Quyền được sến cũng giống như quyền được sang - Tạp chí Đẹp

Quyền được sến cũng giống như quyền được sang

Bộ Sưu Tập


Trong wikipedia.com, có ghi những dòng như sau: Ca sĩ Duy Mạnh, sinh năm 1975, là nam ca sĩ và nhạc sĩ dòng nhạc nhẹ Việt Nam, học tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Piano. Phần xem thêm có đường link đề mục: “Nhạc nhão”, “Nhạc sến tân thời”. Một số ca sĩ thường hay mua ca khúc của Duy Mạnh, anh cũng thường hay chơi nhạc trong các quán café, bar, và cố gắng mọi sức cho ra đời album đầu tay “Tình em là đại dương”. Với tiếng đàn piano, xen kẽ sáo, nhị… giọng hát đậm chất bolero, tự sự trữ tình thê thiết, và đến khi “Kiếp đỏ đen”, “Hãy về đây bên anh” ra đời, Duy Mạnh lập tức trở thành hiện tượng năm 2005. Nhờ những bài hát được/ bị mang danh sến, anh đã sống khá sung túc và ổn định. Gặp Duy Mạnh tại quán Paris Deli, anh cho biết mới đi diễn tại nước ngoài về. Cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và cởi mở xoay quanh… Sến.

 


TÔI KHÔNG ĐỊNH THAY ĐỔI PHONG CÁCH

 
Sến dưới góc nhìn của anh là gì?

 
Sến, theo tôi hiểu, nếu trong cuộc sống người ta ăn mặc diêm dúa một cách quá lố, rườm rà một cách quá lố, thì gọi là sến. Còn trong nhạc, là biểu hiện của những nốt nhạc, những nốt luyến láy hoa mỹ quá mức cho phép. Ví dụ như trong một bài thể loại nhạc nhẹ, mình sài cái từ luyến láy dạng dân ca, cải lương cho vào, lập tức, bản nhạc bắt đầu sến. Thực ra, nếu sử dụng từ hoa mỹ luyến láy đúng mức độ, nó sẽ trở nên bình thường.

 
Xem thông tin về nhạc của anh, quá nhiều bài đề cập đến từ sến, vậy anh thấy thế nào với những nhận xét cho rằng nói đến Duy Mạnh, là nói đến nhạc sến không?
 
Nói chung là tôi cũng không biết người ta nói nhạc của mình sến là đúng hay sai. Nhưng có thể cũng đúng, vì trình độ kiến thức của họ cao quá, họ nghe nhạc của tôi, họ thấy rẻ tiền thì họ cho là sến. Tôi sáng tác nhạc, thú thực, hầu như không viết cho tầng lớp giàu có, đầu óc cao siêu nghe, mà là viết cho những người dân lao động bình thường thôi, và cái quan trọng, là họ thích, hiểu, và để giải trí.

 
Nghe như có vẻ “không cần ai”?
 
Không, tôi nói thực. Ví như này: Âm nhạc bác học là âm nhạc tinh túy nhất, tầng lớp cao nhất. Tất cả thế giới ai cũng công nhận điều đó, nhưng nếu mang âm nhạc bác học đó mà về vùng nông thôn hẻo lánh thì người ta thì mấy ai có thể hiểu được? Người ta cần những giờ giải trí sau khi lao động chứ không phải cần sự nghiền ngẫm mà 80% dân số Việt Nam là tầng lớp lao động. Mà thôi, cao siêu quá, thì đúng là tôi không đủ trình độ để viết cho họ nghe, thì họ cho là sến cũng đành thôi. Tôi biết, họ còn cho là rẻ tiền nữa kia.

 
Vậy anh không phản ứng, hay suy nghĩ gì sao?
 
Không, tôi vui chứ. Vậy là họ có nghe, và nhạc của tôi có được mở thì họ mới nghe được, thì mới bình luận được. Âm nhạc, thuộc về nhận thức, và trạng thái của con người lúc đó, trong môi trường hoàn cảnh nào đó. Trong cuộc sống, tôi gặp nhiều sự ghen ghét. Cũng bình thường thôi, nhưng tôi mong nhận được những ý kiến mang tính xây dựng. Chê, thì phải nói nó dở ở chỗ nào, tại sao, chê là sến, hỏi sến là gì, thì thử hỏi có biết không, hay cũng không hiểu sến là cái gì.

 
Anh cũng không định thay đổi phong cách?
 
Không. Tôi biết. Rẻ tiền, đó là quan niệm riêng từng người. Như tôi đã nói rồi. Có thể ai đó cao siêu, thì họ coi Duy Mạnh là thứ vứt đi. Trong cuộc sống, rẻ tiền hay không, đừng có nhẹ dạ mà phán đoán qua bề ngoài. Cái quan trọng, đó là tinh thần. Nhiều người đi xe ôtô xịn, giàu có, nhưng cách ăn nói của họ vẫn là rẻ tiền. Tôi, thực ra, lại chỉ mong muốn là một người bình thường, đừng có ghê gớm gì hết.

 



BÂY GIỜ TÔI KHÔNG BÁN CA KHÚC NỮA

 
Anh nói cứ như một lời thanh minh gì đó?


