Quyền lực mềm ngày càng tỏ ra có hiệu quả trên bàn cờ chính trị, kinh tế, văn hóa. Điều này được thể hiện rõ trong cuốn thứ 2 của Joseph Nye có tên: “Soft Power: The Means to Success in World Politics” ra mắt năm 2004.
Một cuộc chạy đua rộng khắp của các ông lớn trên khắp thế giới để chứng tỏ Quyền lực mềm của đất nước họ. Mỹ luôn là quốc gia dẫn đầu trong cuộc chạy đua này. Vòi bạch tuộc của Hollywood thử hỏi còn chỗ nào trên trái đất này không vươn đến? Điện ảnh là thứ hiệu quả nhất của Quyền lực mềm chính trị. Tất nhiên họ còn hàng chục món tinh hoa và đại chúng khác trong bàn cờ Quyền lực mềm.
Ấn Độ có Bollywood lan tỏa khắp đất nước 1,3 tỷ dân. Họ nhảy múa để giúp người dân nước họ quên đi lầm than dưới ánh mặt trời và chống cự sức ảnh hưởng của Hollywood cũng như các nền văn hóa khác. Họ còn ảnh hưởng đến các quốc gia Hindu giáo và Hồi giáo ở châu Á. Nhật Bản có Cool Japan với anime và samurai, hoa anh đào và sushi – toàn là những thứ quá cool. Hàn Quốc phát huy tác dụng của Hallyu Wave – Làn sóng Hàn Quốc mới hai thập niên mà khiến giới trẻ châu Á điên đảo, tới mức sẵn sàng hôn ghế ngôi sao vừa ngồi. Ngay cả Iran, dù bị cô lập chính trị, dù bị kiểm soát gắt gao, các nghệ sĩ nước này vẫn không ngừng quảng bá sức mạnh của nền văn hóa Ba Tư vĩ đại. Thử hỏi có LHP Quốc tế lớn nào trên thế giới mà phim Iran không có mặt và cầm giải thưởng cao nhất mang về cho đất nước họ?
Cuộc chạy đua Quyền lực mềm của Trung Quốc chỉ thực sự mạnh lên trong hơn một thập kỷ gần đây khi nền kinh tế của nước này cất cánh. Nền chính trị khiến Trung Quốc khó có được một Làn sóng Hàn, một Cool Japan hay một Hollywood rực rỡ vì chính sách kiểm duyệt khiến nghệ sĩ xứ này khó mà bung tỏa khi trên đầu luôn có vòng kim cô vô hình siết chặt. Trung Quốc từng sử dụng Quyền lực mềm kiểu Iran, mang tinh hoa đến các LHP quốc tế và giật giải, nhưng họ nhận ra lợi bất cập hại, bởi các bộ phim được phương Tây tôn vinh luôn là những bộ phim soi chiếu vào mặt tối tăm của lịch sử hay chế độ kiểm duyệt hà khắc của nước này. Nói tóm lại là méo mó. Mà Cành cọ vàng, Sư tử vàng, Gấu vàng, Nobel văn chương họ có đủ rồi, còn mỗi cái tượng Oscar là Mỹ chưa chịu trao nữa thôi.
Họ bắt đầu sử dụng tiền để quảng bá văn hóa và chính trị. Hàng đống tiền cho quảng bá văn hóa đồng hành cùng đầu tư chính trị tràn khắp châu Phi, các quốc gia khủng hoảng chính trị ở Nam Mỹ. Thay vì đầu tư nhân đạo kiểu các tổ chức phi chính phủ của phương Tây, Trung Quốc đầu tư thực dụng hơn và có vẻ hiệu quả hơn nhiều: dùng tiền để mua chuộc và thống lĩnh. Xong châu Phi và vài quốc gia Nam Mỹ. Trung Quốc bắt đầu hướng đến các quốc gia giàu có, văn minh ở phương Tây và mấy anh láng giềng ở châu Á.
Hãy thử nhìn vào chính sách sử dụng Quyền lực mềm của Trung Quốc qua điện ảnh. Điện ảnh Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng gần 50% trong khi Bắc Mỹ chỉ 8%. Trung Quốc có 32.000 rạp chiếu phim và mỗi ngày xây thêm 22 rạp chiếu. Trung Quốc xây Chinawood, các LHP quốc tế tầm cỡ để cạnh tranh với Hollywood, Bollywood. Dự báo 2 năm nữa Trung Quốc vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Rồi, đã vươn lên số 1, đã xong phần nội địa.
