Trở lại đường đua phim Việt sau 6 năm, “Quý Cô Thừa Kế 2” đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của khán giả bởi nội dung được xem là “gia vị lạ” khi khai khác đề tài giới thượng lưu. Song, tác phẩm nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế.
“Quý Cô Thừa Kế 2” xoay quanh gia đình giàu có tưởng chừng như đầm ấm và hạnh phúc của Cao Minh (Huy Khánh), Hải Đường (Trang Nhung) và con gái Kim (Quyên Qui). Tuy nhiên, mọi thứ ngày càng trở nên kì lạ khi Cao Minh càng lúc càng thô bạo và có xu hướng kiểm soát đầy độc tài lên vợ và con gái mình. Chứng kiến cảnh cha thường xuyên bạo hành mẹ, Kim ngày càng bất mãn và trở nên nổi loạn nhiều hơn, thậm chí chống đối lại cha mẹ mình. Sự căng thẳng trong ngôi nhà chợt lên đến đỉnh điểm khi mọi mâu thuẫn trong gia đình dường như đang được bàn tay của ai đó sắp xếp, thậm chí gây ra những tai nạn vô cùng ác ý với Kim khiến cô nghi ngờ chính cha mẹ ruột của mình.
Mở đầu, mạch phim diễn ra trôi chảy khi tập trung giới thiệu tính cách nhân vật lẫn mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, thế nhưng diễn tiến dần mất đà ngay sau đó. Cụ thể, phim chưa tập trung khai thác câu chuyện từng nhân vật. Đôi lúc, phim nhấn mạnh vào tình tiết ngoại tình của Cao Minh; lúc lại khắc họa sự trầm uất của Hải Đường; khi thì mô tả tình yêu tuổi trẻ của Kim. Thậm chí, câu chuyện của gia đình bán phá lấu cũng được dành phân nửa thời lượng. Sự dàn trải và ôm đồm tình tiết đã làm cho những tình huống cũng như các plot-twist không được giải quyết thỏa đáng, ngược lại còn làm cho người xem “bội thực” .
Bên cạnh đó, câu chuyện của Kim cùng các tình tiết “Quý Cô Thừa Kế 2” làm cho người xem không khỏi liên tưởng đến nhân vật Nhi (Uyển Ân) trong “Nhà Bà Nữ”. Cả hai nhân vật đều có điểm chung là cuộc sống “vô ưu vô lo”, nhưng sinh ra trong gia đình độc đoán khiến bản thân hình thành tính cách độc hại, thiếu trách nhiệm với bản thân, thường xuyên đổ lỗi và trách mắng. Đặc biệt, phân cảnh Kim mang thai ngoài ý muốn, bị sảy thai trên đường khá tương đồng với Nhi.
Ngoài ra, phim cũng có một vài cảnh giống “Nhà Bà Nữ”. Điển hình, phân đoạn youtuber đến quán phá lấu Lanh Chanh livestream tương tự như cảnh Lê Minh Hổ (Lê Dương Bảo Lâm) phát trực tiếp tại quán bánh canh cua bà Nữ.
Với thể loại tâm lý, việc xây dựng tuyến nhân vật đóng vai trò vai quan trọng ở việc thành bại bộ phim. Tuy nhiên, “Quý Cô Thừa Kế 2” không thực hiện tốt điều này. Với Quyên Qui lần đầu chạm ngõ điện ảnh, người đẹp được khán giả đánh cao về khả năng diễn xuất. Tuy vậy, kỹ năng đài từ của cô còn hạn chế khiến tổng thể bộ phim thiếu trọn vẹn. Đáng nói, Otis Nhật Trường vốn là nhân vật được kỳ vọng, nhưng anh có màn trình diễn kém thuyết phục. Dù được “chọn mặt gửi vàng” cho hình tượng lạnh lùng, chững chạc, nhưng cách nam diễn viên biểu lộ cảm xúc tạo cho khán giả cảm giác có phần khiên cưỡng và gồng gượng.
Về phần Trang Nhung và Huy Khánh, màn tái xuất của cả hai chỉ dừng ở mức tròn vai. Bộ đôi diễn viên gây tiếc nuối bởi tuyến nhân vật cả hai đảm nhận được xây dựng theo kiểu mẫu quen thuộc mà khán giả có thể dễ dàng bắt gặp trong phim truyền hình gia đình trước đây. Trên màn ảnh, Huy Khánh toát lên là ông bố độc tài, bất hiếu với cha và phụ bạc; trong khi “cô vợ” Trang Nhung thể hiện nhu nhược, phó mặc cuộc đời cho số phận.
Có lẽ điểm sáng lớn nhất về diễn xuất nằm ở bộ đôi Hứa Minh Đạt và Lâm Vỹ Dạ. Thủ vai hai vợ chồng bán phá lấu lương thiện, đầy lạc quan cặp đôi diễn viên đã mang đến cho người xem những phút giây dễ chịu, thoải mái, xóa nhòa khoảng cách giữa diễn xuất và đời thực.
Bên cạnh những điểm khuyết, không thể phủ nhận nỗ lực của bộ phim trong việc khắc họa rõ nét mặt trái giá trị đồng tiền. Xuyên suốt 110 phút, “Quý Cô Thừa Kế 2” không chỉ khai thác góc khuất giới thượng lưu, mà còn phản ánh sâu sắc sự thật tàn ác và nhẫn tâm của đồng tiền, của quyền lực và sự tha hóa tận cùng trong nhân cách của con người khiến khán giả phải tự suy ngẫm và trả lời cho câu: “Tiền có thực sự mua được hạnh phúc?” hay “Khi bạn thực sự giàu có thì bạn mới được đối đãi sự chân thành và tử tế?”.
Tuy tồn tại nhiều hạn chế ở khía cạnh đào sâu tâm lý nhân vật lẫn câu chuyện, nhưng có thể nói “Quý Cô Thừa Kế 2” đã đáp ứng thành công yếu tố giải trí, đồng thời phản ánh chân thật về giá trị đồng tiền cũng như hạnh phúc.