‘Quy định về xe chính chủ sai luật, không khả thi’

“Mức phạt quá cao đã làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách chống đối, lách luật”. Ảnh minh họa: Bá Đô (VnExpress).

– Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là Nghị định 71/CP đã trái thẩm quyền hoặc vi hiến khi cản trở quyền sở hữu tài sản của công dân. Bà nhận định như thế nào?

– Việc xử phạt chủ phương tiện (ôtô, xe máy…) không chuyển quyền sở hữu không phải là vấn đề mới mà đã được quy định trong các nghị định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ như: Nghị định 15/2003, Nghị định 152/2005, Nghị định 146/2007, Nghị định 34/2010 và mới nhất là Nghị định 71/2012.

Về hành vi vi phạm, đối tượng bị phạt, thẩm quyền xử phạt, Nghị định 71 không có gì thay đổi so với các nghị định cũ. Thay đổi lớn nhất là tăng mức phạt ôtô từ 1 – 2 triệu đồng lên 6 – 10 triệu đồng, xe máy từ 50.000 – 100.000 đồng lên 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng.

– Vì sao một quy định được Chính phủ đưa ra từ năm 2003 mà nay lại bị dư luận phản ứng như vậy?

– Thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngày 19-11 vừa qua vẫn khẳng định, các quy định này là đúng pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra một quy trình khá chặt chẽ tại chương 5 để bảo đảm các nghị định có chất lượng tốt, thực sự là sản phẩm trí tuệ của tập thể Chính phủ. Trong đó, khâu thẩm định của Bộ Tư pháp có thể coi là người gác cổng của Chính phủ đối với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, phân tích kỹ về mặt pháp lý, có thể thấy Nghị định 71/CP đã không bảo đảm được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi trong nội dung phạt hành chính hành vi không chuyển quyền sở hữu.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng (VnExpress)

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng (VnExpress). 

– Vậy, Nghị định này không bảo đảm yêu cầu ở điểm nào?

– Thứ nhất, việc giao CSGT có thẩm quyền xử phạt là không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm “sự phù hợp giữa quy định dự thảo với điều kiện thực hiện”. Các nghị định trên đều giao CSGT có thẩm quyền xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.

Muốn phạt được thì trong hàng triệu trường hợp vi phạm giao thông, CSGT phải xác định ai là người chủ đích thực của phương tiện chưa chuyển quyền. Việc giao CSGT nhiệm vụ “truy tìm” chủ xe thông qua việc giữ người điều khiển vi phạm vừa không đúng với chức năng là lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa không khả thi.

Thứ hai, không thể yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó vì không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt.

Thứ ba, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh thuộc người có thẩm quyền xử phạt.

Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.

– Bà nhìn nhận thế nào về mức phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71/CP?

– Số tiền 1,2 triệu đồng một xe máy, đối với người khá giả là không lớn nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên… là không nhỏ; còn 10 triệu đồng một ôtô thì kể cả người khá giả cũng là vấn đề.

Mức phạt quá cao làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách lách luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho CSGT

Theo Người Lao Động


From the same category