Bây giờ mà gặp Quyền Linh, người ta cứ tưởng là một Đức ông. Quần anh phẳng phiu, áo anh phẳng phiu, tóc anh phẳng phiu, giày anh phẳng phiu và răng anh đương nhiên cũng vừa trắng bóng vừa phẳng phiu.
Để có được sự phẳng phiu toàn diện đó, Quyền Linh như một nhà chiến lược đại tài, thực hiện chủ trương của Mao chủ tịch “lấy nông thôn bao vây thành thị”.
Quyền Linh là một nghệ sĩ từ nông dân mà ra, sau đó từ nông dân mà lên. Điều khôn khéo, cũng là điều vĩ đại của anh là anh nhanh chóng phát hiện ra phải trung thành với sự nông dân đó, trong khi kẻ khác, hễ có cơ hội, vội vã chối bỏ.
Ai cũng có thể đẹp trong complê và cà vạt. Nhưng chả ai đẹp bằng Quyền Linh trong áo bà ba, quần xắn ống thấp ống cao. Với trang phục này, với chương trình “Vượt lên chính mình”, Quyền Linh như một cỗ xe tăng, lừ lừ đi vào nghệ thuật đè nát mọi thứ trên đường.
Không nghệ sĩ nào dễ gần hơn Quyền Linh. Bất cứ trò gì anh cũng có khả năng tham gia, kể cả những trò tuyệt mật. Khéo cả miền Tây Nam bộ đã uống rượu với anh, và khéo toàn bộ ông bố nông dân ở đấy đều đã hứa gả con gái cho anh, rất lâu sau mới hối hận.
Quyền Linh có tài biến mọi sự ngớ ngẩn thành dễ thương và mọi sự dễ thương thành ngơ ngác. Anh có khả năng đeo cà vạt, hoặc… đeo quần đùi, mặc cà vạt mà vẫn không lố bịch. Mọi thứ vào tay anh tự nhiên toát ra vẻ hồn nhiên đến sững sờ.
Tôi quen Quyền Linh gần hai chục năm. Thời đó anh đẹp trai hơn nhưng vẻ ngây thơ thì vẫn y nguyên. Trong bộ phim vĩ đại của tôi, có tên là “Trái tim chó sói” (phim này sau đó đoạt giải Oscar) Quyền Linh đóng vai một nhân vật đeo mặt nạ chả nhìn thấy chân dung đâu. Đến khi mặt nạ rơi ra, anh bị Mỹ Duyên đập một cú như trời giáng, ngã lăn xuống chết.
Đó là vai diễn lớn nhất mà anh và tôi hợp tác cùng nhau. Và đấy cũng là vai đầu tiên của Quyền Linh trong điện ảnh. Bằng cái chết của mình, Quyền Linh đã làm điện ảnh sang một trang mới, chứa đầy hứa hẹn. Có thể nói không ngoa, rất nhiều thứ sống lại từ cái chết của anh.
Trong liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Quyền Linh ở khách sạn Bảo Sơn. Hình như đây là lần đầu tiên anh ở một khách sạn danh giá như thế. Anh bèn đĩnh đạc xuống nhà ăn, truyền mang gấp một chén chè sen để dùng cho thơm miệng. Cung nữ thành kính dâng lên. Dùng xong, hóa đơn thanh toán gần chục đôla, Quyền Linh lăn ra chết lần thứ hai, mặc dù cái chết này chả liên quan gì tới nghệ thuật.
Chưa hết, sau khi phát hiện ra giá giặt ủi ở khách sạn toàn đôla, loại tiền mà anh ghét nhất do ít khi nhìn thấy, Quyền Linh quyết định và suy nghĩ: Nếu nông dân tự cày cấy thì tại sao ta không tự giặt là. Giặt thì đơn giản, đã có lavabô, còn là thì cả phòng chỉ có mỗi ổ cắm điện trong toilet. Vậy là Quyền Linh hăng hái cắm bàn ủi vào đó, còn đồ ủi thì… trải lên nắp bàn cầu. Cái nắp ấy bằng nhựa (giống như phim nhựa) và nó chảy ra. Đến lượt khách sạn lăn ra chết.
Ngày nay, nếu du khách tham quan khách sạn Bảo Sơn, sẽ được ban giám đốc đưa vào căn phòng có Quyền Linh gây án. Chỗ đó để một bảng chữ vàng “Nghệ sĩ nhân dân Quyền Linh đã làm cháy ở đây”. Giá thuê căn phòng lịch sử ấy là 1.000 đôla một đêm mà luôn luôn kín chỗ. Nhiều thiếu nữ chỉ mong vào đấy một lần rồi chết cũng cam.
Truyền thuyết về Quyền Linh thì nhiều lắm. Bạn bè anh, ai cũng sở hữu ít nhất vài truyện, mà có cái, nếu tiết lộ, sẽ khiến nửa Sài Gòn bàng hoàng, còn nửa kia run lên vì sợ hãi. Nhưng không phải như thế không là Quyền Linh.
Còn lâu Quyền Linh mới là một nghệ sĩ hoàn hảo. Anh hư gấp một trăm lần Lê Hoàng mặc dù chỉ thông minh hơn gấp mười lần. Nhưng trùm lên tất cả, Quyền Linh quá dễ thương. Đến mức anh xây nhà xong, anh cố tình đi vắng và mở cửa cho trộm vào. Khi trộm chỉ vào có ba lần, anh sốt ruột!
Nếu phim Việt Nam được giải Oscar, khi đọc tên, có một nghệ sĩ vác cuốc, quấn khăn rằn, quần xắn tới đầu gối nhưng lại đeo cà vạt bước lên nhận, tôi cam đoan đó chính là Quyền Linh, và tôi biết ngày ấy không còn xa nữa.
Ảnh: LĐL – tư liệu