Không, không phải. Thực là tôi học nhạc viện, nhưng chỉ đến năm thứ 3 trung cấp thì nghỉ.

 
Có nguyên nhân gì chăng?

Vì mải chơi. Xưa, tôi mơ ước là một nghệ sĩ cổ điển. Nhưng lúc nhỏ, không được theo học căn bản, năm mười mấy tuổi mới học piano. Hơn nữa, vì khó khăn, tôi cũng phải đi kiếm sống bằng cách đi đánh đàn ở các quán café, bar… Tự tôi cũng thấy mình không thích hợp với cổ điển, nên chọn dòng nhạc nhẹ cho mình.

 
Trước kia, Duy Mạnh cũng đình đám trong việc bán các bài hát cho các ca sĩ?
 
Vâng, thời gian trước, việc bán bài hát rất dễ. Tôi cứ nhìn người mà viết thôi. Hồi đó, nhiều ca sĩ hát karaoke muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi cứ đàn và hát, họ nghe, thấy có vẻ hợp thì họ mua. Nhiều lúc, tôi biết nó không hợp với họ, nhưng cần tiền, nên tôi cứ bán.

 
Có vẻ anh rất đắt… khách, xin giải thích rõ thêm về các ca sĩ karaoke đã mua ca khúc của anh?
 
Cũng thường thôi. Họ chẳng có gì đáng thương đâu, tôi mới là người đáng thương đây này. Họ có tiền, và bỏ tiền mua niềm vui, còn tôi, thì đó là cuộc sống. Đó là những gia đình lo sợ con em của họ hư hỏng, nên việc trở thành ca sĩ, có khi lại đơn giản hơn. Nhiều khi mua về, hát có lên được đâu, hết hạn mấy năm, tôi lại lấy lại để hát, hoặc đưa cho các ca sĩ khác lại thành hit. Với những người lao động thực sự như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tôi phải sáng tác nghiêm túc chứ. Tôi nghĩ, nhiều khi chuyện này làm cho những ca sĩ karaoke khác tự biết mình có những khả năng như thế nào, đó cũng là cơ hội để họ chọn lại con đường đi cho mình.

 
Đến bây giờ, đã ra đến album thứ 2 rồi, anh còn bán ca khúc không?
 
Bây giờ, tôi sẽ không bán ca khúc nữa. Một bài hát ở nước ngoài, được ăn phầm trăm trên doanh thu đĩa bán ra, nhưng ở Việt Nam, đĩa lậu nhiều không quản lý được, nên sẽ thua thiệt. Còn nếu ca khúc nào được ca sĩ chọn mua, với giá bây giờ từ 5, 7 triệu cho tới đỉnh là 1, 2 ngàn đô. Giờ, nếu bán, thì phải bán với giá cao. Còn không, tôi chỉ để hát. Thấy bài nào có hợp với ai, hoặc là giúp ai trong sự nghiệp của người đó, thì tôi tặng.

 
CHÊ TÔI LÀ SẾN, THÌ TÔI NHẬN
 
Có khi nào nghe tác phẩm của mình, anh thấy mệt không?

 
Nói thật nhé, hãy nghe vừa đủ thôi. Bạn có vào vũ trường, nghe nhạc mạnh, nhưng chỉ có thời lượng vừa đủ, chứ bật to, ầm ĩ nghe suốt ngày đêm chắc phát điên. Đang buồn mà nghe cái máy phát ra “rằng anh yêu em, ố ồ ồ ế ô” thì chắc muốn đập cái máy bốp bốp mất. Tôi viết các bài hát, trong tâm trạng nào đó, lúc đó, có thể buồn, thất vọng, vui, chua cay, viết, và hát, đàn, để giải tỏa tâm trạng. Cảm xúc của tôi thế nào, thì tôi viết ra như thế. Chê tôi là sến, thì tôi nhận.

 
Anh có vẻ rất tự hào về sự ảnh hưởng của các bài hát do anh sáng tác?
 
Đúng. Thời cao điểm, trẻ con 5 tuổi còn hát nhạc của tôi nữa là.

 
Tóm lại, anh còn lời gì cho Sến?
 
Sến, quyền được sến, cũng như quyền được sang. Giờ đây, muốn sang, thì sắm xe ôtô xịn, dùng đồ hàng hiệu nhưng hãy cẩn thận xem có sang được không. Còn sến, đó lại là tâm hồn… chân thật.

 
Chủ đề cho album sắp tới của anh là gì?
 
Sau loạt “Kiếp đỏ đen”, tôi ra tiếp bài nữa cũng về những người cờ bạc. Đây là một đề tài khó, ít người sáng tác được. Và tôi tự hào vì nhạc của tôi, nếu có sến, cũng là sến tích cực. Sau đó, sẽ là “Chuyện người thủy thủ”. Tôi rất thông cảm với nỗi lòng của những người thủy thủ sống lênh đênh ngày tháng, ngoài ra, còn nhiều bài về nhân tình thế thái nữa. Hãy cứ chờ xem!

 

  Bài: Codet – Ảnh: Mạnh Thắng

Thực hiện: depweb

18/07/2008, 17:16