Bí mật của các hoàng hậu
Người Ấn Độ và thế giới cho đến giờ vẫn không hết lời ngợi ca nhan sắc của hoàng hậu Mughal Nur Jahan (1577-1645) – người vợ yêu quý của hoàng đế Mughal Jahangir. Tất cả các tài liệu đều ghi rằng nàng là một trang tuyệt thế giai nhân, người đã khiến hoàng đế mê mẩn và tìm mọi cách để có được nàng chỉ trong vòng 2 tháng sau lần gặp đầu tiên. Cái tên Nur Jahan có nghĩa là “Ánh sáng của thế giới” là do chính đức vua đặt cho nàng, không ngoài hàm ý ca ngợi nhan sắc và tài năng của hoàng hậu.
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra vẫn luôn là vẻ đẹp bất tử, biểu tượng của sắc đẹp mọi thời đại. Dù không ai biết đích xác dung nhan của Cleopatra, nhưng theo nhiều tài liệu cổ, sự thực thì nữ hoàng “tuyệt sắc” có nhan sắc chỉ thường thường bậc trung. Vậy vì lý do gì mà Cleopatra lại trở thành biểu tượng của sắc đẹp, một biểu tượng “sex” của thời cổ đại, khiến Ceasar nguyện dâng hiến cả đất nước Ai Cập cho người đẹp, khiến mọi vương tử và hoàng đế đều mong có được người phụ nữ quyền lực nhất thế giới cổ đại với nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” này?
Bí mật của hoàng hậu Mughal Nur Jahan là hoa hồng. Và bí mật về sự quyến rũ của Cleopatra cũng là thứ hương thơm kỳ lạ từ các loài hoa, trong đó có hoa hồng.
Hoàng hậu Mughal đã dùng nước hoa hồng với bùn khoáng trộn cùng tinh dầu xạ hương và sữa để tạo thành mặt nạ đắp mặt và toàn thân. Lịch sử Ấn Độ cho rằng hoàng hậu Mughal Nur Jahan chính là người khám phá ra tinh dầu hoa hồng sau một phát hiện rất tình cờ khi thấy nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời khiến tinh dầu tách ra khỏi cánh hoa và nổi lên trên mặt nước. Bà đã cho gạn lấy thứ tinh dầu đó và phát hiện ra rằng đó là thứ hương thơm tuyệt vời nhất cho dung nhan của phụ nữ.
Còn Cleopatra nổi tiếng với liệu pháp tắm tinh chất chiết xuất từ hoa hồng kết hợp với sữa tươi, vừa tạo hương thơm cho cơ thể, vừa giúp nữ hoàng có làn da mịn màng như lụa. Bà cũng được cho là người đã phát minh ra thể sơ khai của nước hoa, dưới dạng tinh dầu thô. Theo nhiều sứ giả, sở dĩ một dung nhan “rất bình thường” như Cleopatra có sức hút đầy ma lực với đàn ông như vậy là bởi chính thứ hương thơm đặc biệt trên cơ thể bà. Cleopatra đã quyến rũ đàn ông bằng một loại tinh dầu đặc biệt, tỏa ra hương thơm làm mê đắm đàn ông, khiến họ mất hết lý trí và nghe theo mọi yêu cầu của bà.
