Quyền không làm mẹ?

Bất chấp tỷ lệ sinh trên thế giới sụt giảm ở mức báo động, nhiều phụ nữ vẫn quyết định trì hoãn lập gia đình và từ chối sinh con. Vậy điều gì đã khiến họ từ chối thiên chức cao quý này?  

 

“Hòn đá” cản trở lộ trình thăng tiến?

Phụ nữ hiện nay ngày càng độc lập và tự chủ về tài chính. Họ có thể đảm nhận những công việc mà trước đây được xem là “sân chơi” của cánh mày râu. Thế nhưng, quả thật rất khó để có thể chu toàn sự nghiệp và gia đình riêng cùng một lúc. Họ thường có tâm lý đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Cho đến khi kinh tế ổn định hoặc dư dã, họ mới bắt đầu nghĩ đến chuyện kết hôn và sinh con. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc giảm từ mức 0.78 (2022) xuống mức thấp kỷ lục 0.72 (2023). Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo 2.1 để đảm bảo dân số ổn định. Một khảo sát gần đây được thực hiện bởi công ty nghiên cứu STI chỉ ra tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc có chiều hướng giảm mỗi năm vì hai lý do chính. Thứ nhất, họ e ngại việc sinh con có thể làm chậm quá trình thăng tiến sự nghiệp. Thứ hai, chi phí sinh hoạt khi có con “đội” lên rất nhiều cũng là một trong những lý do khiến tỉ lệ sinh con ở đất nước này sụt giảm nghiêm trọng

Ashley Park là một nhân viên công sở đang công tác tại một công ty dược Seoul. Xuất phát điểm của Ashley vô cùng hoàn hảo với khả năng Tiếng Anh lưu loát, bảng điểm cao, tính cách hòa đồng. Đang trên đà thăng tiến, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến khi Ashley mang thai. Công ty buộc cô phải nghỉ việc vì họ cho rằng không có bất kỳ vị trí nào phù hợp với phụ nữ đã có con. Khi đó, cô mới nhận ra tất cả phụ nữ làm việc trong công ty đều độc thân hoặc không có con chủ yếu ở độ tuổi U40.  

Từ trường hợp của Ashley Park có thể thấy, chốn công sở Hàn Quốc đã tước đi cơ hội làm việc của phụ nữ có con. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng e ngại việc tuyển dụng một phụ nữ trẻ vào làm việc. Lý do các công ty lo ngại việc họ sớm nghỉ việc sau kết hôn và tiếp tục rơi vào vòng lặp tuyển dụng và đào tạo người mới khi có nhân viên nghỉ thai sản. Do đó, nếu đặt trên bàn cân giữa sự nghiệp và con cái, phụ nữ Hàn Quốc hiện đại chấp nhận đánh đổi cuộc sống an phận thủ thường để đổi lấy thành công ngoài xã hội.

Jungmin Kwon, phó giáo sư tại Đại học bang Portland ở Oregon cũng chỉ ra rằng nhận thức về bình đẳng giới trở nên rõ ràng hơn. Phụ nữ có nhiều khả năng kinh tế cũng như sự lựa chọn trong nghề nghiệp hơn trước. Họ ngày càng có khả năng sống tự lập mà không phụ thuộc vào đàn ông. Bà Kwon cho biết: “Nhiều phụ nữ không chỉ từ chối sinh con mà họ còn không kết hôn, vì không muốn bó buộc cuộc sống ‘cúi trên nhường dưới’ chăm lo gia đình chồng, chưa kể ngoài xã hội họ còn bị đánh giá thấp mặc dù có kỹ năng và trình độ học vấn cao”. 

Tàn dư tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”

Trung Quốc được biết đến là đất nước tỷ dân nhưng hiện thực không giống như chúng ta vốn nghĩ, vì tỷ lệ sinh con của quốc gia này đang rơi vào vùng nguy hiểm với tổng tỷ suất sinh 1.5.  Mặc dù chính phủ đã nới lỏng và khuyến khích sinh hai con, nhưng dường như Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy khó có thể đảo ngược khi ngày càng nhiều phụ nữ ở quốc gia này quyết định không sinh con. Nếu đặt vào cương vị phụ nữ Trung Quốc dễ dàng hiểu vì sao họ từ chối sinh con. Nguyên nhân gốc rễ đến từ việc quốc gia này vẫn còn đặt nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. 

