Trong vài năm gần đây, kinh tế khó khăn nhưng mỗi năm, gia đình tôi vẫn cố gắng dành cho nhau một kỳ nghỉ thực sự đáng nhớ. Tuy nhiên, do chưa biết cân đối chi tiêu, nên đã vài ba bận chúng tôi tiêu lẹm sang cả những khoản khác như tiền ăn của cả tháng, tiền học cho con… Để rồi sau kỳ nghỉ, nếu không phải vay mượn bạn bè, người thân thì cả nhà cũng phải thắt lưng buộc bụng đến khổ. Quá tam ba bận, tôi đã có kinh nghiệm hơn trong việc chi tiêu cho kỳ nghỉ gia đình.
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, bạn sẽ có những khoản ngân sách khác nhau. Một khi đã định hướng được kỳ nghỉ của bạn sẽ diễn ra ở đâu, như thế nào thì việc đề ra những khoản chi tiêu cần thiết không khó. Bài viết này tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân dành cho những người mong muốn có một kỳ nghỉ và những chuyến du lịch tiết kiệm.
Chọn địa điểm du lịch theo gói tiền bạn có
Thực ra, 5 triệu hay 10 triệu, 100 triệu bạn đều có thể đi du lịch – chỉ là, bạn có thể đi tới những đâu. Kinh tế dư giả, bạn có thể thoải mái lựa chọn địa điểm mà các thành viên trong gia đình yêu thích, nhưng nếu chỉ có một khoản nhất định, thì bạn vẫn có những lựa chọn phù hợp hơn. Chẳng hạn, trong một vài dịp nghỉ lễ, với ngân sách 5-7 triệu, thường thì gia đình tôi chọn cách đi chơi ở những địa điểm gần Hà Nội như Tam Đảo, Đại Lải, Cát Bà hay Ninh Bình. Với những địa điểm gần, chi phí đi lại tương đối rẻ, ăn ở cũng không quá đắt đỏ nên chỉ trong khoảng 5-7 triệu là chúng tôi đã có thể tha hồ vui chơi thoải mái rồi.
“Quy hoạch” ngân sách
Chẳng hạn, kỳ nghỉ năm nay gia đình tôi định đi Nha Trang. Hai vợ chồng tôi sẽ thống nhất đi vào một thời điểm phù hợp với công việc của cả hai và việc học của con. Thường thì một chuyến đi chơi xa như thế này, kinh phí dự trù của chúng tôi rơi vào khoảng 20 triệu, sẽ có những khoản “cứng” và khoản “mềm”. Chúng tôi thường có kế hoạch đặt vé từ sớm nên thỉnh thoảng săn được vé giá rẻ, nhưng nếu không có vé giá rẻ cũng không sao. Chúng tôi vạch ra, khoảng 10 triệu sẽ dành cho việc đi lại gồm máy bay và ô tô, taxi. Kỳ nghỉ của chúng tôi khoảng 5 ngày, chúng tôi sẽ lựa chọn khách sạn bình dân hoặc đơn giản là một nhà nghỉ gần nơi du lịch, đảm bảo sạch sẽ, tiện nghi. Chi phí cho việc ở trong 5 ngày khoảng 2,5 triệu. Ngoài ra, tiền ăn cũng khoảng 2,5 triệu nữa. Như vậy, những khoản tiền cơ bản cho việc ăn ở, đi lại là khoảng 15 triệu. Số còn lại, ‘khoản mềm”, chúng tôi sẽ lựa chọn các dịch vụ vui chơi phù hợp và dành cho việc mua quà cáp.
Quản lý bằng cách chia nhỏ
Chúng tôi không cầm quá nhiều tiền mặt trong người, vì như thế rất dễ chi tiêu quá tay hoặc làm mất trong thời gian đi lại. Một phần tiền khi chưa cần chi tiêu, chúng tôi sẽ để trong thẻ ATM, khi cần có thể rút ra. Số tiền mặt, thường tôi sẽ cho vào phong bì những khoản như: phong bì để trả tiền phòng, phong bì tiền dành cho đi lại, phong bì tiền ăn và một phong bì cho tiền vui chơi, giải trí, mua quà.
