Ổ voi trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Bến Lức (Long An) – Ảnh: Q.DUY
Ngày 18-10, ghi nhận trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bến Lức (Long An), mặt đường xuống cấp trầm trọng. Trong đó đoạn đường qua hai xã Mỹ Yên, Long Hiệp và thị trấn Bến Lức chi chít ổ voi, ổ gà và có những đoạn mặt đường gồ ghề kéo dài 4-5km.
“Bẫy” người đi đường
Tại đoạn đường qua xã Mỹ Yên, các ổ voi, ổ gà chằng chịt như “bẫy” người đi đường. Thậm chí có đoạn cứ cách vài chục mét lại xuất hiện một hố lớn. Còn ở hai bên đường là các hố nước có chiều ngang 1-2m, kéo dài hơn 20m chiếm hết phần đường dành cho xe máy khiến hầu hết người đi xe máy phải lấn sang làn đường dành cho ôtô rất nguy hiểm.
Tương tự, đoạn đường từ xã Long Hiệp đến thị trấn Bến Lức mặt đường gồ ghề, xe cộ qua lại rất khó khăn. Gần ngã tư Long Kim thuộc thị trấn Bến Lức, mặt đường đầy hố rộng hơn 1m chắn qua. Cách ngã tư này khoảng 1km (hướng từ TP.HCM về Tiền Giang), tại ngã ba đường Nguyễn Văn Tuôi – quốc lộ 1, mặt đường biến dạng nhô lên thành những mô cao khoảng 30cm và xen lẫn các hố trũng. Xe máy đi vào những chỗ này liên tục “nhảy dựng”, rất nguy hiểm.
Chị Huỳnh Thị Kim Nhung, nhà ở mặt tiền quốc lộ 1 (ấp Long Khánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức), cho biết “tổ hợp” các ổ gà, ổ voi rộng hơn 80cm nằm chình ình trước nhà chị mỗi ngày thường gây ra 3-4 vụ tai nạn giao thông. “Gần đây nhất lúc 23g ngày 16-10, cả nhà tôi đang ngủ thì nghe tiếng động lớn ngoài đường. Khi chạy ra thì thấy một thanh niên chạy xe máy vấp ổ voi té, đang lồm cồm dựng xe lên. Rất may thanh niên này chỉ bị sây sát nhẹ” – chị Nhung kể.
Bao giờ sửa đường?
Ông Nguyễn Thuận Phương – tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 (Bộ GTVT) – thừa nhận tuyến quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 30km có một số đoạn bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó đoạn đường hư nặng nhất là từ khu vực Gò Đen (km1925) đến Bến Lức (km1932) dài 7km. Mặt đường ở đây bị rạn nứt dọc ngang, đùn lún hoặc bong tróc nhựa đường…
Theo ông Nguyễn Thuận Phương, đường hư nặng là do từ khi nâng cấp, mở rộng đến nay đã hơn mười năm nhưng chưa được đầu tư cải tạo nâng cấp (trung tu hoặc đại tu). Kinh phí hằng năm không đủ sửa chữa đúng quy định về duy tu, chỉ sửa chữa theo kiểu “hỏng đâu sửa đó”.
Ngoài ra, dọc hai bên quốc lộ 1 đã hình thành các cụm dân cư, các khu công nghiệp nhưng không xây dựng hệ thống thoát nước. Mặt khác, do các hộ dân, công ty hai bên đường san lấp mặt bằng nâng cao nền nhà hơn mặt đường nên quốc lộ 1 trở thành “mương nước”, không có chỗ thoát nước gây hư hỏng nền mặt đường.
Cũng theo ông Phương, trong năm nay Khu Quản lý đường bộ 7 đã giao đơn vị tư vấn thiết kế (thuộc khu) lập hồ sơ sửa chữa đường tại km1924-km1941 thuộc tỉnh Long An. Còn Tổng cục Đường bộ VN đã tạm bố trí vốn 1 tỉ đồng để sửa chữa những đoạn ngập nặng nhất. Ngoài ra, Khu Quản lý đường bộ 7 đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Long An kiểm tra hiện trường để lựa chọn vị trí ưu tiên xây dựng đấu nối vào hệ thống thoát nước ngang của địa phương nhằm chống ngập mặt đường. Dự án này đã trình Tổng cục Đường bộ VN xem xét để làm ngay trong năm nay.
Ông Phương cho biết để sửa chữa triệt để các hư hỏng trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Long An, đơn vị đã kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN phải nâng cấp nền mặt đường và xây dựng mới hệ thống thoát nước. Dự kiến kinh phí đầu tư cho tuyến đường này khoảng 350 tỉ đồng. Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT đang triển khai lập dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ Hà Nội đến Cần Thơ), trong đó có đoạn quốc lộ 1 thuộc tỉnh Long An.