Lớn lên trong một xã hội định kiến, vai trò người phụ nữ tại Trung Quốc từ trước đến nay vốn dĩ không được xem trọng bằng người đàn ông. Đặc biệt, khi trở thành vợ, mẹ và con dâu, họ còn phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bên cạnh đó, những người phụ nữ này cũng gánh vác trên vai trọng trách “nối dõi tông đường”, nếu không thực hiện trọn bổn phận thì họ sẽ không được coi là người vợ tốt và một người mẹ yêu thương. Chính vì thế, khi nhận ra sự gia trưởng còn tồn tại, chắc chắn người phụ nữ sẽ chọn cách tự bảo toàn bằng việc từ chối kết hôn lẫn thiên chức làm mẹ, lựa chọn chủ nghĩa độc thân.  

Mặt khác, một số phụ nữ ly hôn tự cho mình may mắn kể cả khi không được phân chia bất kỳ tài sản. Những người kém may mắn hơn có thể phải trải qua bạo lực gia đình. Vì vậy, đối với phụ nữ, độc thân trở thành giải pháp cho các vấn đề kể trên. Và nếu mức tỷ lệ sinh thấp là vấn đề của xã hội thì việc sinh con không phải là nghĩa vụ chỉ mỗi phụ nữ gánh vác. 

Độc thân là một lựa chọn

Ngày nay, phụ nữ muốn tận hưởng cuộc sống độc thân tự do hơn là gò bản thân vào hôn nhân và con cái. Một báo cáo do chính phủ Nhật công bố gần đây chỉ ra rằng phụ nữ ngại kết hôn vì họ thích tự do, có sự nghiệp viên mãn và không muốn gánh vác vai trò người nội trợ truyền thống. Mizuka, một nhân viên văn phòng hiện sinh sống và làm việc tại Tokyo cho biết, cô hài lòng với cuộc sống độc thân. Cô có thể làm những việc tôi muốn và không phải đắn đo. Chẳng hạn, Mizuka có thể thức khuya để xem một bộ phim mà cô thích, hay gặp gỡ bạn bè hoặc đi du lịch bất cứ khi nào mà không có sự vướng bận. Từ đây dễ dàng nhận thấy, sống trong một xã hội hiện đại, công nghệ tiên tiến và tư tưởng cởi mở đã khiến phụ nữ đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Họ có quyền được lựa chọn cuộc sống mà bản thân mong muốn. 

Yêu lấy bản thân 

Một kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện vào năm 2021 chỉ ra có khoảng 44% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 49 chưa có con. Họ tin rằng bản thân khó đảm đương vai trò làm mẹ. Tiết lộ lý do đằng sau quyết định không có con, phụ nữ ở đất nước này cho biết họ muốn tận hưởng cuộc sống và không muốn “thăng chức” làm mẹ.

Nhân viên chính phủ tại Mỹ Dyanna Volek chia sẻ với CNN rằng cô đã chứng kiến mẹ hy sinh giấc mơ trở thành tiếp viên để một mình nuôi con khôn lớn. Vì lẽ đó, Volek không muốn lặp lại nỗi vất vả này trong cuộc đời mình, nên cô không quan tâm quá nhiều đến vấn đề kết hôn và sinh con. Việc không có con đã mang lại cho Volek cảm giác tự do mà những người làm cha mẹ không bao giờ có được. Trong cuộc sống hằng ngày, cô có nhiều thời gian dành cho bản thân. Hơn thế, Volek có thể nỗ lực hướng đến nghỉ hưu sớm, một mục tiêu được xem khó có thể đạt được tại thành phố đắt đỏ như San Francisco. 

Dyanna Volek chia sẻ trong một bài phỏng vấn với CNN về vấn đề từ chối quyền làm mẹ

Không chỉ riêng Volek mà còn rất nhiều phụ nữ trong xã hội đưa ra quyết định tương tự. Điều này đã làm dấy lên hai luồng ý kiến. Thứ nhất, những người có chung hoàn cảnh với Volek đồng cảm với lý tưởng của cô. Họ mong cô và cũng mong cho chính bản thân mình được sống là chính mình, làm những gì mình muốn. Số khác cho rằng quyết định của Volek quá đỗi cảm tính và có phần ích kỷ vì không đặt mình vào vị trí của mẹ. Tuy vậy, dù bất kỳ lý do nào thì quyết định cuối cùng vẫn hướng đến cuộc sống hạnh phúc, tự do tự tại.

Bất kể lý do phụ nữ ngày nay không còn mặn nồng với việc có con là gì đi nữa thì có một sự thật không thể phủ nhận – đó là phụ nữ đã từng bước thoát ly khỏi chuẩn mực xưa cũ của xã hội. Họ độc lập, tự tin và dám đưa ra quyết định cho tương lai của cuộc đời mình, chứ không còn sống nhún nhường với thái độ nhìn nét mặt người khác nữa.

Nguồn: Tổng hợp


From the same category