Đăng Quang kín đáo giống cha, Thiện Thanh “tồ”… giống mẹ
– Việc Đăng Quang lựa chọn một con đường đi riêng, đấy là do anh muốn con đỡ phải đối diện với áp lực “con Thanh Lam – Quốc Trung”, hay vì nó gần với bản tính của con hơn?
– Nó là lựa chọn của con, và tôi hoàn toàn tôn trọng. Tất nhiên trước đó cũng có bàn qua với nhau một chút, bằng việc đưa ra ít nhất một vài lựa chọn khác, và phân tích cho con rõ cái mất, cái được của từng lựa chọn. Và cuối cùng thì Quang chọn cổ điển, âu cũng là hợp với tạng của con: hiền lành, rụt rè, ngại giao tiếp, va chạm…
– Nhẽ ra, phải là ngược lại chứ: Càng nhát, lại càng cần được quăng ra giữa chốn “dữ dằn” như showbiz, gọi là “lấy độc trị độc”?
– Chả hẳn đâu! Biết đâu là, càng ra giữa chốn ồn ào, con người ta càng có bản năng muốn co mình lại hơn, trước bấy nhiêu áp lực? Tóm lại, quyền quyết định, thích hay không thích là của con, còn việc của các ông bố bà mẹ là trang bị kiến thức, kinh nghiệm, giúp con thấy lựa chọn đó có tính hai mặt như thế nào, sẽ đi đến đâu và có thể mang lại những gì, khó khăn ra sao… Nhưng dù là lựa chọn nào đi nữa thì cũng phải cùng xác định ngay từ đầu rằng, chả có gì trên đời này là được sung sướng trọn vẹn cả…
– Quang có vẻ giống anh về mặt tính cách?
– Ừ, nó giống tôi ở sự kín đáo, ít khi bộc lộ ra bên ngoài.
– Giờ, tôi thấy anh có vậy nữa đâu? Cũng ngồi ghế nóng và chơi FB như ai, và khá là cởi mở với báo chí đấy chứ?
– À ừ thì đấy là hồi bé! Mà không, cũng phải tận mãi về sau này đấy! Nói chung là đến tận bây giờ vẫn thuộc dạng rụt rè, ngại va chạm.
– Vậy mà những dự án nghệ thuật của anh thì vẻ như mỗi lúc một ưa… “tay bo” với đám đông, lại còn là người trẻ: hết Rock Storm đến Monsoon…? Từ bao giờ thì anh hết rụt rè vậy?
– Cũng chẳng biết là từ khi nào. Có thể là do tự thân yêu cầu công việc, rồi dần dà nó cuốn mình đi. Nhưng thực sự là chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể làm được cái việc gì đó tương tự như một MC, khi đứng trước một đám đông…
– Trái lại, Thiện Thanh đích thị là bản photocopy của mẹ?
– Cá tính thì đúng là có vẻ giống đấy: bản năng, tồ tồ, nhưng được cái là không nổi loạn. Hồi bé nó rất ghê gớm, nhưng không hiểu sao càng lớn lại càng mất dần sự tự tin. Thật ra nó có khả năng nhưng đang bị mất đi sự tự tin, không hiểu sao…
– Có thể là vì cái bóng của bố mẹ quá lớn, mà Thanh thì lại chưa có được lựa chọn riêng dứt khoát như Đăng Quang?
– Không phải thế đâu. Con bé được cái nó hồn nhiên lắm. Nó được cái đó. Chính vì thế mà đôi khi tôi không muốn nó lớn. Tất nhiên, sự hồn nhiên cũng có mặt trái của nó, người hồn nhiên thường hay phải chịu thiệt thòi. Tồ, mà thêm chút nổi loạn nữa thì sẽ rất dễ bị hẫng.
– Thường, anh chọn dạy con theo kiểu nào: Tạo ra những cái đầu khôn ngoan hay những tâm hồn trong sáng?
– Khôn, nếu theo kiểu thói thường, thì tôi không chọn. Dạy con, tôi chỉ mong nó sống sao cho thật, nên thường cũng hay hạn chế việc nói hay làm cái gì đó quá lên theo kiểu “mị dân”, mà vô hình trung gây sức ép cho đứa trẻ…
Đăng Quang yêu mẹ kỳ lạ
– Đã bao giờ, bị mắc kẹt giữa guồng quay công việc mà anh cảm thấy thèm cái thế giới an nhiên và yên tĩnh của Đăng Quang chưa?
