Xuất thân từ miền quê, diễn viên, MC Quyền Linh chia sẻ có những thứ rặt chất nông dân anh không thể thay đổi, như thích mặc quần vải, loẹt quẹt dép lê hay nói cười hồn nhiên, chất phác. Tuy nhiên, có một điều anh lại chuyển biến nó được. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ, vốn đã ăn sâu vào tư tưởng các thế hệ của một gia đình gốc miền Tây như anh…
Quyền Linh tâm sự: Vợ chồng tôi, đặc biệt là tôi, từng áp lực chuyện con trai con gái. Gia đình nội ngoại cũng mong có cháu trai. Khi vợ sinh con gái, tôi cũng buồn. Nhưng chỉ lúc đầu thôi. Bởi sau đó, càng ngày mình càng yêu con, gắn bó với con. Nhất là khi nó lớn, biết kêu ba ba, chao ôi, hạnh phúc làm sao. Thấy con ngày càng đáng yêu, tôi chẳng còn phân biệt con trai con gái nữa. Thậm chí, khi nghe mấy người bạn kêu là con trai quậy hết chịu nổi, tôi lại vui vui, tự hào, vì con gái mình lúc nào cũng ngoan ngoãn, dễ thương. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, nếu nó là con trai như mình mong muốn lúc đầu, chắc gì giờ mình đã vui thế này.
Lúc vợ mang bầu bé thứ hai, ai cũng nói chắc tôi mong con trai lắm. Tôi lắc đầu, nói rằng thích con gái nữa. Kể cả sinh thêm đứa thứ ba, thứ tư hay thứ chín, thứ mười thì tôi vẫn thích con gái. Mặc dù con trai con gái đều quý như nhau. Nhưng tôi trót “khoái” con gái quá rồi. Giờ bên nội, bên ngoại nhiều khi còn quý và chiều cháu gái hơn. Vì cháu gái biết làm nũng, biết đấm bóp, biết giúp đỡ ông bà nhiều lắm.
Mà tôi thấy con gái dễ thương lắm. Mỗi lần cả nhà đi đâu, nhìn các con xúng xính váy áo, đeo nơ, kẹp tóc mới duyên dáng làm sao. Ở nhà, các con cũng chu đáo lắm. Lọ Lem mới 6 tuổi, Hạt Dẻ 4 tuổi, nhưng tự phân công nhau chăm sóc ba, đứa lấy nước, lấy gối cho ba ngủ, tắt đèn cho ba, đứa kéo màn, mở quạt, đóng cửa…
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Quyền Linh
Tôi nghĩ, con nào cũng là con mình. Điều quan trọng là hãy chăm lo cho con ăn học thành đạt, trở thành người có giáo dục, có giá trị trong xã hội. Tôi muốn nhắn với những người chỉ muốn có con trai rằng, bạn hãy thử đẻ một đứa con gái đi, hãy thương yêu, chăm sóc nó, thì nó sẽ chăm sóc, thương yêu lại mình biết nhường nào. Còn chuyện nối dõi thì con cháu nào đều chẳng là máu mủ, ruột thịt của mình. Ngày xưa, các cụ còn có tư tưởng là đẻ con trai thì được thêm con dâu, đẻ con gái thì mất về nhà người ta. Nhưng bây giờ, dù đẻ con trai hay con gái, thì có mấy đứa chịu sống chung với mình đâu. Kể cả rước dâu về thì cũng đi làm mất tiêu, đâu phải ở nhà để hầu hạ, phục vụ bố mẹ chồng.