Nhờ những chiếc phong bì này mà chúng tôi có thể biết được giới hạn chi tiêu cho mỗi khoản. Thỉnh thoảng, một vài chi tiêu bị lẹm nhưng cũng không đáng kể bởi gần như chúng tôi vẫn tính toán để sao cho các khoản dư dả một chút.
Chọn dịch vụ phù hợp
Như trên tôi nói, việc săn được vé giá rẻ thì rất tuyệt, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể săn được nên không cần lăn tăn nhiều. Còn những việc khác, có thể chủ động hơn như đặt phòng, lựa chọn dịch vụ vui chơi, giải trí thì bạn nên cân nhắc lựa chọn sao cho hợp túi tiền.
Nếu bạn có nhiều tiền, có thể tiêu xài thả ga thì không nói, nhưng nếu chỉ có một khoản nhất định, không nhất thiết bạn phải chọn khách sạn hay resort hạng sang đâu. Kỳ nghỉ gia đình là để giúp các thành viên gắn bó hơn, mọi người có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái và tận hưởng cuộc sống. Có rất nhiều cách để làm được việc đó mà không tốn kém. Hơn nữa, gia đình bạn đi nghỉ ở biển, sẽ có rất nhiều thời gian ở ngoài trời nên thuê một phòng khách sạn quá sang và tốn kém cũng không cần thiết. Bạn có thể dành khoản tiền đó để vui chơi và ăn uống, khám phá đây đó còn thú vị hơn nhiều.
Tôi thì tôi vẫn thích ở một khách sạn bình dân nhưng ăn uống thỏa thích còn hơn nằm trong khách sạn 5 sao với một cái bụng rỗng.
Ngoài ra, việc ăn uống, chúng tôi cũng thống nhất là sẽ cùng nhau thưởng thức những đặc sản vùng miền nơi chúng tôi tới trong điều kiện cho phép. Trước khi đi, chúng tôi list ra một danh sách những hàng quán với tiêu chí ngon – bổ – phù hợp túi tiền để đến. Chúng tôi cũng thường mang theo một số đồ ăn sẵn để tránh dọc đường bị mệt và đói hoặc không mua được những loại thực phẩm như ý muốn.
Quà cáp
Khi đi du lịch, chúng tôi rất thích mua các đặc sản địa phương về làm quà cho người thân. Đây cũng là khoản thường khiến chúng tôi bị lẹm chi tiêu vì món gì cũng muốn mua. Để ngân sách không “đổ bể”, tôi phải thống nhất trước với chồng và con là sẽ mua quà cho những ai, trong khoảng ngân sách chừng nào. Nếu còn dư, chúng tôi sẽ mua thêm gì hoặc nếu thiếu, thì chi phí bỏ ra tối đa là bao nhiêu. Trong một vài lần trước, số tiền mua quà của chúng tôi nhiều khi còn vượt quá cả tiền ăn trong suốt kỳ nghỉ nên trong những lần sau, chúng tôi rút kinh nghiệm là chỉ được mua sắm trong phạm vi cho phép, nghĩa là, trừ đi một khoản “đề phòng bất trắc” trên đường về, số tiền còn lại của chuyến đi, mọi người có thể mua quà cho người thân hoặc bạn bè. Cũng bởi thế, sau kỳ nghỉ, tình cảnh “đói” không còn tiếp diễn nữa.
Trên đây là những con số tượng trưng mà tôi đưa ra. Với mỗi chuyến, bạn hoàn toàn có thể tự “quy hoạch” những khoản ngân sách theo cách riêng và hợp lý với điều kiện gia đình. Một khi chủ động mọi thứ, bạn sẽ có một kỳ nghỉ không quá tốn kém mà vẫn thật thoải mái.
Bài: Thu Ba