Giờ là lúc dùng Quyền lực mềm để quảng bá và đưa điện ảnh ra bên ngoài, tạo sức ảnh hưởng như Hollywood. Con đường này tất nhiên khó khăn và gian nan hơn nhiều. “Mỹ nhân ngư” của Châu Tinh Trì thu hơn 500 triệu đô la ở Trung Quốc, là phim đạt doanh thu nội địa cao nhất của năm nay nếu chỉ tính thị trường nội địa. “Captain America: Civil war” và “Finding Dory” mới chỉ thu trên 400 triệu đô la ở thị trường Bắc Mỹ. Nhưng tất nhiên hai bộ phim của Mỹ nói trên thu thêm hàng trăm triệu đô la nữa khắp thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc. Thậm chí Trung Quốc còn trở thành cái sân sau gánh lỗ cho Hollywood. “Warcaft” lỗ sặc máu tại Bắc Mỹ, kinh phí 180 triệu đô mà chỉ thu được 45 triệu đô ở Bắc Mỹ.Đừng lo, đã có Trung Quốc hốt. 220 triệu đô la tiền vé phim này thu về ở Trung Quốc, gấp 5 lần thị trường mẹ. Hollywood thở phào nhẹ nhõm. Hàng đống bom tấn lỗ sặc máu của Hollywood hè này đều có Trung Quốc gánh lỗ. Vậy nên đừng ngạc nhiên hay ca thán nữa khi đám sao Trung Quốc đóng những cái vai tầm phào vô bổ trong phim Hollywood nữa. Đến “Ironman” nổi tiếng kiêu hãnh cũng đã xài smartphone Vovo của Trung Quốc trong “Captain America: Civil War” rồi đấy!.
Trung Quốc mua chuộc được Hollywood theo chính sách có lợi cho đôi bên, nhưng rất khó để mua chuộc khán giả các nước phương Tây. “Mỹ nhân ngư” lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại tại Trung Quốc với hơn 500 triệu đô nhưng mang sang Bắc Mỹ chiếu chỉ thu được 3 triệu đô nhưng nhờ chủ yếu vào cộng đồng người Hoa.Con số này thậm chí còn thấp hơn tại thị trường Việt Nam. Nhưng trong khát vọng chinh phục quốc tế qua Quyền lực mềm, Trung Quốc xây dựng cả một chiến lược dài hơi và có cả những chính sách khuyến khích nghệ sĩ bằng kinh tế hẳn hoi
Chỉ cần một bộ phim của Trung Quốc đạt doanh thu 150.000 đô la trở lên tại thị trường quốc tế, các nhà sản xuất và nghệ sĩ sẽ được chính phủ nước này thưởng 1% trên con số đó. Các anh nghệ sĩ, nhà sản xuất và thậm chí các tỷ phú Tàu đã nhảy vào sân chơi điện ảnh đang phát triển như vũ bão. Và phép thử cho Quyền lực mềm trong điện ảnh của Trung Quốc là “The Great Wall” của Trương Nghệ Mưu, sử dụng một biểu tượng di sản văn hóa lịch sử kiến trúc đầy kiêu hãnh của Trung Hoa, sử dụng một dàn sao lớn của Mỹ (Matt Damon, Willam Dafoe) và Trung Quốc (Lưu Đức Hoa và một đám sao mới của nợ không biết tên), mời cả một dàn làm CGI phim bom tấn của Hollywood và đầu tư 130 triệu đô la (cả marketing nữa chắc lên 200 triệu đô). Một siêu phẩm đạt tầm quốc tế, một phép thử Quyền lực mềm của Trung Quốc. Để xem nó phát huy tác dụng đến đâu?
Còn chúng ta? Tẩy chay ba cái lẻ tẻ chẳng làm được cái gì đâu. Đừng tốn công, đừng tổn thương vì một đám nghệ sĩ của xứ họ.
Các bạn nghĩ tẩy chay khách du lịch Trung Quốc là thể hiện lòng yêu nước? Các bạn nghĩ dừng chiếu phim trên họ trên đài truyền hình hay ở rạp là thể hiện tình yêu dân tộc? Nó chẳng khác gì cách đập những chiếc Iphone của công dân nước họ vì chúng được sản xuất ở Phillippines. Nó chẳng khác gì người Trung Quốc đốt sách của Haruki Murakami để chống Nhật. Đó là những cách phản ứng yếu ớt và người thiệt đầu tiên chính là chúng ta.
Hãy lựa chọn, hãy thanh lọc, hãy tập thói quen “ignore” những thứ tầm phào. Hãy ủng hộ cho văn hóa Việt. Và mỗi ngôi sao, mỗi người Việt Nam hãy biết tôn vinh và bảo vệ những giá trị Việt.
Bởi, nước họ mạnh không đáng sợ bằng nước ta yếu.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến Quyền lực mềm của Việt Nam? Chúng ta có không? Có, thưa quý vị. Chắc chắn.
Chúng ta có nền văn hóa 4000 năm. Chúng ta có 90 triệu dân đang khát văn hóa nghệ thuật giải trí. Chúng ta có những di sản vật thể và phi vật thể. Chúng ta có những món ngon ẩm thực đang vang danh khắp thế giới. Hãy sử dụng những sức mạnh để quảng bá và lan tỏa. Hãy đầu tư cho các nghệ sĩ tử tế và có tầm nhìn xa.
Đấy là cả một chiến lược dài hơi và cần sự chung sức của tất cả chúng ta. Những nhà quản lý văn hóa có tầm nhìn xa. Những nhà sản xuất tâm huyết và tử tế. Những nghệ sĩ tài năng và có phẩm cách. Những trendsetter và influencer không im lặng, biết lên tiếng khi cần chứ không chỉ để bán hàng trên mạng. Những khán giả thông minh, tỉnh táo và có thẩm mỹ.
Tất cả chúng ta hãy vào cuộc vì một Soft Power, vì một Quyền lực mềm.
Bởi: Khi chúng ta mạnh, chúng ta chẳng sợ con ngáo ộp nào cả!