Những cánh hoa hồng “cải lão hoàn đồng”
Nhờ chứa các thành phần có tác dụng làm lành, hoa hồng là một nhân tố quan trọng trong hệ thống trị liệu bằng hương thơm Ayurveda nổi tiếng. Thuật Ayurveda sử dụng hoa hồng dưới dạng tinh dầu, trà, nước sắc, và cồn thuốc. Các bác sĩ cổ đại đã dùng hoa hồng để làm dịu thần kinh bởi hương thơm của nó có khả năng giúp tâm trí yên bình, kích thích thư giãn và mang đến cảm giác hạnh phúc, khỏe khoắn. Tinh dầu hoa hồng, cánh hoa hồng và các chiết xuất của hoa hồng dưới dạng nghiền hoặc bột được dùng trong sữa tắm, nước hoa, lotion dưỡng da và thuốc. Từ khi ngành công nghiệp làm đẹp còn sơ khai, hoa hồng đã là một nhân tố quan trọng nhờ rất nhiều thành phần tăng cường nhan sắc và làm lành da của nó. Hơn nữa, hoa hồng cũng dễ kết hợp với các chiết xuất khác trong công thức làm đẹp, chẳng hạn đàn hương, chanh và nhiều thành phần khác, không chỉ để chăm sóc da mà còn điều trị các vấn đề về da.
Nước hoa hồng là một trong những toner chăm sóc da tự nhiên tốt nhất. Nó không chỉ giúp da tươi mát, khỏe mạnh mà còn có tác dụng với cả các mao mạch, giúp cải thiện tuần hoàn máu tới bề mặt da. Nước hoa hồng được cho là có chứa các vitamin A, C, D, E và B3 cùng các khoáng chất như canxi, kali, rất quan trọng với hoạt động của tim. Ngoài ra nó còn chứa đồng và I ốt, giúp cải thiện chức năng của tuyến nội tiết và tuyến giáp. Và quan trọng nhất là nó phù hợp với mọi loại da, kể cả da nhạy cảm và da mụn. Sharose, một loại hoa hồng Ấn Độ được sử dụng trong nước tonic giúp cải thiện cấu trúc da và giảm tắc lỗ chân lông. Nó được dùng để làm dịu những làn da bị mụn và mẩn đỏ.
Nước hoa hồng cũng là một chất làm mát tự nhiên, giúp làm sạch da mặt và lấy đi lớp màng chất bẩn, dầu và mồ hôi trên bề mặt da. Dùng bông tẩy trang nhúng nước hoa hồng đắp lên mắt có khả năng tái sinh vùng da quanh mắt, làm sáng mắt, giảm sưng phồng và mệt mỏi ở vùng mắt. Cùng với các thành phần khác như mật ong, sữa chua, yến mạch, bột gỗ đàn hương, trứng gà, … nước hoa hồng có thể dùng như mặt nạ giúp lấy lại sức thanh xuân cho da mặt.
Kể từ khi người ta phát hiện ra những thành phần trị liệu trong hoa hồng, rất nhiều những chứng đau ốm nhẹ cũng nhờ hoa hồng mà được trị dứt. Thành phần dược học chính của hoa hồng là tinh dầu hoa hồng. Nó được sử dụng để cân bằng những căn bệnh có liên quan đến hệ thần kinh và điều trị những rối loạn tiêu hóa, giúp cơ tim khỏe mạnh hơn, trong khi việc tắm với những cánh hoa hồng có thể làm giảm mệt mỏi và lo lắng.
Không chỉ những cánh hoa hồng, quả của những cây hoa hồng đỏ thường cũng được sử dụng trong chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe, bởi nó rất giàu vitamin C. Trong trị liệu Ayurveda, trà thảo dược làm từ quả hoa hồng được dùng để trị những bệnh nhẹ như cảm lạnh, cúm hoặc nặng như viêm khớp, thận và đường tiết niệu… Người ta cũng dùng dầu quả hoa hồng để trị bệnh bởi loại quả này có chứa những thành tố như flavonoids giúp chống lại các chứng viêm nhiễm, trị những vết trày trên da và giữ cho da khỏe mạnh, hồng hào. Trong massage trị liệu bằng hương thơm, dầu quả hoa hồng giúp mang lại sự thư thái cho tinh thần khỏi stress và giữ cho trí óc được bình tĩnh. Nghiên cứu đã cho thấy thành phần axit ascorbic có trong quả hoa hồng nhiều gấp 10 lần dâu đen, 50 lần chanh và 100 lần táo.
Theo Sành điệu