– Nhạc cổ điển không hẳn là thế giới bình yên như bạn nghĩ đâu! Nếu thế thì đã không có chuyện giám đốc Nhà hát Bolshoi bị tạt axit. Dù tất nhiên là về cơ bản, những người có bản tính rụt rè, kín đáo như tôi và Đăng Quang thì thường sẽ yêu thích một thế giới yên lành, bình dị, thay vì ồn ào, “lộ sáng”. Tất nhiên là nếu giờ bảo mình làm thế, mình sẽ không còn làm được nữa, vì từ bao giờ mình đã trót ở trong một cái guồng quay khác mất rồi. Nhưng cũng có thể, đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ muốn được sống khác, làm khác.
– Đó là lý do anh chọn rút khỏi ghế nóng, “đi chỗ khác chơi”, kịp trước khi nó bão hòa?
– Bão hòa hay không, tôi không quan tâm. Chỉ là, mình không còn cảm thấy vui nữa. Giờ, tôi thậm chí còn chả bao giờ để mắt đến một chương trình truyền hình thực tế nào và cũng không còn muốn tham gia quá sâu vào showbiz…
– Hai thế giới, một tính cách, liệu đó là trái dấu hay cùng dấu, giữa anh và con trai?
– Ôi, thậm chí còn khó gần là khác! Không cẩn thận là khó gần đấy! Không hiểu sao. Thằng bé ấy, nó yêu mẹ nó kỳ lạ! Đành rằng con thì đứa nào chả yêu mẹ, con trai lại càng thế, nhưng đúng là thằng này nó yêu mẹ nó kỳ lạ. Lúc nào cũng muốn gần mẹ, đi với mẹ, trong mọi quyết định lớn bé thì thường nghe mẹ…
– Có thể trái dấu thì mới dễ hút nhau?
– Không hiểu…
– Vậy “phe” bên kia sẽ là Quốc Trung – Thiện Thanh?
“Phe”, thì không hẳn, nhưng đúng là hai mẹ con “chị” ấy thì chúa là xung khắc. Yêu quý nhau lắm, nhưng vẫn cứ là xung khắc. Cứ xem các “chị” ấy tập chương trình với nhau thì biết, ôi thôi cứ gọi là… siêu căng thẳng, giải hòa mệt lắm!
– Anh có nhìn thấy ở Thiện Thanh một Thanh Lam của ngày xưa? Có… bất an?
– Không. Thiện Thanh, thế mà nó khác đấy, không giống hẳn đâu! Dĩ nhiên về cơ bản thì khá là giống, nhưng chắc không mạnh bạo như mẹ. Đến giờ này thì là thế.
– Thường thì anh dễ bị xúc động trước típ phụ nữ nào hơn: Ý nhị dịu dàng, hay mạnh mẽ, “tăng động”?
– Định hình một cách rõ ràng thì không. Nhưng thường thì có vẻ như là dễ bị thu hút bởi những người phụ nữ mạnh bạo (cười).
– Kế mà được chọn, anh muốn hai con nhận được ảnh hưởng nào từ mẹ? Sự mạnh bạo chăng?
– Chưa bao giờ tôi muốn biến các con thành những bản sao. Trẻ con nhà này đôi lúc bị “hỏi khó”: Bố khôn thế sao không giống bố, mà lại cứ đi “dại” giống mẹ. Tất nhiên chỉ là trêu thôi nhưng cũng là khó nói. Ở đời, biết thế nào là khôn là dại. Đôi lúc, tôi lại còn muốn được tồ và dại như Thiện Thanh, thì sao?
Con cái giống mình hay không, không quan trọng. Xét cho cùng, mình đâu phải là một cái gì hoàn hảo đâu mà bắt con phải giống. Không giống, có khi lại là mừng. Tốt nhất là cứ để nó được sống theo cách của nó, dù có thể nó phải trả giá.
Quan trọng là nó được sống đời sống của nó, khóc cười như nó muốn. Nó chọn có sai, thì cũng là đời sống của nó, và có thế thì mới đúng là được sống. Còn nếu như bắt con phải sống theo cách mình muốn thì đó bất quá chỉ là một thứ búp bê do mình nặn ra, hơn là cho nó một đời sống văn minh. Miễn sao sau những va quệt và vỡ nhẽ, con sẽ dần dà thành được ra một người tử tế, sống nhân văn, cảm xúc và luôn giàu năng lượng yêu thương…
Với con cái, bố mẹ không nhất thiết phải là Thánh!
