồi” béo bở là các đại gia thừa tiền lắm của.

Song, điều “ngặt nghèo” ở đây là tại Việt Nam hiện nay chưa có một hệ thống phân loại độ tuổi chính xác và một khung chuẩn chung để đánh giá các nội dung truyền hình. Nếu nội dung phim chiếu rạp đã được áp dụng khung đánh giá trong vài năm gần đây và vẫn đang vấp phải nhiều tranh cãi thì mảng truyền hình thậm chí còn… mông lung hơn vì hầu như việc dán nhãn, đánh giá hay phân loại độ tuổi đều dựa vào cảm tính của dư luận – những ý kiến nhận xét rải rác đây đó chứ không hề có một hệ thống đánh giá nào đảm đương.

Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng vẫn có một vài tác phẩm bị cho là “không phù hợp” lên sóng truyền hình, và điều này đương nhiên gây tranh cãi vì sống truyền hình, đặc biệt là với một quốc gia có tỉ lệ người xem truyền hình miễn phí (free to air) cao như ở Việt Nam, được mặc định là dành cho mọi đối tượng.

"Game of Thrones" với đầy những cảnh máu me, chém giết, khoả thân dĩ nhiên được HBO dán nhãn 18+.
“Game of Thrones” với đầy những cảnh máu me, chém giết, khoả thân dĩ nhiên được HBO dán nhãn 18+.

Tại nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, hầu hết các hệ thống phân loại đều dựa trên hai quy tắc chính: phân loại theo độ tuổi và phân loại theo giờ chiếu. Mỗi quốc gia có cách đánh giá khác nhau nhưng hầu hết đều hoạt động theo những nguyên tắc chung rất đơn giản: những bộ phim được đánh giá là có nội dung không phù hợp với trẻ em thì sẽ được trình chiếu ở những thời điểm trẻ em không được phép xem truyền hình.

Ví dụ: thời đếm từ 6h đến 9h tối hiếm có quốc gia nào cho phép trình chiều những nội dung mang nặng về tính dục, bạo lực hoặc có khả năng gây kích động người xem. Hầu hết các thời điểm ban ngày từ khoảng 6h sáng đến 18h cũng tương tự. Các nội dung nặng ký được cho phép trình chiếu ở các thời điểm sau 21h hoặc thậm chí phải trễ hơn, sau 23h. Với một số quốc gia mà hệ thống truyền hình đã được “số hóa” hoàn toàn, các nội dung chỉ phù hợp cho người lớn thậm chí còn được chuyển sang kênh riêng, những kênh được dán nhãn dành cho người lớn hoặc các kênh truyền hình thu phí (TvoD), riêng những kênh truyền hình miễn phí đại chúng vẫn phải đảm bảo được nội dung “an toàn” cho tất cả mọi người.

Chính vì vậy, có thể nói việc dư luận lên tiếng về bộ phim “Quỳnh Búp Bê” có nhiều cảnh quay không phù hợp với đối tượng khán giả nhỏ tuổi cũng không phải là điều quá khắt khe, nhất là khi nó lại được chiếu trên “giờ vàng” của một đài truyền hình Quốc gia. Nếu ban đầu, bộ phim này được trình chiếu ở thời điểm sau 10h đêm hoặc 23h, thì có lẽ sự việc đã không ồn ào đến vậy.

Nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu trước việc các nhân vật bảo kê động mại dâm trong phim "Quỳnh búp bê" mặc trang phục giống lực lượng công an, cảnh sát.
Nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu trước việc các nhân vật bảo kê động mại dâm trong phim “Quỳnh búp bê” mặc trang phục giống lực lượng công an, cảnh sát.

Lối thoát nào cho phim 18+ trên truyền hình?

Xét cho cùng, việc các nhà sản xuất đánh liều thực hiện những tác phẩm có nội dung  “mạnh tay” vẫn là điều đáng khích lệ, bởi chỉ khi được quyền thỏa sức sáng tạo thì những nhà làm nghệ thuật mới có thể thể hiện được hết khả năng của họ và tạo ra những tác phẩm hay. Tuy nhiên, sân chơi nào cũng có quy luật của riêng nó, và truyền hình miễn phí dành cho tất cả mọi người không phải là sân chơi phù hợp của những bộ phim táo bạo.

Trong một cuộc thi nhằm kêu gọi các nhà làm phim trình bày ý tưởng để thực hiện các dự án phim dài tập cho một hệ thống phim truyền hình trả tiền (HOOQ) đang diễn ra ở các nước Đông Nam Á, quy định của cuộc thi này có nêu rõ: Nếu dự án của bạn là một dự án mà các đài truyền hình miễn phí sẵn sàng phát sóng, thì dự án của bạn không phù hợp để chúng tôi đầu tư. Họ chỉ chấp nhận đầu tư sản xuất xuất những bộ phim biết cách thách thức giới hạn, có đối tượng khán giả riêng, đầy tính giải trí nhưng cũng có “bộ lọc” của riêng nó – tiêu chí hàng đầu của nhiều hệ thống truyền hình trả tiền, truyền hình theo yêu cầu khác (TvoD hay VOD).

Việc cởi bỏ những xiềng xích phân loại sẽ giúp các nhà làm phim tự do sáng tạo.
Việc cởi bỏ những xiềng xích trong nghệ thuật sẽ giúp các nhà làm phim tự do sáng tạo, nhưng các bộ phim phải được phục vụ đúng đối tượng khán giả mà nó hướng tới.

Ở các nước phương Tây, Netflix, Amazon hay iTunes đều đang là những nền tảng VOD được ưa chuộng nhờ được xây dựng bằng kỹ thuật số và có khả năng lọc nhãn dán, phân loại độ tuổi và đối tượng khán giả, giúp tránh được tình trạng “trẻ em coi phim người lớn” hoặc ngược lại, và đây mới chính là những sân chơi mà các bộ phim như “Quỳnh Búp Bê” nên định hướng tham gia vào.

Việc bị tạm ngưng phát sóng ngay từ tập 6 của “Quỳnh Búp Bê” là cú sốc đối với nhà sản xuất, nhưng vẫn không phải là dấu chấm hết. Bộ phim hoàn toàn có thể chuyển sang trình chiếu trên một nên tảng VOD uy tín ở Việt Nam như Danet, ZingTV hay FPT Play. Điều này không chỉ giúp bộ phim sống lại  mà còn được phục vụ đúng với đối tượng khán giả của nó.

Nhìn chung, tương lai của việc phân loại phim và dán nhãn phim truyền hình của Việt Nam sẽ vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong thời gian đó, có lẽ các nhà làm phim nên dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc sân chơi nào là phù hợp với đứa con cưng của mình, thay vì cứ bị phụ thuộc vào khung giờ vàng như hiện tại.


From the same category