– Thường, anh có bối rối khi trót để lộ ra trước con một nét tính cách gì đó không được hay ho cho lắm ở mình?
– Tôi thậm chí còn khá thẳng thắn là đằng khác. Nói với con trẻ, thường tôi hay đưa các mặt trái ra rồi mới nói tới mặt phải. Theo đó, những điểm yếu trong tính cách của bố mẹ, nếu cần nói ra, thì cũng phải là câu chuyện được đề cập trước. Không sao cả, con người mà, có ai là hoàn hảo. Với con cái, bố mẹ không nhất thiết phải là thánh.
Được cái, bố mẹ có ra sao thì con trẻ chúng nó vẫn cứ yêu bố mẹ vô điều kiện. Đã yêu thì rất khó chính xác và tỉnh táo, hoặc nó “tỉnh táo” theo một nghĩa khác.
– Trao cho con quyền lựa chọn – tiếng là tôn trọng con, nhưng biết đâu là bản thân bố mẹ cũng sợ phải chịu trách nhiệm trước con cái, khi phải quyết định thay con?
– Nói thế cũng không đúng. Bạn chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm về đời sống của người khác cả. Nếu muốn truyền năng lượng hay tạo ra ảnh hưởng, thì tốt nhất là nên trang bị kỹ năng sống cho con từ trước đó, còn một khi nó đã lựa chọn rồi thì bạn sẽ không có quyền được can thiệp nữa, thậm chí, bình phẩm.
– Suốt một thời gian dài làm “gà trống nuôi con”, đã bao giờ anh nghĩ mình vừa vặn với bảng phân vai: Vừa là bố vừa là mẹ?
– Đúng là từ bé tôi đã may mắn được bố mẹ trang bị cho khá nhiều kỹ năng sống cần thiết, đủ để thích nghi được trong nhiều hoàn cảnh nên trước những biến động của đời sống, tôi thường thích ứng khá nhanh và làm khá tròn vai. Chẳng hạn như việc thức canh con sốt đến việc lụi cụi làm món súp lươn cho con ăn (“cái gì không biết thì tra google”)…
Tuy nhiên đừng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thay mẹ chúng. Chả bao giờ thay thế được mẹ hết. Nếu có thì gần như cũng chỉ là ngộ nhận mà thôi, khi có những việc, bạn cứ quen nghĩ đó là của đàn bà mà không phải là việc của mình, cho đến lúc buộc phải tự làm nó.
– Thanh Lam nói với tôi rằng: Kể mà Đăng Quang “gấu” hơn một chút, mạnh mẽ hơn một chút…
– Chị ấy chỉ nói! Muốn con cứng cáp hơn mà lại toàn lôi con đến chỗ toàn phụ nữ thì sao mạnh mẽ được, sao biết đàn ông họ cần gì? Tôi thì tôi lại chỉ muốn kéo con đến chỗ bọn đàn ông con giai, cứ đi… cưa gái loạn lên xem nào! Có thế mới nhanh thành thằng đàn ông hay được (cười). Đưa con ra nước ngoài chơi cũng vậy, tôi toàn bắt nó phải tự đi chơi một mình ở một thành phố khác, tự mua vé, tự tìm hiểu hành trình và điểm đến…, đôi khi chỉ với một số tiền ít ỏi. Nhưng một mặt, khi ở nhà, thì lại vẫn phải học cách quét nhà rửa bát như thường, và đừng bao giờ nghĩ đó chỉ là công việc của phụ nữ.
– Anh có gặp khó với người phụ nữ đến sau của mình, khi Đăng Quang yêu mẹ đến mức như vậy?
– Ô, thì là mẹ đẻ ra nó mà, sao nó không yêu cho được? Mẹ, thì chỉ có một, bất luận thế nào thì cũng không gì, không ai có thể sánh được hay thay thế được. Nhưng tôi luôn tin một đứa con trai có nhận thức như Đăng Quang thì sẽ không vì yêu người này mà ghét người kia. Đơn giản là cô ấy chả có lỗi gì cả. Về người phụ nữ đến sau của mình, tôi luôn nói với con: Con có thể biết ơn sự chăm sóc của cô ấy, nhưng không nhất thiết phải gọi cô ấy bằng mẹ, nếu như con không cảm thấy thoải mái. Gọi tên một ai đó xét cho cùng chỉ là hình thức mà thôi. Quan trọng là bạn có thực sự yêu thương và khi đó, tự nó sẽ bật lên thành tiếng gọi…